|
Những chiếc bàn xi-măng được sản xuất cùng với lu đúc tại làng lu Hòa Lợi. |
Toàn tỉnh có 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó làng lu Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú là làng nghề duy nhất sản xuất lu chứa nước, được công nhận vào năm 2008. Trong quá trình hình thành và phát triển, dẫu có những giai đoạn thăng trầm nhưng nhờ vào sự linh hoạt từng lúc, làng nghề đã thích ứng tốt trong điều kiện hội nhập và phát triển.
Thú vị câu chuyện truyền nghề
Nghề sản xuất lu chứa nước xuất hiện ở xã Hòa Lợi từ trước năm 1975. Có thể nói, “cha đẻ” của làng nghề là ông Đỗ Văn Đây. Từ làm lu trữ nước nhằm phục vụ sinh hoạt trong gia đình, ông mở rộng sản xuất phục vụ cho bà con trong xã. Hàng đổi hàng là phương thức thanh toán chủ yếu của sản phẩm này. Việc thanh toán chi phí thông thường cũng phải đợi đến mùa thu hoạch tôm, lúa và vẫn được duy trì đến nay như một đặc thù của nghề làm lu.
Nghề đúc lu là nghề cha truyền, con nối. Ông Đây cho biết: Khi con cái ông lập gia đình và ra ở riêng, nghề làm lu cũng là của hồi môn có giá trị nhất. Con gái truyền nghề cho gia đình bên chồng, con trai truyền nghề cho gia đình bên vợ. Cứ như vậy, nghề làm lu ngày càng được mở rộng. Lúc bấy giờ, 1 giạ lúa chưa đổi được 1 cái lu nên nghề làm lu được xem là nghề hấp dẫn nhất ở Hòa Lợi.
Ông Nguyễn Văn Ngon bắt đầu vào nghề làm lu từ năm 1990. Việc học nghề buổi đầu khá gian nan. Bí quyết để làm ra một cái lu có chất lượng là ở việc làm nòng. Đó cũng là lý do vì sao có người sẵn sàng truyền nghề nhưng không truyền nòng cho ai khác, ngoài những người trong gia đình họ. Và tất nhiên, ai có chí bền, quyết tâm theo đuổi nghề phải tự mày mò, nghiên cứu. Với ông Ngon, chỗ đứng tại làng lu Hòa Lợi hôm nay là phần thưởng lớn nhất dành cho ông sau chuỗi ngày cố gắng.
Ông Trần Văn Hoàng - Trưởng ấp Quý An Hòa nhớ lại: Giai đoạn từ năm 1988 đến 2002 được đánh giá là hưng thịnh nhất của nghề làm lu. Bình quân, mỗi ngày các lò sản xuất từ 1 ngàn đến 2 ngàn cái lu. Một số cơ sở mua bán vật liệu cho làng nghề cũng đã nắm bắt cơ hội này để nhanh chóng làm giàu. Nhiều người quan tâm đến việc mở rộng cơ ngơi sản xuất và đầu tư ghe tàu cho con cái đi bán lu hoặc đánh bắt thủy sản. Đây cũng là lý do về số lượng ghe tàu ở Hòa Lợi phát triển khá mạnh. Nhà khá khá có 1 đến 2 chiếc ghe, mỗi chiếc có thể chuyên chở từ 300 đến 500 cái lu. Nghề vận chuyển, kinh doanh lu bằng ghe tàu phát triển song song với nghề sản xuất lu. Hiện nay, sản phẩm này đã được bán ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long giá dao động từ 45 - 70 ngàn đồng/cái. Không khuếch trương, cũng chưa được công nhận quyền sở hữu trí tuệ nhưng thương hiệu “lu Hòa Lợi” được người dân biết đến, ưa chuộng.
Phát triển nghề truyền thống
Làng nghề có giai đoạn hoạt động trầm lắng, một phần do thị trường gần như bão hòa cùng với sự cạnh tranh ồ ạt của các sản phẩm trữ nước hiện đại như bồn nhựa, hồ xi-măng. Hệ thống nước máy đã dần dần vào đến tận nhà dân, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch ở các vùng nông thôn ngày càng tăng. Trước thực tế trên, người sản xuất đã linh hoạt làm ra một số sản phẩm khác như: bếp đun nấu bằng củi, bàn ghế xi-măng giả gỗ. Một số ghe vận chuyển mua bán lu cũng tạm chuyển sang nghề đánh bắt hoặc dịch vụ vận tải trên sông.
Theo các nghệ nhân, với kỹ thuật, kinh nghiệm đúc lu trước đây, họ bắt tay vào làm bàn ghế hay làm bếp đều khá dễ dàng và cũng ít vất vả hơn nghề làm lu. Làng nghề đa dạng hóa sản phẩm là một cách để “lấy ngắn nuôi dài” chứ nhất thiết không xa rời nghề lu đúc truyền thống.
Chúng tôi thật sự phấn khởi và hy vọng nhiều hơn về làng nghề khi được tham quan nhà anh Nguyễn Văn Nam. Có giai đoạn vợ chồng anh tạm nghỉ đúc lu để làm bàn ghế xi-măng giả gỗ. Nhưng hiện nay, thị trường lu đúc sôi động trở lại nên vợ chồng anh tiếp tục làm lu. Trung bình mỗi ngày vợ chồng anh gia công được 22 cái lu, thu nhập từ 300-400 ngàn đồng.
Ông Võ Văn Cưng - Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi cho biết: “Toàn xã hiện có khoảng 140 hộ làm lu, bàn ghế, trong đó làng nghề có trên dưới 60 hộ, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Bình quân, làng nghề sản xuất 1 ngàn cái lu/ngày. Chi cục Phát triển nông thôn vừa đầu tư trên 6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhằm xây dựng 2 tuyến đường vào làng nghề, giúp cho việc mua bán, vận chuyển sản phẩm được thuận lợi hơn”.