Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Mùa xuân là bắt đầu một năm mới trong sự vận hành của tự nhiên, song lại mang thông điệp của đời người: xuân mang đến sự tươi trẻ, yên vui, phúc - lộc - thọ - tài.
Nói đến mùa xuân thì ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến hoa. Hoa làm cho mùa xuân thêm hương sắc. Cứ mỗi độ xuân về thì “Chợ Hoa xuân” lại được “nhóm họp”. Chợ Hoa khác với chợ thường bởi khách hàng lại là những du khách đến với chợ để thưởng lãm thế giới các loài hoa, để có dịp hưởng thụ giá trị tinh thần là niềm vui, khát khao hạnh phúc, ăn nên làm ra, gia đình ấm êm, trên thuận dưới hòa… Người thâm thúy thì phân tích rằng: đến chợ Hoa để tìm thấy, cảm nhận giá trị và ước vọng tâm linh được kín đáo gửi gắm trong sắc hoa, hương hoa, thế hoa, hồn hoa. Mỗi loài hoa đều có ý nghĩa xã hội và tâm linh riêng tượng trưng cho những điều nhân sinh ước mong và chờ đợi. Không chỉ ở thị thành mà ở các vùng thôn quê, thị tứ cũng có những “chợ Hoa” để phục vụ nhu cầu mua sắm, trang hoàng nhà cửa của cư dân địa phương. Những người sống quanh ta, dù bận rộn làm ăn bao nhiêu nhưng trong lòng vẫn đang hướng về mùa xuân, cố gắng sắp xếp công việc để một lần đi chợ hoa, chợ xuân, sắm Tết.
Năm nay cũng vậy, chợ Hoa Tết đã khai trương từ ngày 10 tháng Chạp. Khách thập phương đổ về chợ Hoa càng đông, bởi chợ Hoa được khéo léo sắp xếp dài cả cây số ven sông Bến Tre, lại gần nơi tổ chức Hội chợ triển lãm Công nghiệp - Thương mại - Làng nghề năm 2014. Tôi cùng người thân hòa vào dòng người vui xuân sớm, bắt đầu cuộc “vi hành” giữa muôn vàn sắc xuân. Chợ hoa tại TP. Bến Tre năm nay được mở rộng, kéo dài từ Khách sạn Hùng Vương cho đến bến phà Hàm Luông cũ. Trong tiết trời se lạnh ngọt ngào, cảnh du khách từng tốp bên nhau, trang phục đủ sắc màu đã gợi lên bức tranh áo hoa tuyệt đẹp. Thỉnh thoảng có những đoàn du khách nước ngoài đội nón lá xúm quanh những chậu mai kiểng để chụp hình, để tìm hiểu ý nghĩa của của sắc mai, thế mai kiểng cổ.
Năm nay, trong cái lạnh tuy không đến mức rét đậm, rét hại như các tỉnh phía Bắc, nhưng người dân quê tôi nói riêng đã phần nào cảm nhận được thế nào là rét, nhất là vào buổi sáng và khi đêm về. Để thiết kế các gian hàng hoa và bảo quản hoa phục vụ Tết, những người bán hoa ở chợ đôi khi phải thức thâu đêm, phòng khi thời tiết chuyển lạnh hoặc có mưa đột ngột. Hoa khoe sắc tại chợ Hoa ngày giáp Tết, tình người gửi gắm trong hoa. Song, để có được hương sắc hoa phục vụ du khách ngày xuân đã bao tháng ngày người nông dân quê tôi vất vả đội nắng, sương, đội mưa gió, chống trả nước mặn xâm nhập. Qua tìm hiểu được biết, để có một cây hoa cúc, vạn thọ ra hoa nở rộ vào đúng những ngày Tết, người trồng đã phải làm việc chăm chỉ, đúng bài bản trước đó ít nhất gần 90 ngày. Từ gieo hạt, ngắt bớt đọt, sàng lọc bớt cây nhỏ, canh thời gian bứng cây cho vào chậu, nhổ cỏ dại, bắt sâu, tưới nước, vô phân… Bao nhiêu công đoạn là bấy nhiêu tình cảm của người trồng gửi trao vào sản phẩm. Đúng như triết lý người trồng hoa “nếu không yêu thương, không chăm chút hoa, thì cũng giống như con người vậy, hoa nở sẽ không đều, màu không sặc sỡ…”. Mỗi loại hoa đều mang một ý nghĩa riêng, nhưng tựu trung vẫn là khát vọng cuộc sống viên mãn hơn, tươi đẹp hơn. Dẫu biết rằng trồng hoa, kiểng là làm kinh tế gia đình, là có thu nhập. Ấy vậy, nhưng người mua hoa lại là người hưởng thụ, là chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm. Người bán hoa có đủ các lứa tuổi già có, trẻ có, gái có, trai có… Dì Tư ở Cái Mơn (Chợ Lách) rất vui khi mỗi độ xuân về, vui bởi được “khoe” cho mọi người biết được tài khéo léo của cả gia đình trồng hoa cúc mâm xôi nở đều, màu vàng tươi. Và đi bán hoa vào mỗi dịp Tết đã là “thói quen” không thể bỏ. “Nếu không được đi bán hoa chắc tui chết, nó là cái nghiệp rồi, tôi đeo cho tới chết. Sắp nhỏ đi bán gom tiền, tui đi theo phụ bán dù vất vả, nhưng vui lắm”. Miệng móm mém, dì Tư cười, nói. Không dám hỏi, nhưng tôi đoán chắc dì cũng ngoài 60. Thế đó, có người tham gia bán hoa vì nhu cầu kinh tế, nhưng cũng không ít người “đi bán hoa để mang niềm vui đến cho người khác”.
Tình người, tình hoa của những người sống quanh ta là vậy!