Tranh chấp đất thổ mộ bị lấn chiếm

18/04/2021 - 19:19

Ông Nguyễn Bá Định có nhu cầu tư vấn: Dòng họ tôi có phần đất thổ mộ 1.200m2 (đã hơn 50 năm) nằm cặp theo lộ xã. Năm 2005, thấy bà A có hoàn cảnh khó khăn nên bác tôi cho bà cất chòi tạm bán tạp hóa trên đất này, diện tích khoảng 40m2 (ở sát lộ). Năm 2015, bà A làm nhà tiền chế trên đất này. Gia đình tôi yêu cầu bà trả đất nhưng bà không đồng ý và tiếp tục sử dụng cho đến nay.

Đất thổ mộ này do bác ruột tôi đứng tên, nay bác tôi đã mất và sổ đỏ đã bị thất lạc. Xin hỏi: Gia đình tôi phải làm sao để đòi lại đất thổ mộ đã bị lấn chiếm?

Thắc mắc của ông được luật sư Nguyễn Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Việc bác của ông cho bà A cất chòi tạm trên phần đất thổ mộ của họ tộc vào năm 2005 để bán tạp hóa. Do ông không nói rõ giữa các bên có làm hợp đồng cho cất nhà tạm trên phần đất nói trên hay không? Nếu có hợp đồng thì căn cứ theo nội dung hợp đồng thực hiện. Trường hợp chỉ thỏa thuận miệng mà bên bà A không có chứng cứ, chứng minh bác ông cho ở lâu dài thì bác ông hoặc những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của bác ông có quyền khởi kiện yêu cầu đòi lại phần đất trên theo quy định tại Khoản 1 Điều 166 của Bộ luật Dân sự năm 2015: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”.

Tuy nhiên, do phần đất thổ mộ này do bác ông đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện nay giấy chứng nhận đã bị thất lạc và bác ông cũng đã mất. Do vậy, để đủ điều kiện khởi kiện ra tòa án, ông phải tiến hành thu thập một số tài liệu, chứng cứ cần thiết sau đây:

- Trích lục họa đồ thửa đất thổ mộ.

- Trích lục bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bác ông (nếu có).

- Xác nhận những người kế thừa, quyền nghĩa vụ tham gia tố tụng của bác ông (các con của người bác) để đứng đơn khởi kiện.

Trường hợp bác ông không có người kế thừa quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng thì ông phải chứng minh phần đất thổ mộ này là của họ tộc và xác nhận những người trong họ tộc còn lại gồm những ai để cùng đứng ra tranh chấp. Sau đó, có thể cử đại diện ủy quyền tham gia tố tụng tại tòa án. Khi có đơn khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết (tòa án nơi có đất tranh chấp) thì ông sẽ được hướng dẫn đầy đủ hơn.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN