Mỹ
giúp Lon-nol làm đảo chánh Sihanuc ở Campuchia. Vùng an toàn khu ở biên giới Việt
Nam - Campuchia không còn nữa. Tờ báo Giải phóng Khu Trung Nam Bộ gặp khó khăn
nên tạm đình bản. Ban Tuyên huấn Khu quyết định tôi đi viết báo ở chiến trường
Mỹ Tho - vùng trọng điểm của Khu.
Mấy ngày liền lội qua Đồng Tháp Mười mênh mông. Vừa vượt
qua lộ 4 trong đêm, tôi về đến xã Long Trung. Năm Mai - phóng viên của báo khu
đi về Mỹ Tho trước tôi để lo cưới vợ. Biết tôi đang ở trạm giao liên, khoảng 10
giờ sáng Năm Mai băng xã chiến đấu tìm tôi. Bỗng trái nổ. Tôi và anh em trạm chạy
ra thấy Năm Mai nằm sóng soài, mình đầy máu, tay còn ôm gói sữa, đường và trái
xoài tượng to tướng để cho tôi. Năm Mai còn ráng hỏi tôi: “Anh Tư”. Tôi cùng
khiêng Năm Mai vào nhà, xem kỹ vết thương bể gan quá nặng. Thương quá, tôi chỉ
biết ôm Năm Mai vào lòng. Mặt Năm Mai xanh chành, thở hơi đứt quãng còn ráng
nói: “Em chịu không nổi. Anh ở lại ráng công tác”. Hai mắt đã đứng tròng, Năm
Mai đã đi xa. Mình tôi và Năm Mai đầy máu. Đêm đó vợ mới cưới của Năm Mai và
gia đình anh Chín Đức - Công an Mỹ Tho đến khiêng xác về an táng ở quê nhà. Những
tưởng về chiến trường Mỹ Tho ác liệt, có 2 anh em, Năm Mai là người địa phương
quen đường đi nước bước, tôi sẽ dựa vào Năm Mai mà công tác, nào ngờ tôi chỉ
còn một mình. Đêm đó, tôi qua lộ Ba Dừa về xã Long Khánh, Long Tiên giáp với thị
trấn Cai Lậy để công tác.
Tôi tìm hiểu ở khu vực này có “một nút” của Ban Binh vận
Khu do anh Chín Tiến quê xã Minh Đức - Bến Tre làm trưởng nút. Trong Ban Binh vận
có rất nhiều đồng chí quê Bến Tre. Tôi quyết định cùng anh Chín Tiến xây dựng
căn cứ chung dựa lưng nhau mà công tác. Cán bộ công khai của anh cũng nhiều, sẽ
giúp tôi nắm được tình hình địch, tình hình quần chúng ở nhiều nơi.
Thế là chúng tôi bám trụ tại nhà ông Ba - một lão nông
tóc hoa râm, bới cục si - nhong như củ tỏi, nhỏ xíu trên đỉnh đầu, cùng cô Chín
- con gái út khá đẹp ở nhà. Bà Ba tản ra ngoài lộ Ba Dừa. Cô Chín là người tiếp
tế lương thực cho chúng tôi. Ông Ba thích uống rượu. Chúng tôi mua cho ông mỗi
lần 1 xị để ông uống vài ba ngày. Hết thì chúng tôi mua nữa. Có một chút hơi
men nồng ấm vào, ông như hưng phấn, chuyện trò với chúng tôi rất vui. Ông ở nhà
chăm sóc mảnh vườn con, giăng lưới, đặt lọp kiếm cá cho chúng tôi ăn. Ông quả
là một nông dân chí cốt, rất chì, bom đạn ác liệt, địch càn quét liên miên dường
như ông không ngán sợ gì cả. Găng quá thì ông cặp nách xị rượu, xách cái giỏ
