Tổng thống Nam Sudan giải tán Quốc hội, thực thi thỏa thuận hòa bình

10/05/2021 - 06:37

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã đưa ra thông báo trên trên truyền hình, song không tiết lộ thời điểm Quốc hội mới sẽ bắt đầu hoạt động.

Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan Abdel Fattah Al-Burhan (trái) và Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir tại lễ ký thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang ở Juba (Nam Sudan) ngày 3-10-2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng quân sự chuyển tiếp Sudan Abdel Fattah Al-Burhan (trái) và Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir tại lễ ký thỏa thuận hòa bình cuối cùng giữa Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang ở Juba (Nam Sudan) ngày 3-10-2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 8-5, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir thông báo đã giải tán Quốc hội, mở đường cho các nghị sỹ của các phe đối lập tại nước này được bổ nhiệm theo một thỏa thuận hòa bình ký hồi năm 2018.

Tổng thống Kiir đã đưa ra thông báo trên trên truyền hình, song không tiết lộ thời điểm Quốc hội mới sẽ bắt đầu hoạt động.

Việc thành lập một cơ quan lập pháp mới là một phần của thỏa thuận được ký kết vào tháng 9-2018 giữa Tổng thống Kiir và ông Riek Machar, thủ lĩnh nhóm SPLM-IO đối lập.

Các nhà hoạt động và các nhóm xã hội dân sự hoan nghênh động thái này, đồng thời cho rằng quyết định này đã bị trì hoãn quá lâu.

Đáng chú ý, quyết định giải tán Quốc hội được đưa ra trước chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ về Nam Sudan Donald Booth tới thủ đô Juba.

Theo thỏa thuận hòa bình, một Quốc hội mới sẽ bao gồm 550 nhà lập pháp, trong đó 332 ghế thuộc về đảng SPLM cầm quyền của Tổng thống Kiir. Các nhà lập pháp sẽ không được bầu mà do các đảng phái đề cử.

Sau khi ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực trên, Tổng thống Kiir và ông Machar đã bắt tay thành lập chính phủ liên minh vào tháng 2-2020, sau gần 1 năm trì hoãn.

Nam Sudan chìm trong nội chiến từ tháng 12-2013 khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc ông Riek Machar âm mưu đảo chính.

Cuộc xung đột đẫm máu đã khiến khoảng 380.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Bất chấp thỏa thuận hòa bình, các vụ xung đột giữa các phe phái vẫn diễn ra, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng trong nửa cuối năm 2020.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN