Trăn trở An Đức

30/06/2009 - 09:32
Đoàn học sinh - sinh viên thành phố về viếng thăm khu di tích Nguyễn Đình Chiểu.

Có tiềm năng phát triển về du lịch nhưng đến nay, An Đức vẫn còn là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Ba Tri. Làm thế nào để An Đức xây vừa phát huy tiềm năng, vừa xây dựng thành công Xã Văn hóa vào tháng 6-2010 như dự kiến?

Xây dựng Xã Văn hóa từ trong nghèo khó

Xã An Đức hiện có 139,24 ha diện tích tự nhiên được chia làm hai vùng: vùng trồng một vụ lúa gắn với nuôi thủy sản (tôm sú), vùng còn lại trồng hai vụ lúa gắn với vụ màu. Xã hiện còn 539 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 29,61 %. Để ổn định kinh tế và xây dựng các thiết chế Xã Văn hóa, ông Huỳnh Đức Nhân- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chúng tôi sẽ tập trung phát triển kinh tế bằng cách hướng đến trồng hai vụ lúa gắn với vụ màu; ra sức vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hoá từ trong xóm, ấp. Cụ thể như: vận động bà con về bảo vệ môi trường, xây hố xí để đảm bảo vệ sinh, tạo cảnh quan thông thoáng, xanh đẹp. Cán bộ, đảng viên là những người tiên phong”.

 

Trong các thiết chế văn hóa, hệ thống giao thông nông thôn là một trong những yêu cầu thiết yếu đã được Đảng bộ và nhân dân An Đức tập trung nâng chất.  Cầu, đường ở các tuyến lộ chính đã được trải bê-tông bằng công tác vận động từ nhiều nguồn trong và ngoài xã. Ngoài hai cây cầu trong hệ thống giao thông chính là cầu Rừng Giá ở ấp 8 do Sở Thủy sản đầu tư (kinh phí hơn 700 triệu đồng) và cầu Đặng Văn Thành ở ấp 7 do Trung ương Đoàn trao tặng, xã còn vận động một số mạnh thường quân và bà con trong xóm ấp cùng góp sức để xóa dần cầu khỉ. Gần 1.000m lộ bê-tông ở ấp 7 và ấp 8 của xã đã được dự án “Giảm nhẹ thiên tai” của Ngân hàng Thế giới tài trợ đang được xây dựng và sắp đưa vào sử dụng. Công trình trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đã bàn giao và đưa vào sử dụng đầu năm 2009. Xã đã thành lập 7 tụ điểm văn hóa, 7 câu lạc bộ TDTT ở 7 ấp, hiện có 72 tổ NDTQ, có 100% ấp được công nhận Ấp Văn hóa.

 

An Đức có thể phát triển về du lịch?

Cách trung tâm Thị trấn 2km về phía Nam, khu mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại xã An Đức đã được trùng tu uy nghiêm, mở rộng thành khu di tích, là nơi thờ tự và là điểm tham quan của rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Nếu trước đây, “lâu lâu” mới có một đoàn khách đến tham quan thì nay -  nhất là từ khi cầu Rạch Miễu hoàn thành- lượng khách đến đây đã tăng mạnh. Ông Trần Văn Nghĩa- cán bộ quản lý khu di tích cho biết: “Thời gian gần đây, khách đến tham quan khu di tích số lượng rất đông, hầu như ngày nào cũng có. Có ngày hơn 10 đoàn khách. Thế nhưng, xung quanh khu di tích vẫn chưa có  các dịch vụ kèm theo, ngoài một vài chiếc xe nước mía bên cạnh vài ba cái ghế nhựa sờn. Chị Ngọc Anh ở P.4 – Q.8 – TP. Hồ Chí Minh đến tham quan khu di tích cho rằng: Nếu ở đây có được các dịch vụ thì tôi nghĩ sẽ hay hơn. Bà Trịnh Thị Thanh Vân - chuyên viên du lịch của Phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao của huyện Ba Tri cho biết: “Sở VHTT & DL có công văn về việc chuẩn bị mở rộng các khu di tích trên địa bàn huyện Ba Tri (trong đó có khu di tích cụ Nguyễn Đình Chiểu), UBND huyện Ba Tri cũng đã có công văn gửi ngành chức năng trình bày về hiện trạng của khu di tích này. Ở đây, do không gian hẹp, ngoài khu nghi thức ra không có chỗ vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa ngoài trời, do đó, huyện đã có dự kiến xin  mở rộng 11.366m2 để phục vụ nhu cầu trên”. Hiện nay, huyện đã đầu tư và đang tiến hành mở rộng đường tránh từ ngã ba An Bình Tây vào khu di tích Nguyễn Đình Chiểu, cố gắng trong năm nay hoàn thành, góp phần tạo điều kiện thuận tiện cho khách đến tham quan.

 

Đã có một di tích lịch sử cấp quốc gia hiện hữu, được nhiều người biết đến nhưng nơi ấy vẫn còn là một xã nghèo- một điều thật đáng trăn trở. An Đức hoàn toàn có cơ hội thoát nghèo, vấn đề là thời gian và việc thực thi các dự án đã được hoạch định để giúp An Đức từng bước

phát triển.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN