Trang bị cho lao động nông thôn “cần câu”

24/07/2011 - 16:42
Thạc sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi.

Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Bến Tre là một trong những tỉnh được chọn làm điểm để triển khai thực hiện Đề án này. Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi đăng ký và được tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các lớp dạy nghề nhằm trang bị cho học viên kiến thức như “chiếc cần câu” để khi trở thành lao động có tay nghề, học viên có thể tham gia làm việc hoặc tự tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Thạc sĩ Nguyễn Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi cho biết:

- Năm 2010, Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi được Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” phân bổ kinh phí 500 triệu đồng và đã mở 16 lớp đào tạo 11 nghề cho 250 học viên ở nông thôn. Năm 2011, Trường được phân bổ kinh phí 800 triệu đồng và có kế hoạch mở 21 lớp đào tạo nghề cho 400 lao động nông thôn. Đến thời điểm này, Trường đã mở được 8 lớp, với các nghề đào tạo như: may công nghiệp, chăn nuôi thú y, bonsai cây kiểng, nấu ăn, làm bánh kem… Trung bình mỗi lớp đào tạo từ 25 đến 35 học viên.

Xin ông cho biết nét mới trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh?

- Người lao động tham gia học nghề được hỗ trợ chi phí mua tài liệu, dụng cụ học tập, vật tư thực hành, không phải đóng học phí. Riêng học viên thuộc diện gia đình chính sách được hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày. Nhà trường đã nhất quán đây là chủ trương lớn của Chính phủ nên có ý thức trách nhiệm cao trong tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trước khi tiến hành mở lớp đào tạo nghề, công nhân viên phụ trách tuyển sinh và giới thiệu việc làm của Trường đã đến phối hợp với đoàn thể của các xã để nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động; qua đó, tư vấn, hướng dẫn họ làm hồ sơ đăng ký học nghề. Phần lớn các lớp đào tạo nghề được mở tại xã để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học. Nhà trường vận chuyển dụng cụ thực hành đến lớp học để học viên vừa học lý thuyết vừa thực hành. Nhận thức của người học nghề về nghề đăng ký theo học được nâng lên. Qua theo dõi các khóa đào tạo, có trên 80% người lao động xin được việc làm và tự tạo việc làm cho bản thân. Cụ thể học viên học nghề may công nghiệp được các doanh nghiệp may mặc ở Khu Công nghiệp Giao Long hoặc ngoài tỉnh nhận vào làm việc. Học viên tham gia khóa đào tạo nâng cao tay nghề bon-sai hoa kiểng tham gia làm thuê cho các cơ sở sản xuất cây giống hoặc tự mở cơ sở sản xuất cây giống, nhận sửa, chăm sóc cây kiểng cho các cơ quan, đơn vị. Học viên học nghề nấu ăn tự mở quán ăn hoặc nhận nấu đám tiệc ở nông thôn. Học viên học nghề nuôi gà thịt, tự mở trang trại nuôi gà tại gia đình, tạo thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chính sự thiết thực của nghề đào tạo nên ngày càng có nhiều lao động nông thôn đăng ký tham gia học nghề. Một số học viên có độ tuổi vượt quy định, cũng thiết tha xin được học nghề.

Đâu là khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn?

- Người dân nông thôn đang có nhu cầu được học các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thiết thực, dễ tìm việc hoặc tự tạo được việc làm. Năm 2011, Bến Tre được thí điểm cấp thẻ học nghề. Đối tượng tham gia học các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp phải qua các trình tự như: đến gặp cán bộ phụ trách công tác thương binh - xã hội xã đăng ký nhu cầu học nghề, sau đó cán bộ Thương binh - Xã hội xã lập danh sách gởi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện xác nhận và gởi lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh xem xét cấp thẻ ghi rõ nghề học và trường đào tạo. Về phía trường, khi có danh sách, học viên sẽ được cấp thẻ học nghề tại trường. Sau đó, trường tiến hành lập dự trù kinh phí gởi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt và tiến hành mở lớp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ mở lớp đào tạo nghề nông thôn chậm hơn năm 2010.

Hiện có 8 nghề đào tạo, kinh phí được khoán mức trần. Nếu được mở rộng đến các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp thì việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ thuận lợi hơn.

Xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN