Tìm kiếm doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản phẩm

08/09/2017 - 07:58
Hiện nay có 2 doanh nghiệp cùng tham gia chuỗi giá trị dừa. Ảnh: Mã Phương

Hiện nay, Bến Tre có 8 chuỗi giá trị sản phẩm cấp tỉnh và 10 chuỗi giá trị sản phẩm cấp huyện. Sau thời gian triển khai thực hiện chuỗi giá trị vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được: một số sản phẩm chưa xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận; chưa có đầu ra ổn định; không có doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị; nông dân còn sản xuất nhỏ, lẻ…

 

Đầu ra sản phẩm khiêm tốn

Chi cục Chăn nuôi và Thú y được phân công chủ trì hai chuỗi giá trị sản phẩm là con bò và con heo. Thế nhưng, đến nay đầu ra của hai sản phẩm này vẫn chưa có, người dân tự nuôi và tự bán cho các thương lái. Theo ông Phạm Kim Thành - Trưởng Phòng Quản lý giống và kỹ thuật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khó nhất của chăn nuôi heo là đầu ra sản phẩm. Số lượng hộ chăn nuôi ở Bến Tre nhiều nhưng quy mô nhỏ, số hộ chăn nuôi trang trại ít nên sản phẩm không đồng loạt, do đó không tìm được đối tác đầu ra. Trước đây đã tìm được đầu ra là Công ty Vissan, nhưng không duy trì được. Lý do là số lượng heo VietGAP không đủ để đáp ứng nhu cầu của công ty.

Đối với con bò, hiện nay tỉnh có đàn bò trên 200 ngàn con, tập trung chủ yếu ở huyện Ba Tri, Thạnh Phú. Đa phần các hộ chăn nuôi bò nhỏ, lẻ. Hiện nay, mới có 1 tổ hợp tác thu mua bò ở xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri để thu mua và bán đi các tỉnh khác. Bà Trần Thị Kim Cương - Trưởng Phòng Quản lý nuôi thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, theo Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy, Chi cục Thủy sản chủ trì chuỗi giá trị tôm biển. Hiện nay, đã thành lập được 2 tổ hợp tác tôm sú - lúa.

Tổ hợp tác tôm sú - lúa đã liên kết đầu vào và đang thỏa thuận để tìm đầu ra. Tuy nhiên, ở Bến Tre chỉ có 1 nhà máy chế biến tôm nhưng chưa thỏa thuận được vì doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình khép kín, nên Chi cục Thủy sản phải đi tìm doanh nghiệp ngoài tỉnh, còn nếu liên kết trong tỉnh thì chỉ có thể liên kết với đại lý cấp 1 - trung gian. Hiện nay, ở Bến Tre đã có doanh nghiệp tư nhân ở Thạnh Phú đồng ý tham gia chuỗi giá trị tôm nhưng đến năm 2018 mới thu mua.

Bà Phan Thị Thu Sương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến cuối năm 2017 phải hoàn thành 2 chuỗi giá trị: dừa và bưởi da xanh. Hiện nay, đã có 2 doanh nghiệp quyết tâm đồng hành cùng tham gia chuỗi giá trị dừa, đã tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) và Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới.

 

 

Hiện nay, bưởi da xanh đã có doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị. Ảnh: Viết Duyên

Bưởi da xanh có cơ sở Hương Miền Tây đồng hành chuỗi, đồng ý bao tiêu nhưng người trồng bưởi phải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và trồng theo đúng quy trình sản xuất, phải ký hợp đồng với công ty.  “Tuy nhiên, cả tỉnh có trên 70.000ha dừa nhưng doanh nghiệp bao tiêu, xây dựng chuỗi khoảng 1.000ha. Diện tích bưởi da xanh trên 6.200ha thì doanh nghiệp cũng chỉ xây dựng chuỗi chưa đến 100ha. Đây là con số còn rất khiêm tốn”, bà Sương cho biết. 

Còn nhiều việc phải làm

Bà Phạm Thị Hân - Phó giám đốc Sở Công Thương cho rằng, hiện nay một số sản phẩm tham gia chuỗi giá trị có mẫu mã, chất lượng chưa đồng đều, chưa có chứng nhận VietGAP, nên khi xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp yêu cầu tiêu chuẩn VietGAP thì những sản phẩm này không đáp ứng được. Có những sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP nhưng trên bao bì lại không ghi rõ ràng nên cũng bị doanh nghiệp từ chối. Vì thế thời gian tới, tình hình xúc tiến thương mại còn nhiều khó khăn vì sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP rất ít.

“Từ ngày 31-7-2017, heo đeo vòng nhưng không có thông tin thì TP. Hồ Chí Minh sẽ không cho bán vào thị trường này, đầu tiên là hai chợ Hóc Môn và Bình Điền. Tiếp sau heo là trứng gia cầm và thịt bò cũng phải tham gia truy xuất nguồn gốc mới được đưa vào thị trường TP. Hồ Chí Minh nên thời gian tới sẽ rất khó khăn cho Bến Tre” - bà Hân cho biết thêm.

Ngành nông nghiệp nên phối hợp với địa phương để vận động nông dân sản xuất nhỏ, lẻ gia nhập hợp tác xã để sản xuất theo chuẩn VietGAP, sản phẩm phải có đóng gói bao bì thì thời gian tới công tác xúc tiến thương mại mới thuận tiện. Đến thời điểm này, trong 8 sản phẩm tham gia chuỗi giá trị sản phẩm cấp tỉnh chỉ có hoa kiểng Cái Mơn và bò Ba Tri được chứng nhận nhãn hiệu.

Theo bà Huỳnh Thị Như Thủy - Trưởng Phòng Quản lý khoa học chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ, sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu hút được doanh nghiệp tham gia liên kết tạo đầu ra, mở rộng được kênh phân phối. Để sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể thì người nông dân tham gia phải sử dụng cùng một quy trình sản xuất, không thể tự ý bón phân khác nhau, cho ăn thức ăn chăn nuôi khác nhau…

Bà Phan Thị Thu Sương - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Nếu không có doanh nghiệp giải quyết đầu ra thì chuỗi giá trị sản phẩm không thể hoàn thiện. Phải chọn được doanh nghiệp mạnh, có đủ tâm, đủ tầm mới xây dựng chuỗi giá trị một cách bền vững được.

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN