 |
Sầu riêng - trái cây đặc sản của Chợ Lách. |
Cách nay không lâu, tại một hội thảo bàn về hướng phát triển cho trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long,được tổ chức tại huyện Chợ Lách, nhiều nhà khoa học và bà con nông dân Chợ Lách nói riêng, Bến Tre nói chung đã bàn luận sôi nổi theo nhiều cảm nhận khác nhau, nhưng cùng chung mục đích làm thế nào cho trái cây BếnTre được tiêu thụ mạnh trên thị trường, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, vấn đề cần bàn là khi Việt Nam gia nhập WTO , thì nhà vườn Bến Tre phải làm gì; khả năng “ăn hàng” nông sản của Việt Nam và Trung Quốc như thế nào trong tình hình hiện nay; giải pháp nào cho trái cây đồng bằng sông Cửu Long hội nhập tốt hơn; trái cây nhiệt đới Việt Nam có bị thua trên sân nhà không?...
Theo tài liệu nghiên cứu mới nhất, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu thông tin đến hội thảo như sau: diện tích cây ăn quả đồng bằng sông Cửu Long gần đây có tăng hơn, do hiệu quả cao hơn trồng lúa (trung bình tăng 9%/ năm). Chất lượng trái cây cũng đã được cải thiện rõ. Chủng loại trái ngon ngày càng nhiều , như : Sầu riêng Ri-6, sầu riêng Chín Hoá, bưởi da xanh, xoài cát, nhãn xuồng…Mới đây, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thông qua quy hoạch trái cây đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ năm 2006.
Tuy nhiên, tình hình phát triển cây ăn trái mấy năm gần đây cũng còn những tồn tại chính , bởi cây giống vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, diện tích cây có múi tăng mạnh nhưng tỷ lệ nhiễm bệnh cao, diện tích cây ăn quả tăng nhanh nhưng vẫn là vườn tạp, mỗi thứ một ít, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không theo hướng dẫn, nên nhiều loại trái ngon bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá mức cho phép ; công nghệ sau thu hoạch còn rất kém; bao bì lạc hậu;chợ trái cây bán sĩ chưa có đấu giá; chưa có phòng giám định nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; cơ sở hạ tầng phục vụ đầu ra còn thiếu như: giao thông, kho mát…hệ thống thông tin thị trường và hệ thống phân phối chưa tốt.
Đặc biệt , Hợp tác xã gần như chỉ là phong trào, chưa có nhiều mô hình được chứng nhận EUREPGAP, trừ thanh long ở Bình Thuận. Hiệp định kiểm dịch thực vật chưa ký với Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand… nên chưa xuất khẩu trái cây; tiêu chuẩn sản xuất an toàn chưa được công bố ; nhà vườn chưa thấy sự cần thiết tham gia HTX, nên số lượng trái cây nhỏ bé không đủ giao cho siêu thị ; do làm ăn riêng lẻ, chất lượng trái không đồng đều, không có HTX, các siêu thị cũng không biết phải liên hệ với ai. Họ không thể đến từng nhà mà họ cần biết đầu mối để liên hệ thu mua.