Thực hiện
đạt hiệu quả bằng tổng lực
Thực hiện Đề án 6227 của UBND tỉnh, UBND huyện
Mỏ Cày Nam đã xây dựng Kế hoạch số 125 về việc thực hiện Đề án tái cơ cấu, Kế
hoạch số 126 về việc thực hiện liên kết “4 nhà” trên một số sản phẩm nông nghiệp
giai đoạn 2014-2015. Mục tiêu hướng đến là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền
vững cả về tự nhiên và xã hội, đảm bảo môi trường sản xuất nông nghiệp và nông
thôn trong sạch; phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và chất
lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;
góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Qua triển khai, các cơ quan, ban, ngành, đoàn
thể huyện, các xã, thị trấn và nhân dân nắm rõ: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là
tổ chức, sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp theo hướng kết hợp giữa chiều rộng với
chiều sâu, quy hoạch vùng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng giá
trị sản phẩm. Các xã, thị trấn đã tùy theo điều kiện của từng địa phương, xây dựng
các kế hoạch cho thật sát thực và phù hợp với đặc điểm từng vùng. UBND huyện
cũng đã tham mưu Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 07 về việc nhân rộng mô hình phát
triển kinh tế có hiệu quả, Chỉ thị số 09 về việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu
ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2015 và hướng đến
năm 2020. Trên cơ sở đó, việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
ở huyện Mỏ Cày Nam đã tiến hành bằng cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Thời gian qua, huyện thu hút được nhiều nguồn
vốn, đã tổ chức 3 cuộc tọa đàm nông nghiệp và 268 lớp tập huấn chuyển giao khoa
học kỹ thuật, sinh hoạt câu lạc bộ nông dân trên lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt,
thủy sản với 7.426 lượt người tham dự; tổ chức 4 lớp dạy nghề nông nghiệp cho
89 học viên lao động nông thôn tại xã Thành Thới B, Bình Khánh Tây, Tân Trung,
Cẩm Sơn với tổng kinh phí trên 126 triệu đồng. Thực hiện có hiệu quả một số mô
hình như trồng xen bưởi da xanh, mãng cầu xiêm trong vườn dừa, nuôi ong ký
sinh, mô hình khắc phục hiện tượng dừa treo trái, nuôi lươn sinh sản; dự án hỗ
trợ giống dừa dứa, bưởi da xanh cho người nghèo; dự án hỗ trợ nông nghiệp
các-bon thấp; dự án cải tạo vườn dừa kém hiệu quả.
Hiện nay, diện tích cây ăn trái đạt 1.590ha,
trong đó diện tích trồng xen 1.490ha, trồng chuyên 100ha, diện tích đã thu hoạch
1.150ha, sản lượng ước đạt khoảng 10.000 - 12.000 tấn/năm. Dự kiến đến năm
2020, diện tích cây ăn trái đạt 1.700ha, trong đó có 200ha trồng chuyên, với
các cây chủ lực là: bưởi da xanh, mãng cầu xiêm ở các xã Cẩm Sơn, An Thới,
Thành Thới A, Tân Trung, Minh Đức, An Định. Khai thác triệt để các vùng đất giồng
tại các xã An Thạnh, Đa Phước Hội, Tân Trung, An Thới, An Định để chuyển sang
trồng cây ăn trái.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, cơ cấu theo hướng
tăng dần tỷ lệ heo trong đàn vật nuôi. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và ứng
dụng công nghệ cao từ khâu chọn giống, chuẩn bị chuồng trại, thức ăn, quy trình
chăm sóc đến công tác vệ sinh an toàn dịch bệnh để nâng cao năng suất và chất
lượng sản phẩm. Tổ chức chăn nuôi heo theo mô hình liên kết, gắn kết chặt chẽ
chuỗi giá trị và đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi để nâng cao giá trị gia
tăng. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào các mô hình sản xuất và bảo vệ môi
trường, kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, hỗ trợ và khuyến khích áp dụng chăn
nuôi ứng dụng công nghệ sinh học, mô hình nuôi gà thả vườn tập trung tại các xã
Tân Trung, Minh Đức, Định Thủy, An Thới, Tân Hội để vừa tạo mô hình sinh kế vừa
tăng thu nhập cho hộ nông dân.
Thực hiện các chính sách ưu đãi và khuyến
khích đầu tư phát triển kinh tế trang trại, ngày càng có nhiều hộ chăn nuôi với
quy mô lớn và nhận thức được kinh tế trang trại là hướng đi đúng trong chăn
nuôi hiện nay. Huyện còn khuyến khích, vận động nhân dân phát triển sản xuất đi
đôi với bảo vệ môi trường, xây dựng hầm biogas. Tính đến nay, toàn huyện có 98
trang trại được cấp giấy chứng nhận.
Trong xu thế hội nhập kinh tế, nhu cầu liên kết
hợp tác trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết. Huyện đang chỉ đạo củng cố
lại các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hiệp hội kinh tế trang trại,
phát triển các loại hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp cho
nông dân đứng vững được trước những tác động của kinh tế thị trường thời hội nhập.
Hiện nay, toàn huyện hình thành được 50 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp.
Còn đó
nhiều nỗi băn khoăn
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng Phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông
nghiệp ở một số nơi còn chậm, do thiếu sự chỉ đạo tập trung, phân công trách
nhiệm chưa rõ ràng, còn lúng túng trong biện pháp triển khai thực hiện. Ngoài
ra, còn do ảnh hưởng từ một số yếu tố khách quan như giá cả các mặt hàng nông sản
chủ lực trong các năm qua ở mức thấp, đã ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng tái
đầu tư sản xuất của nông dân.
Chuyển dịch cây trồng, vật nuôi tuy diễn ra
tích cực và đúng hướng nhưng chưa bền vững. Các chương trình, dự án được triển
khai nhiều nhưng kết quả thực hiện chưa cao. Nhiều diện tích vườn, mương chưa
được khai thác triệt để và có hiệu quả. Sản xuất chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ,
chất lượng sản phẩm còn thấp, giá thành còn cao, việc xây dựng thương hiệu nông
sản chưa được quan tâm đúng mức trước yêu cầu hội nhập kinh tế. Công tác quản
lý giống cây trồng, vật nuôi chưa thực hiện tốt theo pháp lệnh của Nhà nước.
Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật có tập trung thực hiện nhưng chưa theo kịp
yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại
hóa. Việc huy động các nguồn lực khá đồng bộ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển
đổi cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa.
Nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển của Nhà
nước có hạn trong khi yêu cầu thì rất lớn và đa dạng. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật
ít, trình độ và năng lực còn những mặt hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu
phát triển nông nghiệp trong thời đại mới. Việc cụ thể hóa đề án và tập trung
chỉ đạo thực hiện ở một số địa phương chưa cao, nhất là việc thực hiện các dự
án phát triển kinh tế còn chậm. Giá cả thị trường biến động, nhiều loại vật tư
tăng giá rất cao nên ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển sản xuất. Trong nhân
dân vẫn còn một bộ phận có tư tưởng sản xuất nhỏ, tâm lý e ngại, lo lắng sản phẩm
làm ra tiêu thụ khó khăn nên chưa mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Đó là những
khó khăn trong quá trình thực hiện đề án, cần tập trung tháo gỡ trong thời gian
tới. Dù tạo chuyển biến bước đầu nhưng vẫn còn những trăn trở, nếu không có sự
quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì sẽ khó đạt được mục tiêu đề án đề ra.
“Việc sắp xếp lại cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Mỏ Cày
Nam tập trung phát triển chủ yếu cây dừa và con heo. Hiện nay, chúng tôi xác
định được chuỗi liên kết giữa chúng và đang từng bước triển khai. Đó là sản
xuất theo hướng tiêu chuẩn dừa hữu cơ sinh học và nuôi heo ở trang trại tập
trung. 2 mô hình này có mối quan hệ hỗ tương và giải quyết tốt những vấn đề của
nhau. Nhu cầu phân hữu cơ trong vườn dừa hữu cơ sẽ giải quyết tốt vấn đề ô
nhiễm môi trường trong chăn nuôi; nếu nạn ô nhiễm môi trường được khắc phục,
đàn heo của Mỏ Cày Nam sẽ còn phát triển nhanh hơn. Sản phẩm của 2 mặt hàng
chủ lực này sẽ có đầu ra ổn định và mang tính bền vững, phù hợp với thị trường
hội nhập hiện nay” - Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng phân tích.
|