cá, chỏi gậy, đội nón lá đi thẳng về hướng bọn địch ở ngoài đồng, chỗ nào có lựu
đạn, hầm chông, ông đều biết hết. Ông nắm địch tình về báo cho chúng tôi. Nhà
ông Ba ở khu vực giáp ranh giữa xã Long Tiên và xã Long Khánh. Đường ra thị trấn
Cai Lậy có hầm hố chông, lựu đạn. Bà con có đi chợ thì bung ra ruộng lên lộ Ba
Dừa. Chỉ cách một khoảng rộng 500m thì tới lộ. Lính ngụy đi trên lộ, chúng tôi
thấy rất rõ. Chúng tôi muốn ra ven thị trấn Cai Lậy thì bơi xuồng đi trong vườn
an toàn hơn. Dọc đường kinh dài khoảng 2.500m đến thị trấn chúng tôi xây hệ thống
hầm bí mật và hầm tránh pháo. Anh Năng là đảng viên ở cơ sở dẫn tôi về nhà bà
má Hai, xung quanh là rào tre xanh, ra khỏi rào nhìn thấy bọn lính ở bãi pháo
Cai Lậy. Bà cho tôi lấy nhà bà làm nút liên lạc hợp pháp để tôi gặp người của
tôi ở trong thành ra và tôi đã xây hầm bí mật tại nhà bà. Chúng tôi cập bờ kinh
trâm bầu song song với lộ 4 xuống xã Nhị Quý. Hai bên bờ kinh là ruộng trống,
chúng tôi tổ chức cơ sở và xây dựng một số hầm bí mật nữa. Từ bờ kinh này,
chúng tôi nhìn thấy rõ địch đi trên lộ 4.
Thế là chỗ đứng chân của chúng tôi tạm ổn. Nhưng không phải
an toàn tuyệt đối. Ngoài ruộng thì giặc đi lung tung. Trong vườn - địa hình thuộc
chúng tôi. Có hôm chúng tôi đang quây quần vui vẻ ăn cơm chiều với mấy cô giao
liên công khai thì pháo bầy ở Cai Lậy bắn cấp tập vào nhà ông Ba. Chúng tôi
chun hầm, cơm canh văng tung tóe.
Có hôm địch vô được trong địa hình. Tôi và anh Tám Chữ -
Khu ủy viên, Trưởng Ban Binh vận Khu phải xuống chung một hầm bí mật bằng cái
mái bầu, anh Tám không quen, ngậm sâm cũng mệt thở ồ ồ. Mấy thằng lính đang hí
hố, lội sột soạt nghe rất rõ cách khoảng mười thước. Chúng hỏi nhau tìm lối đi.
Anh Tám chịu không nổi đòi bung nắp hầm. Rất nguy hiểm. Tôi bảo anh ráng chờ giặc
đi hơi xa, tôi mới hé nấp hầm cho anh thở.
Căn cứ của chúng tôi cũng cứu được nhiều bạn bè lỡ đường,
cứu cả Đoàn văn công Mỹ Tho của anh Tám Thạnh bị đánh, một đồng chí bị thương
cũng chạy đến.
Thế là chỗ đứng chân của chúng tôi đã tương đối vững. Lúc
mới về, chúng tôi chưa đem theo điện đài Minh ngữ. Liên lạc về Ban Tuyên huấn
Khu bằng đường giao liên công khai chỗ nhà chị Mười, vợ đồng chí Trần Công -
văn nghệ Mỹ Tho đã hy sinh. Nhà chị ở trong thị trấn, gần chợ Cai Lậy. Chị Mười
mấy lần rước mẹ và vợ tôi đến nhà má Hai để thăm tôi. Sau có đồng chí Dũng cán
bộ thông tấn khu về ở chung. Tôi nhờ Dũng tổ chức cho tôi một cán bộ công khai.
Ấy là cô Xuân - học sinh nhà ở Nhị Bình ven thị trấn Cai Lậy, bên Bắc lộ 4. Cô
quan hệ các báo Sài Gòn và nắm tình hình. Tôi phải sinh hoạt cho cô về 5 bước
công tác cách mạng, công tác bí mật và một số yêu cầu của viết báo, cần những yếu
tố cơ bản, những tình tiết v.v… Không bao lâu cô Xuân đã giúp tôi viết được nhiều
bài báo gởi về Ban Tuyên huấn Khu bằng đường công khai của chị Mười Trần Công.
Tuy có đường công khai cũng phải mất cả 10 ngày từ khi diễn ra sự kiện đến
Thông tấn xã Khu.
Tôi liền nghĩ ra cách làm báo khác, ấy là lợi dụng báo
Sài Gòn để đăng những bài có lợi cho mình, và tuyên truyền được rộng rãi quần
chúng trong cả miền Nam, nhứt là đồng bào vùng đô thị và tạm bị chiếm. Vì thời
kỳ 1954-1959 tôi đã từng viết bài cho các báo Sài Gòn theo sự chỉ đạo và khuyến
khích của chị Ba Định - Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, Sư đoàn 7 ngụy đang
hành quân càn quét đốt nhà gom dân ở vùng giải phóng và tranh chấp về sống chen
chúc, nhơ nhớp trong vùng địch ở chung quanh Cai Lậy. Đồng bào ta khóc la, níu
kéo đấu tranh rất quyết liệt. Cô Xuân nắm tình hình khá cụ thể. Tôi viết nhiều
thể tài và viết cả dạng trào phúng, đả kích đăng ở mục “Tư Trời biển” của báo
Tin Sáng. Tôi viết theo “hơi hám” của báo thành, bài viết yêu cầu quận trưởng
Cai Lậy can thiệp, binh vực dân của mình. Tôi lấy tên giả, có số giấy căn cước,
số nhà giả, đường ở thị trấn Cai Lậy. Cô Xuân đem bài đến một ký giả quen để
qua đó gởi cho tòa soạn báo.
Kết quả, 2 ngày sau, vào buổi sáng, chợ đông ở Cai Lậy quần
chúng xôn xao chuyền tin nhau đổ xô ra mua hết báo Tin Sáng. Các sạp báo không
còn tờ nào. Đồng bào chạy xuống Mỹ Tho mua giành với đồng bào thành phố. Bà con
khen báo “Viết đã quá! Vậy không lẽ quận trưởng Cai Lậy không binh vực dân
mình”. Dư luận xôn xao bàn tán suốt mấy ngày liền chống âm mưu gom dân đuổi nhà
của Mỹ - Thiệu.
Cô Xuân mua mấy tờ báo hối hả chạy vô cứ cho tôi xem. Báo
đăng nguyên văn bài của tôi không thêm bớt. Tôi khen cô Xuân. Tôi liền gởi tờ
báo về Ban Tuyên huấn Khu. Ít hôm sau, nghe trên Đài Phát thanh Giải Phóng và
Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh liên tiếp bài báo.
Phấn khởi quá, rút kinh nghiệm, tôi tiếp tục viết một số
bài theo các thể tài khác, lấy nhiều bút danh. Rồi lại viết trong chuyên mục
“Tư Trời biển”. Báo Sài Gòn lại đăng tải, đài phát thanh ta tiếp tục tuyên truyền.
Thường vụ Khu ủy và các cơ quan chung quanh Khu được đọc
báo Sài Gòn, nghe đài ta có một số bài “viết khá quá”.
Thường vụ Khu ủy, Ban Tuyên huấn Khu khẳng định trong thực
tế tình hình chiến trường khó khăn, chia cắt, ác liệt, tờ báo Giải phóng Trung
Nam Bộ tạm đình bản là đúng. Cách viết báo trong thời điểm này là phải cung cấp
tin, bài cho Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam, song song lợi
dụng báo Sài Gòn để tuyên truyền cho ta, đó là cách làm đúng.
Cũng từ đó, các đồng chí ở các cơ quan Khu T2 gọi tôi biệt
danh “Ông Tư trời biển”.