Trải nghiệm đời quân ngũ

08/08/2011 - 08:17

Nắng hè miền biển như cắt da nhưng không làm các chiến sĩ nhỏ ngừng say sưa trên thao trường. Quân phục, súng AK, những tư thế vận động trên chiến trường, chiến thuật chiến đấu bộ binh và cả những nội quy sinh hoạt thường nhật… là những trải nghiệm thú vị của 22 chiến sĩ tham gia học kỳ trong quân đội. Để rồi, những “anh chàng, cô nàng” quen được nuông chiều trong vòng tay ba mẹ đã thấy mình lớn hẳn, vỡ òa với niềm tin, sự tự hào của chính bản thân khi nhận ra “mình có thể tự làm được rất nhiều việc”!

Tập ngắm súng.

Kỹ thuật, chiến thuật quân sự cơ bản, rèn luyện kỹ năng sống, nội quy sinh hoạt cá nhân… được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc và chính xác đến từng phút. Răm rắp từ 5 giờ sáng đến tận 9 giờ tối, 5 ngày trải nghiệm thật sự là thử thách với các em học sinh tại kỳ học này. Vượt qua những trở lực dù rất đời thường nhưng với các em là cả một kỳ công. Đã có những giọt nước mắt vì nhớ nhà, những lo lắng vì sợ trễ giờ, những bỡ ngỡ đến vụng về khi lần đầu giặt quần áo, rửa chén…, nhưng chỉ chưa đầy 2 ngày, từng chiến sĩ nhỏ đã bắt nhịp cùng nề nếp quân ngũ. Thượng úy Huỳnh Trung Dũng, Đại đội trưởng Đại đội 19 - đơn vị huấn luyện lớp học kỳ trong quân đội, khá bất ngờ trước sự thích nghi, chuyển biến rất nhanh của các em. Thượng úy Dũng nói, thường các tân binh phải mất ít nhất một tuần, nhưng các chiến sĩ của khóa học đặc biệt này làm quen được môi trường mới chỉ sau hai ngày.

Vẫn tinh nghịch tuổi học trò, hỏi cảm xúc lần đầu mặc quân phục, tất cả đồng thanh: “Quá nóng!”. Còn lần đầu vác súng? Lại cùng đồng thanh cùng tiếng cười giòn giã: “Quá nặng!”. Vâng, súng tiểu liên AK quả là “quá nặng” với các em tuổi 13-15, đặc biệt với các bạn nữ. Tháo lắp súng là… chuyện nhỏ nhưng mang vác súng để thực hiện các tư thế vận động trên chiến trường là thách thức. Phát - chiến sĩ nhỏ tuổi nhất khóa (học lớp 6) hay nữ chiến sĩ Vi (lớp 7) không thể nào một tay cầm súng để mà lăn, lê, bò, trườn… Thượng úy Huỳnh Trung Dũng cho biết thêm, mục tiêu huấn luyện là giúp các em hiểu và thực hành cơ bản một số kỹ thuật chiến đấu bộ binh nên có những kỹ thuật phải uyển chuyển để phù hợp với lứa tuổi các em.

Rèn luyện kỹ năng sống chính là mục tiêu cốt lõi của khóa huấn luyện này. Trên thao trường, chỉ huy hỏi “các đồng chí rõ không?”. Thay vì có hoặc không, nhưng đó lại là câu trả lời rất… teen: “Hên xui!”. Vậy là hít đất. Chiến sĩ nhỏ tuổi nhất tên Phát được đánh giá rất thông minh, nhanh nhẹn nhưng cũng là người bị phạt nhiều nhất vì lỗi “phát ngôn bừa bãi”. Phát bẽn lẽn: Nói trổng không, nói nhiều là điều em được nhắc nhiều nhất, bị phạt nhiều nhất. Chưa sửa được nhưng em hiểu ra đó là điều không hay, là tật phải sửa của mình.

Xa nhà, lần đầu sống tập thể và có những buổi sinh hoạt, những khoảnh khắc để các em lắng đọng, tự nhìn lại chính mình. Viết nhật ký hay các buổi sinh hoạt theo chủ đề: tự thích nghi, gắn kết, hát cho yêu thương, giã từ sự gian dối, làm quà tặng mẹ… là cách để các em rèn luyện kỹ năng sống. Trải lòng cùng trang nhật ký mỗi tối trước khi ngủ, các em như đang khám phá chính mình. Có em bộc bạch: “Lần đầu tiên giặt đồ, sao mà ghê quá chừng, khó quá chừng. Vậy mà mẹ phải giặt đồ cho mình mỗi ngày. Mình thương mẹ quá!”. Bạn khác thì “Làm việc nhà cũng đâu có khó. Vậy mà trước nay mình không làm vì lười chứ đâu phải vì không biết làm!”. Hay “Mình thích chơi game lắm, mình vẫn hay lén ba mẹ chơi game, mình thấy hối hận quá!”…

Chị Võ Thị Phương Diệu - cán bộ Tỉnh Đoàn, điều phối viên phụ trách nhóm 9 chiến sĩ nữ kể, sau đêm đầu tiên ngủ ở đơn vị, buổi sáng đầu tiên các em đi tập hợp để lại phòng ngủ như… bãi chiến trường. Quần áo, chai nước, sữa, lược là… vứt đầy ra giường, thậm chí có cái còn vắt vẻo nửa trên nửa dưới. Nhưng đến ngày thứ 2, các em biết tự sắp xếp và mọi thứ gọn gàng hẳn. Cũng trong ngày đầu, mỗi em tự giặt đồ riêng nên không kịp giờ ăn. Sang ngày thứ 2, các em đã biết cùng phân việc theo nhóm: 2 em giặt, 2 em vắt, 2 em phơi…

Lần đầu tiên tổ chức khóa học đặc biệt, Đại đội huấn luyện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đóng quân tại xã An Thủy, Ba Tri), đã chuẩn bị cẩn trọng từ kỹ thuật huấn luyện đến hậu cần. Đại úy Ngô Duy Bảo - Chính trị viên Đại đội huấn luyện cho biết, đây là lần đầu tiên đơn vị huấn luyện có chiến sĩ là nữ. Vì vậy việc sắp xếp lại phòng nghỉ, khu vệ sinh cũng phải được phân lại theo khu vực riêng. Ngày đầu tiên, đơn vị phát phiếu để các em liệt kê những món không ăn được, món bị dị ứng và sau mỗi ngày, đơn vị và cán bộ điều phối của Tỉnh Đoàn đều ngồi lại để thống nhất thực đơn sao cho đảm bảo đủ chất, đồng thời phù hợp với khẩu vị của các em.

Không kỳ vọng điều gì lớn lao với chỉ 5 ngày huấn luyện, nhưng ít nhất các em cũng được trải nghiệm, được rèn luyện ý thức kỷ luật, tính tự lập, tự thể hiện chính mình. Không quá khắt khe theo khuôn mẫu “kỷ luật thép” nhưng các em đã được tập làm quen với nề nếp. “Ngày đầu tiên các em còn đi thong dong, bước chậm khi nghe hiệu lệnh. Ngày thứ 2 các em đã bước nhanh hơn, biết chạy. Buổi sáng đầu tiên tập hợp trễ giờ vì ráng ngủ nướng một tí, vệ sinh cá nhân chậm một tí hay chẳng biết xếp mùng ngủ cho mình. Buổi sáng ngày thứ 2, các em đã tự dậy sớm hơn, chuẩn bị chu đáo, gọn gàng hơn… Đó là thành công, thành công vượt lên chính mỗi cá nhân các em” - Đại úy Ngô Duy Bảo chia sẻ.

 

Bài, ảnh: Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN