Trách nhiệm của bên bảo lãnh

02/09/2018 - 18:04

Bà Hà Thị Phượng (Ba Tri) có nhu cầu tư vấn: Hai năm trước, tôi có dùng tài sản là nhà và đất để bảo lãnh giúp cho người bạn thân là giám đốc một công ty TNHH vay ngân hàng với số tiền là 2 tỷ đồng. Thời hạn vay là 1 năm. Bạn tôi cam kết sau 1 năm sẽ thanh toán nợ ngân hàng và sẽ trả lại tài sản cho tôi.

Tin tưởng bạn nên tôi không làm bất cứ giấy tờ gì. Đến nay, đã đến hạn trả nợ nhưng bạn tôi không trả nợ ngân hàng để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà và đất để trả lại cho tôi. Tôi đã nhiều lần liên hệ với bạn tôi để nói về vấn đề này nhưng bạn tôi cứ tìm lời trấn an, hẹn lần lựa nhưng không trả nợ ngân hàng.

Mặc dù bạn tôi rất giàu có, nhưng tôi không an tâm lắm vì bạn kinh doanh rất nhiều thứ. Tôi không hiểu vốn của bạn bao nhiêu, kinh doanh lời lỗ ra sao. Tôi không biết việc xử lý tài sản bảo lãnh sẽ ra sao, nếu như bạn tôi không trả nợ ngân hàng?

Xin hỏi, tôi phải làm gì, tôi có đi kiện được không; nếu kiện thì có lợi hay có hại? 

Thắc mắc của bà được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) trả lời như sau:

- Thông tin mà bà hỏi chưa rõ, hợp đồng vay tiền của người bạn bà bao nhiêu; tài sản của bà bảo lãnh là chung cho cả hợp đồng vay tiền, hay chỉ bảo lãnh cho một món vay theo phụ lục hợp đồng. Do vậy, trường hợp này chúng tôi chỉ tư vấn chung cho bà.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 339 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bão lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ”.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1, Điều 342 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó”.

Đối chiếu quy định trên, trường hợp nếu trong hợp đồng vay có ghi nội dung thỏa thuận giữa bà, ngân hàng và bạn của bà là “... bên bão lãnh chỉ thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ”, điều này đồng nghĩa với việc dùng tài sản của bà bảo lãnh, chỉ khi nào bạn của bà không có khả năng trả nợ thì ngân hàng mới phát mãi tài sản của bà để thu hồi nợ.

Như vậy, nếu hợp đồng vay có nội dung này thì bà an tâm. Bà chỉ bị mất tài sản chỉ khi nào bạn của bà bị phá sản và không có khả năng trả nợ.

Trong trường hợp, nếu hợp đồng vay không ghi nội dung (nêu trên) thì ngân hàng sẽ phát mãi tài sản của bà (người bảo lãnh vay) bất cứ lúc nào. Trường hợp này thì bà cần nên thương lượng với bạn của bà sớm nhất để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Nếu bạn của bà không trả nợ, thì bà có thể khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết hoặc dùng tiền riêng của mình để trả nợ ngân hàng nhằm lấy lại sổ nhà và đất về.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN