Tôm chết - giải pháp khắc phục ngay

23/05/2012 - 08:31

Hiện, dịch bệnh trên tôm nuôi ngày càng gia tăng và diễn biến khá phức tạp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có gần 600ha tôm chết, trong đó nhiều nhất là Bình Đại (40%), Ba Tri (20%). Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương có nhiều nỗ lực tìm các giải pháp ngăn chặn nhưng tình trạng tôm chết ngày càng gia tăng.

PV Báo Đồng Khởi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Quang Tuyến - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bến Tre về một số giải pháp có thể áp dụng nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho người nuôi.

 

* Thưa ông, khi tôm bị bệnh chết cần xử lý ao tôm như thế nào để thả nuôi lại nhanh, hiệu quả?

- Ông Nguyễn Xuân Quang Tuyến: Đối với tôm bị bệnh đốm trắng hoặc bệnh truyền nhiễm khác: Dùng Chlorine (70%) để xử lý ao nuôi với hàm lượng 30ppm, ít nhất sau 15 ngày mới xả nước vào ao chứa nước thải. Loại bỏ hết tôm chết ra khỏi ao để tiêu hủy, sau đó tiến hành cải tạo ao. Trong quá trình phơi ao, dùng hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh còn lại trong ao như: Formol 100ppm hoặc Chlorine 50ppm, phun vào lúc trời mát. Có thể sử dụng lặp lại 2 - 3 lần trong thời gian phơi ao. Thời gian cải tạo, cách ly ít nhất 1 tháng, sau đó có thể tiến hành thả nuôi trở lại. Đối với ao tôm bị bệnh gan, tụy (do nhiễm chất độc) hay chết do điều kiện môi trường bất lợi: Dùng hóa chất (như Formol, BKC, Chlorine…) để sát khuẩn ao nuôi, có thể 2 - 3 ngày lặp lại 1 lần, trong thời gian ít nhất là 15 ngày mới rút nước và cho vào ao chứa chất thải. Loại bỏ hết tôm chết ra khỏi ao để tiêu hủy, tiến hành cải tạo đáy ao và bón vôi nung (CaO) hoặc vôi tôi (Ca(OH)2) với liều 50 - 70kg/1.000m2, sau đó tiến hành phơi ao (khoảng 1 tháng). Sau quá trình cải tạo, cách ly ít nhất 1 tháng có thể tiến hành thả nuôi trở lại. Chú ý cần ngâm rửa đáy ao đúng kỹ thuật trước khi lấy nước vào ao. Phải hết sức chú ý, không được sử dụng các hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình cải tạo ao, xử lý nước và nuôi.

 

* Theo ông, xử lý nước cấp, thải như thế nào để có hiệu quả nhất?

- Đối với nguồn nước cấp: Khi lấy nước cần kiểm tra chất lượng nguồn, tình hình dịch bệnh tôm ở những vùng lân cận… lấy nước vào ao qua lớp vải lọc dày ở thời điểm triều cường và con triều đạt đỉnh, để 2 - 3 ngày, kết hợp quạt nước. Nước thải từ ao nuôi tôm phải đưa vào ao xử lý để xử lý trước khi thải ra môi trường, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Có thể thả cá rô phi, nuôi hàu hoặc trồng rong cỏ trong ao thay thế hóa chất xử lý.

 

* Cần khuyến cáo người nuôi điều gì, thưa ông?

- Cần chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, ở những trại sản xuất giống có uy tín, tôm đã qua kiểm dịch, tôm có màu đặc trưng của loài, râu và phụ bộ đầy đủ, không dị hình, ruột đầy thức ăn; tôm đều cỡ, hoạt động nhanh nhẹn, có khả năng bơi ngược dòng và phản ứng nhanh với tác động bên ngoài. Nếu có điều kiện, nên chọn giống sạch bệnh (SPF).    

 

* Chăm sóc, quản lý ao nuôi để tăng cường sức đề kháng của tôm có phải là giải pháp tốt để tôm khỏe, ít bị bệnh?

- Trong tình hình thời tiết diễn biến bất thường, tôm chết hàng loạt và môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm nặng nên việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho tôm là vô cùng quan trọng. Cho nên, ngoài thức ăn chính cần bổ sung một số thức ăn phụ hỗ trợ. Chọn loại thức ăn tổng hợp chuyên dùng cho tôm, được sản xuất theo quy trình công nghiệp và trong thực tế đã được người nuôi sử dụng cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thời tiết, sức khỏe tôm, kết quả kiểm tra đường ruột mà điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý như: Không cho tôm ăn khi trời nắng nóng hoặc mưa gió lớn, đảm bảo lượng oxy hòa tan trong suốt thời gian cho ăn, giảm cho ăn trong lúc tôm lột xác. Có thể bổ sung các khoáng vi lượng, vitamin C, ư-Glucan… Kết hợp quạt nước, sục khí, tôm càng lớn thời gian vận hành máy quạt nước, sụt khí càng nhiều. Đặc biệt, cần theo dõi kết quả quan trắc môi trường khi có kế hoạch lấy nước vào ao. Mật độ thả giống vừa phải, không nên thả quá dày, quản lý tốt việc cho tôm ăn, sử dụng các chế phẩm sinh học để bón xuống ao có tác dụng hấp thụ và phân giải các khí độc.

 

* Xin cám ơn ông!          

 

Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN