Tình cảm và lý trí của người làm báo

21/06/2010 - 07:37
Tác nghiệp. Ảnh: H.VŨ

Tuy chưa đo được nồng độ cụ thể nhưng người ta đã đưa ra hai khái niệm khá thuyết phục: chỉ số cảm xúc (EQ) và chỉ số trí tuệ (IQ). Hai chỉ số này đều thuộc về thế giới tinh thần - ý thức mà đã là con người thì ai cũng có. Tuy nhiên, trong xã hội, sự phân định “hàm lượng” EQ và IQ giữa người này với người nọ chắc sẽ không như nhau, càng không phải mọi người đều giống nhau.

Trong cuộc sống lắm khi nghề chọn người, nói như thế cũng có nghĩa là mỗi nghề có những nét đặc thù riêng, liên quan đến hai chỉ số trên. Chẳng hạn, ai làm khoa học thì chỉ số IQ tất phải nổi trội; tương tự, ai làm nghệ thuật thì chỉ số EQ phải vượt ngưỡng. Đành rằng bên cạnh chỉ số nổi trội, vượt ngưỡng ấy, chỉ số kia (EQ hoặc IQ) không thể không có.

So với văn học nghệ thuật, có lẽ báo chí xuất hiện muộn hơn, nhưng “hậu sinh khả úy”, nghề làm báo nhanh chóng hòa nhập vào nền khoa học hiện đại, sử dụng nhiều phương tiện tác nghiệp tiên tiến, tính chuyên nghiệp ngày càng cao, đội ngũ ngày càng mạnh. Là hiện tượng xã hội, phản ánh và góp phần cải tạo xã hội một cách nhanh nhạy, cần kíp, báo chí có tính tiên phong rất rõ. Đặc điểm này đòi hỏi người cầm bút, cầm máy phải hội đủ cả tình cảm lẫn lý trí; nói rõ hơn, trong họ, tình cảm và lý trí phải cân bằng, hòa hợp, tương xứng. Tình cảm của người làm báo, chúng tôi nghĩ phải là tình cảm mang tính nghề nghiệp, tình cảm ấy vượt lên trên những toan tính của lợi ích cá nhân. Những nhà báo lớn đều là những người nặng lòng với quê hương đất nước, nặng lòng với đồng loại, giống nòi; tình cảm lớn thôi thúc họ tự nguyện tìm đến và gắn cuộc đời mình với cái nghiệp không ít rủi ro này. Có thể nói, không đam mê, không xả thân với nghề nghiệp thì rất khó thành công, nhưng nhiệt tình, đam mê không thôi cũng chưa đủ, người làm báo còn phải huy động tối đa hàm lượng của trí tuệ, của tư duy phán đoán, phân tích.

Làm nhiệm vụ đưa tin, tuyên truyền, với báo chí, đó là bổn phận, nhưng cái khó lại ở năng lực phân tích, phân loại, tiếp cận đúng bản chất của tin tức, của sự kiện. Trước hiện thực xã hội ngổn ngang, phức tạp, lý trí giúp nhà báo nắm bắt, phản ánh kịp thời, nhanh nhạy những vấn đề, những “dòng xoáy” đang được coi là tâm điểm thu hút sự quan tâm nhiều nhất, thậm chí liên quan đến sống còn của công chúng. Và dĩ nhiên, khi ấy, báo chí trở thành một phần tất yếu trong đời sống cộng đồng. Chúng ta còn nhớ cách đây hơn hai chục năm, khi đất nước mới bước vào công cuộc đổi mới, trước muôn vàn gian nan thử thách, tác giả N.V.L (chủ bút chuyên mục “Những việc cần làm ngay”) đều đặn cho xuất hiện trên báo Đảng những bài viết ngắn gọn, súc tích, sát thực, giàu tính chiến đấu, tạo một hiệu năng rất lớn, tập hợp niềm tin vững chắc vào sự nghiệp đổi mới trong lòng công chúng, được đông đảo nhân dân đón đọc với tâm thế đặc biệt, tin tưởng đặc biệt.

Người ta lại nói nghề báo là nghề không được trốn tránh sự thực, những tin tức trên báo phải là sự thực và chân thực. Nguyên tắc này đòi hỏi người làm báo trước hết trong mình phải giàu tố chất trung thực. Có điều, nói như nhà báo Dương Kỳ Anh (Tổng biên tập Báo Tiền Phong): “Một trong những cái khó của người làm báo như chúng ta, là nói lên sự thật và bày tỏ chính kiến trước sự thật” (Báo Văn Nghệ, số ra ngày 21-6-2008). Đó là một thực tế cũng rất hiện thực, rất “sự thật” và do vậy, cũng hợp lý. “Tất cả cái gì hiện thực đều là hợp lý và tất cả cái gì hợp lý đều là hiện thực” (Hê-ghen). Suy cho cùng, chẳng phải thời nay mà từ “ngày xửa ngày xưa” đã thế rồi; cha ông ta xác nhận: “Nói thật dễ mất lòng” nên mới có câu: “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. “Lựa lời” trong báo chí có thể được hiểu là cách nói, mức độ nói, nói cái được nói, “nói có sách, mách có chứng”, nói cốt để người tiếp nhận hiểu đúng bản chất sự việc, khiến họ tâm phục khẩu phục. Như vậy, xét về một phương diện nào đó, nói lên sự thật vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Nó rất cần một trái tim nồng cháy mà lắng đọng, một khối não tỉnh táo cả tầm rộng lẫn chiều sâu; ngoài ra, còn phải tính đến yếu tố thời gian và thời điểm nữa; rút cục nhà báo vẫn không quay lưng, không làm ngơ trước sự thật. 

Rất gần với nghệ thuật ngôn từ, đều thuộc về hình thái ý thức xã hội, nhưng báo chí và văn chương là hai dòng tư duy khác nhau. Nhà báo không thể phản ánh cuộc sống bằng hình tượng - cảm tính như nhà văn, càng không thể hư cấu, tưởng tượng, hoặc sử dụng cách nói phóng đại, khoa trương trong đưa tin hay bình luận xã hội; cái thật trong văn chương và sự thật trong báo chí không đồng nhất; bởi giữa chúng ứng với hai phong cách riêng biệt. Dĩ nhiên, chúng lại có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau ở cách thức diễn đạt, nâng cao hiệu quả giao tiếp (nhất là báo viết và báo nói); muốn khúc chiết, truyền cảm, chuẩn xác về ngôn từ, báo chí phải tìm đến văn chương; ngược lại, muốn giàu chất liệu hiện thực, sát thực, muốn cập nhật cái mới đang không ngừng nảy sinh từ cuộc sống thì văn chương không thể bỏ qua báo chí; ấy là chưa tính đến có những sự kiện, những vấn đề văn phải mượn báo, báo phải mượn văn thì mới nói được những điều muốn nói.    

Sau cùng, cái lõi tình cảm và lý trí của người làm báo vẫn ở  chữ TÂM; đành rằng, làm nghề gì muốn lâu bền cũng phải đặt chữ TÂM lên hàng đầu, điều đó ai cũng hiểu. Riêng nghề báo, do tính đặc thù nên chữ TÂM ấy càng phải sâu rễ bền gốc thì mới đứng vững được trước những cơn lốc của cơ chế thị trường và những cám dỗ của cuộc đời trần thế. Tâm sự về nghề nghiệp, một nhà báo - cũng từng là nhà quản lý nhiều kinh nghiệm bộc bạch: “Nghề báo rất có ích, nhất là trong giai đoạn ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội Công bằng, Dân chủ, Văn minh. Nghề báo cũng rất nguy hiểm, và bạn hãy thận trọng, đừng nên nghĩ rằng đó là một công việc có thể làm kiểu cho vui. Nghề báo đòi hỏi những người theo đuổi nó phải có lương tâm và trách nhiệm xã hội” (Dương Kỳ Anh).

Mới tập tành nghề viết, tuy không nhớ chính xác nhưng tôi rất thấm câu nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đại thể: Bất luận hoàn cảnh nào, văn nghệ sĩ và người làm báo cũng không được bẻ cong ngòi bút của mình.

NGUYỄN BÁ LONG

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN