 |
Các bạn nữ nghiên cứu sách nữ công tại Nhà sách Fahasa Bến Tre. Ảnh: S. Lý |
Hôm nay, 21-4, lần đầu tiên Ngày Sách Việt Nam được tổ chức trên quy mô cả nước. Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày này hàng năm là nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của mọi người về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc sách.
Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, đặc biệt là bước phát triển rực rỡ của văn hóa nghe nhìn, sách và phong trào đọc sách nếu không được thẩm định, nhắc nhớ, thôi thúc một cách đúng đắn sẽ dễ mai một, và là một tổn thất lớn cho nền văn hóa đọc - văn hóa giáo dục truyền thống của nước nhà. Ngày Sách Việt Nam được tổ chức còn là dịp để tôn vinh giá trị của sách; khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, quảng bá sách...
Ở tỉnh ta, mấy ngày qua và rộn rã nhất là từ sáng hôm nay, Ngày Sách Việt Nam đã diễn ra trọng thể tại Thư viện tỉnh và những nhà sách lớn ở nhiều chợ huyện. Đó là sôi nổi các hoạt động triển lãm sách; hội chợ sách, giao lưu các tác giả - tác phẩm; giao lưu tọa đàm về sách... Hẳn sẽ có Tuần lễ sách được mở ra tại Bến Tre để khuyến mãi sách và hội thảo về sách trong phạm vi hạn hữu về những văn nghệ sĩ tâm huyết và nhà xuất bản. Ở những nơi đó cũng sẽ bàn thảo về việc đọc sách - văn hóa đọc hôm nay.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm tại thư viện. Số sách phân bổ tại thư viện bình quân là 0,35 bản sách/người.
Nguyên nhân khiến phong trào đọc sách chưa phát triển là do công tác tuyên truyền, quảng bá sách chưa được quan tâm; chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc xây dựng chiến lược quốc gia về văn hóa đọc; chất lượng sách xuất bản chưa đáp ứng được nhu cầu đọc; giá sách còn cao so với thu nhập người dân; việc đầu tư để sáng tác sách tốt, sách hay chưa được xem trọng. |