 |
Một màn trình diễn cổ động bảo vệ môi trường ở Jakarta, Indonesia. |
Tuyên bố trên được Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đưa ra ngày 17-11, trong phiên
thông qua bản đánh giá của đại diện của 140 quốc gia và các chuyên gia thuộc Ủy
ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC) về sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Theo ông Ban Ki Moon, nhiệt độ tăng kéo theo băng tan có thể làm mực nước biển
dâng cao 6m, đủ nhấn chìm các thành phố như New York, Bombay hay Thượng Hải. Vì
vậy, thế giới cần có ngay những biện pháp khẩn cấp để chống lại sự thay đổi khí
hậu.
Bản đánh giá vừa thông qua là kết quả 4 ngày tranh cãi của các
chuyên gia, thậm chí làm việc thâu đêm ở Valencia, Tây Ban Nha. Bản tóm lược này
dài khoảng 20 trang, gồm những ý chính từ 3 báo cáo với tổng cộng 3.000 trang đã
công bố trong năm nay và sẽ là dữ liệu chính để tiến tới tìm một thỏa thuận mới
thay thế cho Nghị định thư Kyoto (sẽ hết hạn vào năm 2012) trong cuộc họp của
LHQ vào ngày 3 và 4-12 tới ở Bali (Indonesia). Quỹ động vật hoang dã thế giới
(WWF) nhận định văn bản vừa thông qua là thông điệp rất cụ thể mà các nhà hoạch
định chính sách cần lưu ý.
Trước đó, Achim Steiner, giám đốc Chương trình
Môi trường LHQ (PNUE) cũng khẳng định “việc phá hủy có hệ thống các nguồn tài
nguyên thiên nhiên trên Trái đất đã đến mức nguy hiểm, đe dọa sự sống còn của
các nền kinh tế, đến độ con cháu chúng ta sẽ không bao giờ khắc phục nổi những
gì ta đã gây ra”. PNUE cho rằng khủng hoảng sinh thái làm gia tăng khủng hoảng
xã hội.
Liên quan đến khí hậu toàn cầu đang nóng lên, các nhà nghiên cứu
thuộc Đại học bang Ohio (Mỹ) cho biết nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng
đến lượng nước trên hành tinh. Nước biển dâng cao sẽ làm mất tới 40% nước sạch
trên thế giới. Hiện lượng nước trên Trái đất không thay đổi, nhưng chất lượng
nước sạch giảm mạnh. Hiện chỉ có 2% nước trên Trái đất là nước sạch và phần lớn
nằm dưới các lớp băng.