Tỏa sáng giữa đời thường

22/10/2014 - 07:10
Chị Trần Thị Mười bên khung dệt thảm vải.

Nhiều phụ nữ nông thôn không chỉ vượt qua khó khăn để lo toan cho cuộc sống gia đình mà còn giúp đỡ nhiều phụ nữ khác cùng vươn lên làm giàu chính đáng.

Làm giàu từ nghề đan thảm

Chị Trần Thị Mười, 44 tuổi, ở xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, sống bằng nghề làm thuê. Tuy nhiên, sau ba lần phẫu thuật trị bệnh, chị Mười không còn đủ sức khỏe để làm công nhân. Anh Phan Thanh Sang (chồng chị) làm thợ hồ, tiền công không đủ trang trải cuộc sống gia đình (4 người). Chị Mười luôn trăn trở về hoàn cảnh gia đình mình.

Cách đây hơn 2 năm, Hội Phụ nữ xã Tiên Thủy vận động chị học nghề đan thảm vải. Chị Mười có cái nghề, nhưng không có… vốn. Vậy là Hội Phụ nữ xã vận động, hỗ trợ chị 1 triệu đồng. Chị bắt tay vào làm thảm vải. Công việc không nặng nhọc, chỉ cần tỉ mỉ, rất phù hợp với sức khỏe của chị.

Sau đó, chị được vay 5 triệu đồng từ Quỹ Phát triển nhóm hợp tác (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh). Mấy chị em trong xóm thấy chị làm nên đến xem, được chị rủ vào học nghề. Chị Mười chia sẻ: Chị em lao động ở đây mỗi người một cảnh, ai cũng khó khăn, nên bảo nhau cố gắng  làm ăn để cải thiện cuộc sống.

Tổ hợp tác đan thảm vải xã Tiên Thủy do chị Mười làm đầu mối giờ có 30 thành viên. Mỗi ngày, các thành viên trong tổ sản xuất hàng trăm sản phẩm thảm vải. Ban đầu là thảm chùi chân, đồ nhấc bếp, sau đó phát triển thêm thảm may lót chân chống xe, lót nồi… Các chị nhận nguyên liệu về nhà làm trong khoảng thời gian nhàn rỗi. Bình quân mỗi chị có thu nhập từ 1 đến 1,2 triệu đồng/tháng. Cô Hồ Thị Thạch, 60 tuổi, hơn 1 giờ dệt được 10 tấm thảm lau chân, tiền công 25 ngàn đồng. Cô vừa có tiền để xoay sở trong nhà vừa tiết kiệm mua gà, vịt nuôi.

Hàng làm ra, chị bỏ sỉ hoặc bán lẻ ở các chợ xã lân cận và giao các tỉnh. Mỗi tháng, chị kiếm được khoảng 3 triệu đồng. Chị đang có ý tưởng làm thêm sản phẩm, chào bán tại Campuchia trong thời gian tới và tiếp tục giúp đỡ nhiều chị em khác cùng vươn lên. Chị Mười đang là ứng viên đại diện tỉnh tham gia giải Doanh nhân Vi mô tiêu biểu năm 2014.

Không chịu thua số phận

Vườn mai vàng, kiểng tắc xanh tươi, trị giá hàng trăm triệu đồng là thành quả của lao động miệt mài, đáp lại tình người vun xới. Những ngày tháng khó khăn, cơ cực của chị Nguyễn Thị Cẩm Loan, 37 tuổi, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách giờ đã trở thành ký ức.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Loan bên vườn mai trị giá hàng trăm triệu đồng.

Cái nghèo đeo bám nhiều năm, vì vậy chị Loan quyết vượt lên số phận. Được người thân cho mượn phương tiện, ngày ngày, chị dậy sớm bơi xuồng đi cân cá rồi ra chợ bán. Năm 2007, được Hội Phụ nữ xã cho vay 5 triệu đồng, chị mua 1 ngàn gốc mai ghép, với giá 3,5 triệu đồng. Một năm sau gầy công chăm sóc, nhà chị bán được 50 triệu đồng. Chị Loan cùng chồng tiếp tục mua mai về chăm sóc rồi bán. Số tiền kiếm được cứ nhân lên 100 triệu, rồi 165 triệu… Giờ đây, gia đình chị tích lũy được một số vốn và mua thêm mảnh đất 1.700m2. Chị Loan tâm sự: “Được tiếp sức, tiếp vốn là điều kiện, mình phải cần cù, chịu khó, ban đầu làm nhỏ rồi phát triển dần lên”. Niềm vui lớn của chị là đứa con gái rất ngoan, học giỏi 11 năm liền và chồng chị siêng năng, chí thú làm ăn.

Chị Lê Thị Kim Chi - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Phú nói: “Trồng mai kiểng ở ấp rất phát triển nhưng có nhiều người giấu nghề. Chị Loan thì khác, hễ thấy mai của chị em nào chưa tốt là chị chia sẻ ngay cách làm, ngón nghề của mình. Với các phong trào vận động đóng góp giúp học sinh nghèo, phụ nữ khó khăn và những cuộc vận động khác, chị luôn gương mẫu đi đầu”.

 Dù có khoản tiền tích lũy nhưng gia đình chị Loan vẫn sống trong căn nhà lá. Chị lý giải: Cái nghề làm vườn, mua bán coi vậy không dễ. Ngoài cần cù, tiết kiệm thôi chưa đủ còn phải dự trù hai, ba đường sinh sống, bán buôn và phát triển trong tương lai.

Bài, ảnh: T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN