Tín hiệu tích cực trong nghiên cứu và phát triển vaccine phòng, chống COVID-19

21/04/2020 - 21:34

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) hy vọng sẽ là cơ sở đầu tiên sản xuất vaccine chống dịch bệnh COVID-19 và sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng vào tháng 10 tới.

Mẫu máu được lấy để xét nghiệm nhằm đánh giá về kháng thể đặc hiệu với virus gây dịch COVID-19 tại Thụy Sĩ. Ảnh: Swiss Info/TTXVN
Mẫu máu được lấy để xét nghiệm nhằm đánh giá về kháng thể đặc hiệu với virus gây dịch COVID-19 tại Thụy Sĩ. Ảnh: Swiss Info/TTXVN

Người đứng đầu ngành miễn dịch học tại trường Đại học Bern Martin Bachmann khẳng định có cơ hội để điều chế vaccine thành công. Ông Bachmann, cũng là Giáo sư về vaccine tại Viện Jenner, Đại học Oxford, cho biết việc đẩy nhanh sản xuất vaccine có thể được giải thích một phần nhờ khả năng sản xuất dễ dàng, trong bối cảnh Đại học Bern đã có tương đương với 200 lít lên men sinh học vi khuẩn, cần thiết để có thể sản xuất 10 - 20 triệu liều. Theo ông Bachmann, vaccine là giải pháp có khả năng mở rộng rất lớn và có khả năng sản xuất hàng tỷ liều trong một thời gian ngắn. 

Vaccine được nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ phát triển có cách tiếp cận khác với các phòng thí nghiệm khác bằng cách sử dụng cái được gọi là các hạt giống virus, không lây nhiễm - không giống như khi sử dụng virus - và cung cấp phản ứng miễn dịch tốt. Một nguyên mẫu đã được phát triển vào tháng 2, chỉ vài tuần sau khi virus SARS-CoV-2 được xác định ở Trung Quốc, và đã cho thấy hiệu quả trong các thử nghiệm trên chuột.

Hầu hết các chuyên gia y tế và chính quyền các nước cho rằng để có vaccine sớm nhất cũng phải mất khoảng 1 năm đến 18 tháng.

Theo thống kê, Thụy Sĩ đã ghi nhận gần 28.000 người mắc COVID-19 và trên 1.400 ca tử vong. Trên thế giới, khoảng 2,5 triệu người đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 với 170.000 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 20-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 20-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Thụy Sĩ cũng đang xem xét một gói tài chính để giúp thúc đẩy du lịch, lĩnh vực đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Bộ Kinh tế và Ủy ban Quốc hội Thụy Sĩ đang xem xét đề xuất của tổ chức tiếp thị quốc gia Switzerland Tourism về gói kích thích trị giá 40 triệu CHF (41,3 triệu USD). Theo đánh giá, tác động của đại dịch COVID-19 không thể so sánh với các cuộc khủng hoảng trước đây và có thể khiến du lịch ở Thụy Sĩ mất hơn 12 tháng để phục hồi.

Một chiến dịch quảng bá các điểm đến trong kỳ nghỉ của Thụy Sĩ sẽ tập trung vào khách hàng trong nước, trước khi có thể cố gắng thu hút khách du lịch từ nước ngoài. Theo một quan chức trong ngành, khách hàng trước tiên phải có được niềm tin vào các biện pháp phòng ngừa an toàn cho sức khỏe của ngành du lịch, bao gồm khách sạn, nhà hàng cũng như vận tải. Những nỗ lực đang được tiến hành để chuẩn bị đưa ra các biện pháp cụ thể.

Du lịch, một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế Thụy Sĩ, đã tạo ra doanh thu 44,7 tỷ CHF trong năm 2018 - tương đương khoảng 3% GDP. Theo ước tính, do đại dịch COVID-19, ngành "công nghiệp không khói" này dự kiến sẽ chịu sự sụt giảm doanh thu lên tới 35% trong năm nay, trong bối cảnh nhu cầu suy sụp và các kế hoạch đặt phòng đang bị trì hoãn. Cho đến nay, Chính phủ Thụy Sĩ đã cấp cho ngành du lịch khoản vay và trợ cấp thất nghiệp trong ngắn hạn bên cạnh việc đang xem xét các chương trình xúc tiến khu vực.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN