Những năm gần đây, kiểng lá “nóng” trở lại, dùng điểm xuyết trong nghệ thuật trang trí, cắm hoa. Đây cũng là loại cây thoát nghèo.
Bất ngờ kiểng lá
Dẫu không hẹn, không hề biết nhau nhưng anh Nguyễn Văn Kim (xã Đại Điền - Thạnh Phú) và anh Đặng Văn Thanh (xã Long Thới - Chợ Lách) đều bắt đầu đến với kiểng lá bằng sự phát hiện bất ngờ về nhu cầu lá kiểng cho kết hoa tại các chợ hoa kiểng ở TP. Hồ Chí Minh, nhân chuyến thăm người thân. Anh Kim bắt đầu từ năm 2001, còn anh Thanh từ năm 2003 và từ đó đến nay, mô hình trồng kiểng lấy lá phát triển rất nhanh ở cả vùng nước ngọt Chợ Lách và vùng nước mặn Thạnh Phú.
Hơn 10 năm với kiểng lá, vườn nhà anh Kim có gần 10 giống kiểng lá mà đa số là loại cây sống lâu năm và chịu hạn tốt như thiên tuế, kim thủy tùng, trầu bà, thủy trúc, đinh lăng… Gia đình anh còn đầu tư hẳn vựa kiểng lá ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ (TP. Hồ Chí Minh).
Không gói gọn ở một số giống phù hợp vùng đất nhiễm phèn như Thạnh Phú, kiểng lá ở xứ sở cây lành trái ngọt Chợ Lách đa dạng hơn nhiều. Hàng chục loại kiểng như: phát tài, trúc bách hợp, trúc đốm, trúc xanh, đinh lăng, dạ lan thanh, nguyệt quế, ngũ gia bì, cọ, thiên điểu… đều là những loại kiểng phổ biến đang được trồng để lấy lá. Anh Thanh cho biết, bây giờ kiểng lá không phải riêng mình anh trồng mà lan rộng ở nhiều xã của Chợ Lách và những huyện khác. Doanh nghiệp tư nhân Thanh Lá Nghệ Thuật do anh Thanh làm chủ đang là đầu mối thu mua và phân phối kiểng lá lớn nhất Chợ Lách hiện nay. Thị trường tiêu thụ của anh rải khắp cả nước, nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội. Thông qua trung gian, anh còn xuất các sản phẩm này sang một số nước.
Mô hình thoát nghèo và vai trò của Dự án DBRP Bến Tre
Với mục tiêu chính là tạo điều kiện để người nghèo nông thôn thoát nghèo bền vững, Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre) đã tác động đến nghề kiểng lá.
Chỉ cần 500m2, để được 3.500 bịch cây kiểng, chi phí đầu tư ban đầu bình quân 4.000đ/bịch và phân bón 50 ngàn đồng/tháng, mỗi tháng có thể thu được 2,5 triệu đồng là mô hình lý tưởng để người nghèo tiếp cận. Chủ cơ sở Đặng Văn Thanh được mời tham gia các lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, các cuộc hội thảo, hội chợ để kết nối thị trường. Anh cũng là người được Dự án mời hướng dẫn các lớp tập huấn kỹ thuật trồng kiểng lá cho nông dân. Dự án hỗ trợ những hộ nghèo về kỹ thuật, cây giống theo hình thức hợp tác công tư. Đã có một nhóm đầu tiên ở xã Long Thới triển khai vào tháng 5-2012. Với 15 hộ tham gia mô hình (14 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo), mỗi hộ được hỗ trợ 500 cây giống trúc đốm và 285 cây giống trúc bách hợp. Doanh nghiệp tư nhân Thanh Lá Nghệ Thuật hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, trồng, thu hoạch.
Mô hình trồng kiểng lá đã phát triển sang huyện Châu Thành, với một vài hộ chủ động đầu tư. Theo kế hoạch, Dự án DBRP sẽ tiếp tục nhân rộng ra các huyện, trước mắt là sẽ nhân rộng mô hình ở các xã: Tân Phú, Tiên Long (Châu Thành) và một số xã của Giồng Trôm.
Hiện tại, doanh nghiệp của anh Thanh và thương lái địa phương phải thu mua thêm lá kiểng từ các tỉnh như: Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang. Số hộ trồng kiểng lá trên địa bàn Bến Tre tính đến con số trăm và còn đang tiếp tục tăng thêm, đa số hộ chỉ tập trung một số loại lá.
Ông Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc Dự án DBRP cho biết, trong năm 2013, DBRP tăng cường hỗ trợ các nhóm hợp tác liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường. Dự án khuyến nghị các huyện, xã không làm theo phong trào mà tùy theo đặc thù kinh tế của mỗi huyện, xã để lựa chọn hình thức sản xuất và hợp tác hợp lý, đáp ứng nhu cầu của địa phương và cũng là nhu cầu của thị trường.