Tinh giản bình quân mỗi năm 1,5% tổng biên chế

13/01/2017 - 07:07

Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Hiếu

Qua hai năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã được Bộ Nội vụ thẩm định, đồng ý 149 trường hợp nghỉ để hưởng chính sách tinh giản biên chế, trong đó: khối hành chính 22 người, khối sự nghiệp 127 người. 

Việc tinh giản biên chế được xem là vấn đề nhạy cảm và luôn được sự quan tâm của xã hội. Để độc giả có cái nhìn khái quát về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Hiếu đã dành cho Báo Đồng Khởi cuộc trao đổi.

* Phóng viên: Ông có thể cho biết việc tinh giản biên chế có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với bộ máy hành chính nhà nước?

- Ông Huỳnh Thanh Hiếu: Trước tiên, chúng ta cần biết rằng, việc tinh giản biên chế không mới trong công tác quản lý nhà nước mà đã được thực hiện qua các giai đoạn, từ Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP đến Nghị định số 132/2007/NĐ-CP và hiện tại là Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là giảm cơ học một số lượng biên chế nhất định. Ý nghĩa sâu xa hơn là nhằm đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, hạn chế về sức khỏe, năng lực, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác; qua đó, tiến hành sắp xếp lại đội ngũ công chức, viên chức vào các vị trí việc làm phù hợp, để nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Một khi bộ máy nhà nước được tinh gọn, hiệu quả thì chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ được cải thiện, nâng cao, giúp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

* Những khó khăn trong việc thực hiện tinh giản biên chế là gì, thưa ông?

- Khó khăn là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi thực hiện chủ trương lớn và “nhạy cảm” như tinh giản biên chế. Theo lộ trình từ năm 2015 - 2021, Bộ Nội vụ sẽ cắt giảm 10% biên chế công chức của tỉnh, tương ứng sẽ giảm bình quân 1,5% tổng biên chế/năm (30 biên chế) so với 1.985 biên chế được giao năm 2015. Theo đó, tổng số biên chế công chức phải giảm trong 7 năm là 210 biên chế. Tuy nhiên, năm 2016, biên chế của tỉnh được giữ như năm 2015 (chưa giảm) và năm 2017 bắt đầu giảm 30 biên chế so với năm 2016. Như vậy, trong 4 năm còn lại, từ năm 2018 - 2021, toàn tỉnh phải giảm 180 biên chế (45 biên chế/năm). Điều này rất khó thực hiện, vì theo kế hoạch dự kiến của tỉnh, số biên chế công chức nghỉ hưu, nghỉ tinh giản từ năm 2018 - 2021 chỉ có 180 người, theo nguyên tắc “ra 2 vào 1”, thì toàn tỉnh chỉ giảm được 90 biên chế, bằng 50% (90/180 biên chế) so với số dự kiến cắt giảm của Bộ Nội vụ.

Trên thực tế, mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ và đặc thù riêng, ảnh hưởng đến quá trình tinh giản biên chế, đó là: Một số cơ quan sẽ có nhiều công chức nghỉ hưu, nghỉ tinh giản cùng một thời điểm; một số cơ quan sẽ không có, hoặc có ít số người nghỉ hưu, nghỉ tinh giản trong giai đoạn 2015 - 2021... Cho nên, các cơ quan có nhiều người nghỉ hưu, nghỉ tinh giản trong giai đoạn này sẽ bị giảm biên chế nhiều hơn 10% và ngược lại. Trong khi đó, việc điều tiết biên chế kèm nhân sự giữa các cơ quan là hết sức nan giải, do khó xác định biên chế thừa ở các cơ quan, hoặc biên chế thừa ở cơ quan này, nhưng không phù hợp về trình độ chuyên môn để đảm nhận vị trí việc làm còn thiếu ở cơ quan khác... Ngoài ra, hiện nay, có thực trạng là một số công chức, viên chức có nguyện vọng được nghỉ, để hưởng chính sách tinh giản biên chế, nhưng không được chấp thuận, do không thỏa mãn các quy định tại Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP “Các trường hợp tinh giản biên chế”, dẫn đến khó thực hiện tinh giản 10% biên chế công chức của tỉnh theo quy định.

Bên cạnh những khó khăn về chỉ tiêu, cũng còn những vướng mắc trong quản lý, sử dụng biên chế. Ví dụ, một số cơ quan được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, nhưng biên chế không tăng mà phải tự cân đối trong tổng biên chế hiện có nên cũng rất khó khăn cho các cơ quan này. Một số phòng chuyên môn cấp huyện được giao ít biên chế (Phòng Tư pháp, Thanh tra, Y tế) nếu thực hiện nguyên tắc “ra 2 vào 1” mà không có sự điều tiết hợp lý thì sẽ không đủ nhân sự thực hiện nhiệm vụ được giao. Sự nghiệp y tế và sự nghiệp giáo dục của tỉnh hiện nay vẫn còn thiếu nhân sự so với định mức quy định nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế.

* Xin ông cho biết giải pháp trọng tâm để đảm bảo thực hiện hiệu quả việc tinh giản biên chế?

- Về cơ bản, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt những nguyên tắc sau:

Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Điều này thể hiện qua công tác bố trí nhân sự, nhận xét, đánh giá công chức, viên chức hàng năm. Hơn ai hết, người đứng đầu là người hiểu rõ về cơ quan, đơn vị mình về vị trí nào thừa, vị trí nào thiếu; người nào làm việc có hiệu quả, người nào làm việc cầm chừng, người nào là sức ỳ của bộ máy, để quyết định thực hiện biện pháp thích hợp.

Thực hiện nghiêm nguyên tắc “ra 2 vào 1”. Nếu cơ quan, đơn vị có 2 người thuộc diện nghỉ hưu, nghỉ tinh giản, thôi việc thì chỉ được sử dụng lại 1 biên chế để tuyển dụng thay thế.

Kế hoạch tinh giản biên chế của các đơn vị phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế của đơn vị mình với mức tối thiểu 10% (trong 7 năm, từ năm 2015 đến năm 2021).

Ngoài ra, với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý biên chế, Sở Nội vụ cũng sẽ tiến hành rà soát, trình UBND tỉnh xem xét, điều tiết biên chế giữa các cơ quan, đơn vị, để tháo gỡ khó khăn trong quản lý, sử dụng biên chế hiện nay.

*Xin cảm ơn ông!

Quốc Hùng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN