Tôn vinh những văn nghệ sĩ xứ Dừa

01/09/2017 - 08:00

Hôm nay, vào lúc 19 giờ ngày 1-9-2017 sẽ diễn ra lễ trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật (VH-NT) Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre lần thứ II năm 2017 cho 30 văn nghệ sĩ. 

Đây là hoạt động rất có ý nghĩa nhằm tiếp tục ghi nhận, tôn vinh sự cống hiến bằng trí tuệ, tài năng và công sức của giới văn nghệ sĩ; đồng thời, cổ vũ mạnh mẽ hơn nữa những phong trào thi đua, những đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh nhà trong thời gian tới. Trước thềm lễ trao giải, phóng viên Báo Đồng Khởi đã ghi nhanh cảm nghĩ của các tác giả được vinh danh trong giải thưởng lần này.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lư Văn Hội: “Đây là một động lực to lớn để các văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo các giá trị văn hóa mới đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển”

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lư Văn Hội (Lư Hội) sinh năm 1956, quê quán ở xã Mỹ Thạnh (nay thuộc xã Phong Nẫm), huyện Giồng Trôm. Hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hội Di sản Văn hóa tỉnh Bến Tre. Ông là một người sớm bén duyên nghiên cứu văn hóa dân gian, khi chuyển về tỉnh làm cán bộ chuyên trách công tác nghiên cứu văn hóa phi vật thể, tác giả Lư Hội đã có điều kiện phát huy sở trường và hiện được xem là nhà sưu khảo lập kỷ lục về số lượng tác phẩm nghiên cứu văn hóa dân gian Bến Tre.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lư Văn Hội

Từ năm 1998 đến nay, ông đã công bố 22 công trình sưu khảo văn hóa dân gian (cả viết chung và riêng); trong số đó có 10 tác phẩm đạt giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (liên tục từ 2005 - 2016). Bên cạnh đó, ông còn là tác giả và đạo diễn, phục dựng các phim bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre thuộc chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) với các công trình như: Hát sắc bùa Phú Lễ; Lễ hội đu bầu và các trò chơi dân gian ở huyện Giồng Trôm; Gìn giữ cho muôn đời sau các làn điệu dân ca Bến Tre; Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc; Đình làng Bến Tre - các giá trị văn hóa; Dừa trong văn hóa ẩm thực Bến Tre… Đáng kể nhất là công trình Diễn xướng sắc bùa Phú Lễ đã góp phần bổ sung cứ liệu đáp ứng yêu cầu xây dựng hồ sơ đưa Hát sắc bùa Phú Lễ trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thứ 2 của Bến Tre. Với những cống hiến trong quá trình công tác, ông đã được nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh.

Ông Lư Hội chia sẻ: Năm 1998, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tôi được Ban Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở VHTT&DL) giao nhiệm vụ “chuyên trách công tác nghiên cứu văn hóa phi vật thể”. Tôi nhận nhiệm vụ nhưng rất trăn trở bởi đây là lĩnh vực tôi chưa từng biết và cũng chưa hiểu văn hóa phi vật thể là gì. Song, tôi đã bắt tay vào công việc với tinh thần vừa làm, vừa học và quyết không phụ lòng tin của lãnh đạo sở đối với cá nhân tôi. Từ đó đến khi về hưu (1-11-2016), tôi luôn được lãnh đạo Sở VHTT&DL qua các giai đoạn (các đồng chí: Trần Quốc Việt, Nguyễn Quang Trị, Trần Ngọc Tam, Huỳnh Văn Hùng) hết lòng tạo điều kiện cho tôi làm việc. Từ chưa biết gì, đến nay, tôi đã có trên 20 công trình văn hóa được xuất bản, phát hành, trong đó có 7 công trình được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải thưởng.

“Nhận được giải thưởng vinh dự này, tôi xin gửi lời tri ân đến các thế hệ lãnh đạo sở qua các thời kỳ tôi làm việc. Giải thưởng vừa là sự ghi nhận những cống hiến của xã hội đối với văn nghệ sĩ, vừa là nguồn động viên, khích lệ văn nghệ sĩ tiếp tục đóng góp trí tuệ, sức lực của mình cho sự phát triển tỉnh Bến Tre trong chặng đường tiếp theo”, ông nói.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Vũ: “Các văn nghệ sĩ đã có một tình yêu chân thành, sâu sắc với đất và người Bến Tre”

Anh tên thật là Nguyễn Thanh Vũ (sinh năm 1966), quê quán xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm. Anh bắt đầu làm quen với nhiếp ảnh từ năm 1989. Anh hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu, Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Năm 1992, anh bắt đầu tham gia chụp ảnh cộng tác cho báo chí trong tỉnh và các báo tỉnh bạn khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Vũ

Trong suốt quá trình sáng tác, anh có 46 giải thưởng trong nước và quốc tế; hơn 1,5 ngàn ảnh thời sự nghệ thuật chụp về đất và người Bến Tre được đăng tải trên các báo và tạp chí Trung ương, khu vực và trong tỉnh. Những giải thưởng tiêu biểu như: tác phẩm “Công việc thầm lặng” - giải B Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam năm 1996 và đạt giải B toàn quốc Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam năm 1997; tác phẩm “Đôi bạn” - Giải Xuất sắc Accu Châu Á Thái Bình Dương năm 2001 tại Nhật Bản; “Bưởi da xanh ruột hồng” - giải ba cuộc thi Festival trái cây Việt Nam thời kỳ hội nhập lần thứ I năm 2010…

Nói về lần trao giải này, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Vũ nhận định: “Tôi nghĩ bản thân tôi và các văn nghệ sĩ khác ai cũng vậy, đều có một tình yêu về đất và người Bến Tre rất chân thành và sâu sắc, đó chính là động lực giúp vượt qua mọi khó khăn, gắn bó sáng tạo lâu dài, bền bỉ. Được nhận giải thưởng lần này, tôi thấy rất vinh dự và xin gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh, ngành chuyên môn đã tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ chúng tôi hoạt động và cống hiến”.

Nhà văn Vũ Hồng - “Giải thưởng được vinh dự mang tên nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, có giá trị ghi nhận và tôn vinh văn hóa, VH-NT xứ Dừa”

Anh tên thật Nguyễn Kim Sơn (sinh năm 1966), quê quán tại xã Tường Đa, huyện Châu Thành; hiện là Liên chi hội trưởng Liên chi hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL. Anh từng giữ vai trò ủy viên Hội đồng văn xuôi - Hội Nhà văn Việt Nam (2007 - 2010), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 2010 - 2015), Phó trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn tại TP. Hồ Chí Minh (2011 - 2015).

Nhà văn Vũ Hồng

Anh sáng tác và có tác phẩm tham gia Tạp chí Văn nghệ Bến Tre (nay là Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông) khi còn ngồi trên ghế nhà trường và bền bỉ sáng tác đến nay. Anh từng được công chúng, bạn đọc biết đến qua các xuất bản phẩm như: “Tháp bụi” (Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu xuất bản năm 1991), “Tiếng chuông trôi trên sông” (tập truyện ngắn - Nhà xuất bản Mũi Cà Mau năm 1998), “Người leo dừa” (tập truyện ngắn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2006), “Đoản khúc số 8” (tập thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2015). Đặc biệt với anh, tập truyện ngắn “Tiếng chuông trôi trên sông” đã nhận được giải thưởng văn học năm 1999 của Hội Nhà văn Việt Nam. Bài thơ “Người phương Nam” của anh cũng đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn địa phương - Khối lớp 9, từ năm 2005 đến nay.

Nhà văn Vũ Hồng nhận định: Giải thưởng VH-NT Nguyễn Đình Chiểu là một trong những giải thưởng có uy tín của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Giải thưởng được vinh dự mang tên nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, có giá trị ghi nhận và tôn vinh văn hóa, VH-NT từ xưa đến nay ở xứ Dừa, mảnh đất vốn nổi tiếng về văn hóa và tính nhân văn cao cả. Giải thưởng đã có độ lùi cần thiết về thời gian, cho thời gian tự sàng lọc các giá trị. Nếu tính từ mốc thời gian năm 1975 đến lần trao giải đầu tiên năm 2012 (37 năm), chúng ta có quãng thời gian đủ để cân nhắc các giá trị văn hóa, VH-NT, còn nếu tính từ mốc thời gian thành lập Phân hội Văn nghệ Đồ Chiểu (năm 1963), chúng ta có quãng thời gian gần nửa thế kỷ. Biết bao tấm gương văn nghệ sĩ Bến Tre đã cống hiến, thậm chí hy sinh để bảo tồn và phát huy các giá trị tinh thần, thể hiện ở các sáng tác VH-NT và gầy dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có tính kế cận liên tục từ thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm đến nay ở tỉnh nhà.

“Giải thưởng VH-NT Nguyễn Đình Chiểu được xét trao giải 5 năm một lần và mỗi tác giả chỉ được trao giải 1 lần, có thể gọi là giải thưởng trọn đời. Tôi rất hân hạnh và lấy làm xúc động khi được trao giải ở lần thứ 2 này, và xúc động nhất là được bạn đọc, bạn viết còn tin tưởng bút lực của mình”, anh tâm sự.

Nhà văn Vũ Hồng cho biết thêm, thời gian tới, anh sẽ “phục chế” lại 1 tiểu thuyết và 1 tập truyện ngắn đã bị thất lạc bản thảo. Tiểu thuyết “Đàn mèo hoang lông trắng” lấy bối cảnh không gian truyện và đời sống người dân vào những năm của thập niên 80 thế kỷ trước ở vùng cánh Tây Châu Thành, ven sông Hàm Luông và sông Ba Lai; tiếp tục sáng tác các tác phẩm mới.

Biên đạo múa Kim Loan - “Trong xây dựng nội dung tác phẩm, văn nghệ sĩ nên gắn liền với những nét văn hóa truyền thống và những thế mạnh về kinh tế của quê hương”

Chị tên thật là Đặng Thị Kim Loan (sinh năm 1958), quê quán xã Thành Triệu, huyện Châu Thành; hiện là Hội viên Hội VH-NT Nguyễn Đình Chiểu, Hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Từng là diễn viên múa Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bến Tre (1976 - 1980), diễn viên múa Đoàn Ca múa Bến Tre (năm 1980 - 1990), công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre (năm 1990 - 2011).

Biên đạo múa Kim Loan

Chị đã dàn dựng nhiều chương trình phục vụ cho các sự kiện chính trị tại tỉnh, các ban, ngành tỉnh và tham gia chương trình liên hoan khu vực ĐBSCL. Và đã có một tác phẩm múa đạt huy chương vàng toàn quốc. Những tác phẩm tiêu biểu: Múa “Hạt muối quê tôi” - huy chương vàng Liên hoan múa không chuyên toàn quốc lần thứ III năm 2011; Múa “Dệt đẹp quê hương” - huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật quần chúng ngành tài chính năm 2005. Ghi nhận quá trình cống hiến, chị đã được trao Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa; Huy chương Vì sự nghiệp nghệ thuật Múa Việt Nam cùng nhiều bằng khen chuyên ngành.

Với giải thưởng VH-NT Nguyễn Đình Chiểu lần này, chị chia sẻ: “Tôi rất vinh dự và xúc động; tôi luôn cháy hết mình với nghệ thuật múa là vì đam mê, vì muốn góp phần vào sự nghiệp múa tỉnh nhà phát triển chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ được nhận giải thưởng cao quý này. Tôi đam mê nghệ thuật múa từ nhỏ, khởi đầu tham gia đội văn nghệ xã và gắn với nghệ thuật múa đến bây giờ. Tôi đã xác định đây là sự nghiệp mà tôi sẽ gắn bó cả cuộc đời”.

Là người có hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật múa, biên đạo múa Kim Loan đã chia sẻ tâm huyết của mình: “Khi dàn dựng những tác phẩm múa nhằm để lại dấu ấn cho người xem, tôi lấy ý tưởng nội dung luôn gắn liền với những nét văn hóa truyền thống và những thế mạnh về kinh tế của quê hương mình”. Theo chị, người biên đạo múa phải luôn bám sát các chủ trương của tỉnh, am hiểu những nét văn hóa đặc sắc của quê hương, không ngừng học hỏi và luôn luôn sáng tạo để có những ý tưởng dàn dựng chương trình cho phù hợp, mang nét đặc sắc riêng. Chị gắn bó gần như suốt cuộc đời với nghệ thuật múa, hòa nhịp sống với những thăng trầm của nghệ thuật múa tỉnh nhà, nhưng chưa bao giờ tắt lửa đam mê. Điều đáng quý nữa, chị cũng đã hết lòng dìu dắt các biên đạo múa lớp kế thừa. “Với tất cả những kinh nghiệm và kiến thức có được trong lĩnh vực múa, tôi vẫn tiếp tục hết lòng hỗ trợ cùng các em cháu Trung tâm Văn hóa tỉnh xây dựng các chương trình múa của tỉnh, tận tình chia sẻ và chỉ dẫn cho các lớp biên đạo múa kế thừa khi có điều kiện”, chị bày tỏ.

Mỗi người một lĩnh vực, một chuyên môn khác nhau nhưng có thể nói, những gương mặt nhận giải thưởng VH-NT Nguyễn Đình Chiểu có chung nhịp đập trái tim vì lửa đam mê dành cho văn hóa, VH-NT, có chung một chí hướng vì sự nghiệp văn hóa, VH-NT tỉnh nhà, vì sự phát triển của xứ Dừa mến yêu.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN