Tìm hiểu Di huấn Bác Hồ

19/05/2010 - 08:45

Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc, người tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện Đảng ta. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những di sản vô cùng quý báu, trong đó có tư tưởng và đạo đức của Người.

Đối với lực lượng Công an nhân dân, mặc dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn quan tâm chăm lo từ việc xây dựng, tổ chức, xác định quan điểm, đường lối, chính sách, biện pháp công tác, bố trí cán bộ,… và những lời Di huấn. Ngoài 6 điều dạy về tư cách người công an cách mạng, Bác còn chỉ ra phương pháp đấu tranh đối với từng loại đối tượng, tinh thần, trách nhiệm, phục vụ nhân dân của lực lượng công an nhân dân. Trong bài “Binh pháp Tôn tử, phương pháp dùng gián điệp” Bác chỉ rõ: đối với gián điệp phải thế nào – Tôn tử nói: “về việc quân, không ai thân bằng gián điệp, không xử với ai hậu bằng gián điệp, không việc gì bí mật bằng gián điệp ”. Tuy lời Di huấn của Bác ngắn gọn, nhưng hàm chứa những ý nghĩa hết sức to lớn để lực lượng công an vận dụng trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia giai đoạn hiện nay.
Đề cập đến vấn đề xây dựng lực lượng công an nhân dân, trong thư gửi Hội nghị Công an toàn quốc, tháng 1 năm 1950, Bác Hồ viết: xây dựng bộ máy công an nhân dân, tức là công an phải có tinh thần phục vụ nhân dân, là bạn dân. Đồng thời, phải dựa vào các đoàn thể mà tổ chức giáo dục nhân dân trong việc phòng gian, trừ gian để nhân dân thiết thực giúp đỡ công an. Cách tổ chức công an phải đơn giản, thiết thực, tránh cái tệ quá hình thức, giấy má. Lề lối làm việc phải dân chủ, cấp trên phải thường xuyên kiểm tra cấp dưới, cấp dưới phải phê bình cấp trên, giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. Tự phê bình và phê bình nhau theo tinh thần thân ái và lập trường cách mệnh. Phải hoan nghênh nhân dân phê bình công an, để đi đến hiểu công an, yêu công an và giúp đỡ công an. Thông qua thư Bác gửi hội nghị công an toàn quốc cho thấy, tổ chức bộ máy công an phải phù hợp với từng giai đoạn cách mạng mới phát huy được hiệu quả trong đánh địch và bảo vệ ta, đặc biệt phải giải quyết tốt mối quan hệ máu thịt giữa công an với nhân dân, giữa công an với các ngành đoàn thể, đây chính là yếu tố quan trọng có vai trò quyết định đến sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình hiện nay.
Ngoài đề cập đến công tác xây dựng lực lượng công an nhân dân, giữ bí mật cũng là một trong những yếu tố quyết định đến thắng lợi. Cho nên Bác Hồ luôn quan tâm đến việc giữ bí mật. Trong bài “Phải giữ bí mật”, Bác viết : vấn đề này nhắc đi, nhắc lại đã nhiều lần; nhưng tiếc thay, chứng bệnh không biết giữ bí mật vẫn rất phổ thông, rất trầm trọng. Nhiều cán bộ, nhân viên, binh sĩ, nhân dân, còn mắc bệnh ấy. Chúng ta phải luôn nhớ rằng: trong chiến tranh, giữ bí mật hay không là điều rất quan hệ đến sự thắng hay bại. Nếu địch biết tin tức của ta, nó sẽ tìm đánh vào chỗ yếu của ta thì địch sẽ thắng. Nếu ta thấy rõ tin tức của địch, ta sẽ tìm đánh vào chỗ yếu của nó thì ta sẽ thắng. Dù có khí giới nhiều, bộ đội đông, lực lượng mạnh, kế hoạch hay, nhưng nếu để tin tức lộ ra, địch sẽ biết mà phòng bị trước thì cũng không thắng được. Vì vậy, người ta gọi mặt trận tin tức, nếu mặt trận ấy giữ không vững, nghĩa là không biết giữ bí mật, thì các mặt trận ấy cũng lung lay. Hiện nay trong thực hiện âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” đối với cách mạng nước ta, các thế lực thù địch rất chú trọng khai thác tin tức tình báo để chống phá ta. Cho nên, giữ bí mật có ý nghĩa sống còn đối với mỗi quốc gia và công tác bảo vệ an ninh quốc gia.
Cũng đề cập đến công tác xây dựng lực lượng công an nhân dân. Trong bài nói tại Trường Công an trung cấp khóa II, Bác chỉ rõ: chính quyền nhân dân có 2 lực lượng để bảo vệ nó, đó là quân đội và công an. Làm công tác chính quyền ở công an hay ở quân đội, đều làm đầy tớ cho nhân dân cả, vì chính quyền dân chủ, có nghĩa là chính quyền do nhân dân làm chủ. Làm công an không phải “làm quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân. Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân thì dân không cần đến nữa. Tuy công an là của nhân dân, nhưng đồng thời cũng biết phê bình người phạm sai lầm. Trong nội bộ, công an cũng phải phê bình nhau. Đối với người không sửa được thì phải tẩy trừ ra khỏi ngành, kẻo để lại thì con sâu làm rầu nồi canh. Phải làm thế nào cho được lòng dân, phải thật sự giúp đỡ dân trong công việc chứ không phải là lối ngoại giao qua loa. Có như thế thì người dân mới trở lại giúp đỡ công an.
Có thể nói, chữ “dân” trong Di huấn của Bác Hồ thể hiện đậm nét tính nhân dân của lực lượng công an trong chế độ mới. Bởi công an của ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, dựa vào dân mà làm việc. Không có dân, công an không có chỗ dựa, không có sức mạnh để chiến đấu. Để có chỗ dựa, công an phải gần dân, làm cho dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều, thì thành công nhiều; giúp đỡ ta ít, thì thành công ít; giúp đỡ ta hoàn toàn, thì thắng lợi hoàn toàn. Do vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần suy ngẫm thấu đáo, để vận dụng thực hiện tốt chữ “dân” trong lời Di huấn của Bác Hồ.

Huy Phục

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN