Tôn tạo đình Chùa Bà

28/03/2023 - 17:55

BDK.VN - Đình Chùa Bà tọa lạc tại Khu phố 4, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam. Tiền thân của đình Chùa Bà là đình làng Đa Phước.

Đình Chùa Bà đang được tôn tạo.

Đình Chùa Bà đang được tôn tạo.

Về nguồn gốc của Chùa Bà (Miếu Hai Bà) lại gắn liền với một huyền sử thời nhà Nguyễn. Người dân lưu truyền rằng, vào năm 1785, chúa Nguyễn Ánh trên đường vào Nam để chờ quân cứu viện đánh lại quân Tây Sơn. Trong thời gian cầm cự, quân lính của Nguyễn Ánh đã bị đánh bại ở Định Tường, nên ông phải gom số quân còn lại vượt biển chạy sang nước khác nương náu.

Trong lúc thuyền lênh đênh giữa sông, trời đột ngột nổi cơn giông, mây đen phủ đầy trời. Quân sĩ trên thuyền ra sức chèo chống để nhanh chóng đưa thuyền ra khỏi cơn giông nhưng do sóng to, gió lớn, dây cột buồm và bánh lái bị đứt, thuyền không thể tiếp tục đi. Trong lúc cả đoàn thuyền nghe từ xa có tiếng hò vọng tới. Một chuyến ghe nhỏ chèo tới gần thuyền vua, trên ghe có hai người phụ nữ đi buôn tơ. Sau khi nghe đoàn thuyền giải bày cầu cứu, hai người phụ nữ đã lấy từ trên ghe rất nhiều cuộn tơ trắng chuyển qua thuyền để bện lại làm dây cột buồm và bánh lái giúp thuyền qua khỏi cơn giông tố.

Sau ngày lên ngôi, Nguyễn Ánh lấy niên hiệu là vua Gia Long, đã nhớ đến ơn cứu giúp của hai người phụ nữ bán tơ nên cho người đến tìm để truy tặng công lao của hai bà. Nhưng hai bà đã qua đời trước khi được tấn phong. Vua Gia Long truyền lệnh cho lập miếu thờ hai bà tại làng Đa Phước. Khi di cư đến Mỏ Cày sinh sống, cộng đồng người Hoa đã mang theo tín ngưỡng của quê nhà vào vùng đất mới - tục thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Họ nhận thấy sự tích cứu giúp vua Gia Long của hai bà bán tơ có nét tương đồng với hình ảnh Thiên Hậu cứu nạn chúng sinh trên biển nên đã đóng góp tiền của trùng tu lại miếu thờ Hai Bà. Sau đó, họ thỉnh Thiên Hậu vào thờ chung với Hai Bà của người Việt. Đến năm 1982, Chùa Bà được đưa vào thờ cúng chung với đình làng Đa Phước, từ đó đình có tên gọi đình Chùa Bà cho đến ngày nay.

Đình Chùa Bà được xây theo kiểu kiến trúc chữ Nhị với hai gian tòa trung (võ quy) và chánh điện theo lối tứ trụ nằm liền kề nhau theo một trục đứng. Hạng mục Võ Ca được xây dựng gần đây và cũng được thiết kế nằm trên trục đứng của mặt bằng tổng thể. Hằng năm, tại đình Chùa Bà diễn ra hai lễ cúng quan trọng: Lễ Hạ điền (15 tháng 3 âm lịch) và lễ vía Bà (nhằm ngày 17 tháng 7 âm lịch). Đình Chùa Bà được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo Quyết định số 3095/QĐ-UBND ngày 16-12-2016 của UBND tỉnh Bến Tre.

Các hạng mục được tu bổ, tôn tạo gồm: Cổng, tường rào, bức bình phong và hai ngôi miếu. Nguồn kinh phí vận động xã hội hóa. Đây là việc làm cấp thiết do các hạng mục cũ đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn phục vụ khách hành hương và vẻ mỹ quan chung của di tích.

Tin, ảnh: Hoàng Huấn

Chia sẻ bài viết
Từ khóa Đình Chùa Bà

BÌNH LUẬN