Tìm thị trường mới cho các sản phẩm từ dừa

30/09/2012 - 16:22
Sản xuất kẹo dừa xuất khẩu của Công ty Vĩnh Tiến - phường Phú Khương (TP. Bến Tre). Ảnh: H. Hiệp

Đoàn khảo sát thị trường Campuchia, do ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cùng đại diện các sở, ngành và 15 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ dừa, trái cây, cacao trong tỉnh vừa kết thúc chuyến khảo sát, với nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.

Đoàn đến tham dự lễ khai mạc Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2012 tại Mondial Center, Phnom Penh, làm việc với Tham tán Thương mại Việt Nam tại Campuchia để nắm bắt thị trường, tìm hiểu chính sách, pháp luật và điều kiện để hàng hóa Bến Tre có thể thâm nhập vào thị trường này. Qua làm việc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang. Đoàn đã tìm hiểu môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác phát triển thương mại cùng với 5 tỉnh phía Bắc Campuchia; gặp gỡ giao thương với các doanh nghiệp, các đại lý, khách hàng, tìm hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, khảo sát cửa khẩu Thái Lan - Campuchia, kênh lưu thông hàng hóa Thái Lan - Campuchia - Việt Nam. Thị trường Campuchia có nhiều cơ hội thuận lợi cho hàng Việt Nam. Với 1.137km đường biên giới trải dài qua 10 tỉnh Việt Nam. Với 10 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu quốc gia, 35 cửa khẩu phụ là cơ hội để hai bên trao đổi hàng hóa. Kim ngạch song phương tăng bình quân 55%/năm. Campuchia nhập khẩu từ Việt Nam phân bón, máy nông nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu sang Việt Nam: sắn, hạt điều, cao su, gạo. Campuchia đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lúa gạo, trồng cây công nghiệp, cây ăn trái. Tập quán tiêu dùng của người Campuchia với người Việt Nam cơ bản giống nhau; chất lượng hàng hóa không cao, rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm không gay gắt như các nước khác, cước phí vận chuyển và thương mại dịch vụ rẻ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cũng gặp khó khăn khi làm ăn tại thị trường này vì môi trường đầu tư chưa ổn định, hàng Việt Nam xuất chính ngạch bị bất lợi vì thuế nhập khẩu rất cao.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, chuyến khảo sát đã giúp các doanh nghiệp nắm bắt được chính sách, luật pháp, tình hình thị trường nước bạn, cách tiếp thị và kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh, điều kiện để hàng hóa Bến Tre có thể vào thị trường này. Có 5 doanh nghiệp đã thiết lập và phát triển hệ thống đại lý, một doanh nghiệp tìm được khách hàng mới tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ trái cây, như: cocktail, chanh tắc xí muội, trái cây các loại, cocktail gừng… Trong chuyến đi này, đoàn Bến Tre cũng đã tham gia 4 gian hàng tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, được tổ chức tại Thủ đô Phnom Penh. Các doanh nghiệp tham gia, như: Công ty TNHH Vĩnh Tiến, Công ty sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á, Công ty TNHH 1 thành viên chế biến dừa Lương Quới, Công ty TNHH dừa Định Phú Mỹ, Công ty TNHH Phạm Minh, DNTN Hoài Cổ, DNTN rượu Hồng Phát, HTX Cửu Long, Thạch dừa Minh Châu, Thạch dừa Minh Tâm. Các mặt hàng được giới thiệu là cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa đóng lon, dầu dừa tinh khiết, mặt nạ dừa, kẹo dừa, bánh kẹo từ dừa, thạch dừa, cacao, trái cây, nước ép trái cây và rượu bưởi… Các sản phẩm của Bến Tre đã thu hút khách hàng và được tiêu thụ hết với tổng doanh thu 420 triệu đồng.

Nhìn chung, đợt khảo sát và tham gia hội chợ này được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, đã hình thành được các đại lý tiêu thụ lâu dài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường. Việc bán hàng tại hội chợ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn nhu cầu người tiêu dùng Campuchia đối với sản phẩm Việt Nam, mở ra cơ hội mới để các doanh nghiệp khai thác tốt hơn thị trường đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, thử thách đối với doanh nghiệp Bến Tre là mức thuế nhập khẩu hàng hóa thông qua đường chính ngạch khá cao. Mặt hàng cacao, dừa chịu thuế suất là 35%; cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa 15%. Nếu xuất hàng hóa qua đường tiểu ngạch thì chi phí thấp nhưng độ rủi ro cao nên doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi đưa hàng hóa vào thị trường này.

Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN