Toàn tỉnh có 2.484 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đăng ký là 5.722 tỷ đồng và 237 triệu USD

11/11/2011 - 06:11
Nhiều lô đất tại Khu Công nghiệp Giao Long đã được hoàn tất phần hạ tầng để giao cho các doanh nghiệp xây dựng công trình. Ảnh: T.Long

* Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc

Ngày 10-11-2011, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác xúc tiến đầu tư giai đoạn 2006-2010 và sơ kết công tác giải phóng mặt bằng năm 2010-2011. Tham dự hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan. Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Cao Văn Trọng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Qua hơn 5 năm thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, Bến Tre đã tập trung thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Một trong những nguồn lực được tỉnh quan tâm thu hút là các nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong giai đoạn 5 năm (2006-2010), toàn tỉnh có 1.262 doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và thu hút được 220 triệu USD vốn FDI, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 2.450 doanh nghiệp đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 5.722 tỷ đồng. Tốc độ phát triển bình quân năm 2007 đến năm 2011 là 12,6% về số doanh nghiệp đăng ký mới và tăng 21,9%/năm về vốn đăng ký. Đa số các doanh nghiệp đăng ký là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, qui mô vốn trung bình khoảng 2,3 tỷ đồng/doanh nghiệp. Về doanh nghiệp FDI, toàn tỉnh hiện có 34, với tổng vốn đăng ký 237 triệu USD, tập trung chủ yếu trên địa bàn Châu Thành, thành phố Bến Tre, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại và Ba Tri. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh là tích cực và được xếp trong nhóm 20 tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao nhất nước… Trong đó, đặc biệt là hai khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 173,5ha, có 24 dự án đầu tư vào đây, tổng vốn đăng ký là 5.424 tỷ đồng; trong đó có 14 dự án FDI…, 18 dự án đi vào hoạt động đã góp phần tạo việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh… Và 5 khu công nghiệp mới được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 34 dự án trong và ngoài nước đang trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư… Một số huyện như Ba Tri, Mỏ Cày Nam, thành phố Bến Tre đã khá năng động trong tổ chức thu hút đầu tư, áp dụng linh hoạt các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác xúc tiến đầu tư…

Tuy nhiên, công tác xúc tiến đầu tư vẫn còn một số khiếm khuyết cần bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp. Cụ thể, trên một số lĩnh vực (văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục) tỉnh chưa đủ lực để hỗ trợ nhà đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Việc xin chủ trương đầu tư còn quá nhiều khâu, nhiều bước, tốn nhiều thời gian. Cán bộ thực hiện công tác này chưa có kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế. Việc phối hợp trong giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư còn khó khăn, chậm… Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng còn quá nhiều vướng mắc từ quản lý quỹ đất ở cơ sở, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đơn giá nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng…

Sau khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu lên một số công việc trọng tâm, giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu kết luận: Cơ quan chức năng cần cụ thể hóa các chính sách thu hút đầu tư trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng việc xây dựng và ban hành qui trình công tác xúc tiến đầu tư một cách cụ thể đi đôi với xây dựng danh mục đầu tư. Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung đầu tư các công trình, hệ thống giao thông cầu đường hoàn chỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chấn chỉnh nguyên tắc sàng lọc nhà đầu tư. Kiện toàn các trung tâm xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Có chính sách tập trung đào tạo nghề cho lao động địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu lao động của các doanh nghiệp. Tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư ngoài tỉnh.

T.Chiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN