
Bến Thạnh Phong - nơi đoàn tàu không số cập bến. Ảnh: H. Mai
Bến tàu không số huyền thoại
Tại đây, vào đầu tháng 4-1946, Khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre quyết định tổ chức mở tuyến đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển (sau này là đường Hồ Chí Minh trên biển). Chuyến mở đường lịch sử do đồng chí: Đào Công Trường, Tư lệnh khu 8 - Trưởng đoàn cùng các đồng chí Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Thị Định vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình kháng chiến ở Nam Bộ và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Sau 7 ngày thuyền lênh đênh trên mặt biển, các đồng chí đã vượt qua bao khó khăn, ra đến miền Bắc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Từ chuyến mở đường lịch sử đó, tại vùng đất Thạnh Phong đã hình thành bến tàu không số huyền thoại, nơi tiếp nhận vũ khí từ đoàn tàu không số vận chuyển từ Bắc vào Nam bằng đường biển. Tháng 8-1960, tại bến Thạnh Phong, chiếc tàu của tỉnh Bến Tre gồm 8 đồng chí do đồng chí Lê Công chỉ huy đã vượt biển ra Bắc có nhiệm vụ mở đường vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào Khu 8 và tỉnh Bến Tre. Sau 2 năm học tập tại miền Bắc, tháng 11-1962, chiếc tàu này chở 75 tấn vũ khí về miền Nam thành công. Ngày 17-6-1963, chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên cập bến Thạnh Phong, và chỉ sau hai đêm, gần 100 tấn vũ khí, hàng hóa đã được bốc dỡ cất giấu và trung chuyển an toàn.
Ông Huỳnh Phước Hải (79 tuổi), cựu thủy thủ trên tàu không số nhớ lại: “Năm 1961, khi tôi mới 21 tuổi đã được tuyển chọn tham gia đoàn tàu không số vượt biển ra Bắc do thông thuộc địa hình ven biển, bơi lội giỏi. Sau khi ở lại để học tập, huấn luyện thì đến năm 1962 chở chuyến vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau đó tôi tham gia 7 chuyến tàu nữa với bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm, nhiều đồng đội đã hy sinh. Không chỉ riêng bến Thạnh Phong, đoàn tàu không số còn nhận nhiệm vụ vận chuyển rất nhiều vũ khí ở các bến Vũng Tàu, Cà Mau, Trà Vinh…”.
Khi vũ khí từ miền Bắc vận chuyển vào đất liền được quân và dân tại bến tiếp nhận, đưa vào vùng căn cứ. Đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là A101 - Bến Bến Tre, được thành lập theo Quyết định của Quân ủy Trung ương vào ngày 19-9-1962. Đơn vị này mang bí số B3, trực thuộc Đoàn 962/Đoàn vận tải 759 của Bộ Quốc phòng (sau là Lữ đoàn Hải quân 125). Nơi đây có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu từ ngày thành lập cho đến khi kết thúc nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào vùng căn cứ. Trong thời gian từ tháng 6-1963 đến tháng 11-1970, có 28 chuyến tàu cập bến Bến Tre, gần 400 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia đoàn tàu và hơn 600 cán bộ, chiến sĩ tham gia tiếp nhận, vận chuyển, cất giấu vũ khí. Trong số gần 1.500 tấn vũ khí, vật chất được đơn vị A101 - Bến Bến Tre tiếp nhận tại đầu cầu xã Thạnh Phong có chưa tới 5% lượng vũ khí, vật chất bị thất thoát.
Đại tá Lê Minh Trí (nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 962, Quân khu 9) hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thạnh Phong nhớ như in những ngày hào hùng của quân và dân ta ngay bến tàu không số huyền thoại. Ông Trí kể lại: “Tháng 11-1964, chiếc tàu không số vận chuyển vũ khí cập bến bị mắc cạn ngoài đầu cồn. Trước tình thế cấp bách, ông Mười Nghiệp (Phạm Văn Nghiệp - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 518, trực thuộc Trung đoàn 962 - Quân khu 9) lên bờ gặp cha tôi là ông Lê Thanh Sử (lúc đó là Bí thư chi bộ ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Phong) để nhờ huy động lực lượng ra vận chuyển vũ khí đem cất giấu. Trong ngày đầu, lực lượng quân và dân trong xã vận chuyển không hết nên huy động thêm các xã lân cận làm việc suốt 5 ngày liền mới đưa toàn bộ vũ khí vào nơi an toàn”. Sau chuyến vận chuyển vũ khí lịch sử đó, ông Trí đã tham gia vào lực lượng bộ đội chiến đấu tại địa phương tới ngày giải phóng rồi tiếp tục tham gia chiến đấu giúp nước bạn Campuchia. Đến năm 1985, ông được điều về Quân khu 9 công tác cho đến khi về hưu vào năm 2005. Bến tàu không số là nơi hun đúc tinh thần yêu nước để chàng thanh niên trẻ này tham gia cách mạng, chiến đấu giải phóng dân tộc và khi về hưu ông lại trở về để tiếp tục góp một phần công sức xây dựng quê hương.
Sức sống của rừng
Những ngày đầu tháng 8-2019, tôi về vùng đất Thạnh Phong xưa (nay là xã Thạnh Hải và Thạnh Phong) để gặp những người từng sinh sống, chiến đấu tại bến tàu không số huyền thoại. Bên căn nhà nhỏ, ông Nguyễn Văn Khuê (sinh năm - SN 1944, từng là cán bộ đơn vị A101) cùng vợ là bà Trần Thị Anh (SN 1946) sống cuộc đời bình dị, hạnh phúc tại ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Hải. Cả hai vợ chồng ông Khuê đều gắn liền với bến tàu không số, với những cánh rừng ven biển trong suốt giai đoạn từ năm 1963 đến năm 1970 - khi bến tàu này hoàn thành sứ mệnh lịch sử tiếp nhận vũ khí. Ông được giao nhiệm vụ tiếp nhận, canh giữ các kho vũ khí dọc cánh rừng ven biển, còn vợ ông thì tiếp tế, làm dân công hỏa tuyến vận chuyển vũ khí đến nơi cất giấu an toàn. Ông Khuê nhớ lại: “Lúc đó, dọc cánh rừng ven biển Thạnh Phong có mấy chục kho vũ khí được cất giấu, canh giữ cẩn thận. Vũ khí được vận chuyển từ miền Bắc vào theo đường thủy sau khi cập bến được đưa về cất giấu trong các kho dọc cánh rừng. Cất giấu một thời gian sẽ tiếp tục được vận chuyển ra chi viện cho chiến trường. Hoạt động tiếp nhận, vận chuyển, cất giữ đều rất bí mật để đảm bảo an toàn tuyệt đối”. Sau giải phóng, ông Khuê về công tác tại địa phương một thời gian rồi nghỉ và trở thành một nông dân ở ngay vùng đất mình sinh ra và lớn lên. Bây giờ, cả 8 người con của ông đều có gia đình riêng, người làm công nhân, người làm cán bộ tại địa phương. Mỗi ngày, ông ra con kênh phía sau nhà đóng đáy bắt thủy sản rồi cùng vợ chăm sóc hơn công đất giồng cát trồng hoa màu rất an nhàn. Ông cho rằng, niềm vui lớn nhất trong cuộc đời là đất nước được thống nhất, xem như mình hoàn thành nghĩa vụ với quê hương.
Đến nhà thương binh 3/4, Nguyễn Văn Rừng (SN 1948) khi ông đang chăm sóc đàn bò hơn chục con phía sau nhà. Căn nhà tường kiên cố của ông ở ấp Thạnh Hòa (xã Thạnh Phong) sát bên vàm Khâu Băng - nơi bến tàu không số cập bến và ông cũng là người nhiều lần tham gia vận chuyển vũ khí. Ông Rừng kể lại: “Năm 1964, tôi là đoàn viên nên được huy động hàng trăm thanh niên tại xã Thạnh Phong và các xã lân cận đến đây vận chuyển vũ khí vào trong đất liền. Địa điểm bến Thạnh Phong rất thuận lợi để tàu cập bến vì xung quanh toàn rừng cây. Biết được điều này, năm 1964, bọn Mỹ, ngụy rải chất độc hóa học khiến toàn bộ khu rừng trụi lá rồi đốt cháy nhằm chặn đường vận chuyển vũ khí của ta. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi mưa xuống, lớp tro trở thành dưỡng chất giúp rừng xanh tốt và tiếp tục là nơi che chở an toàn cho quân và dân ta”. Sau mấy lần vận chuyển vũ khí, ông Rừng tham gia bộ đội đến ngày đất nước thống nhất.
Trong kháng chiến, ông Rừng bị thương, đến giờ vẫn còn nhiều mảnh đạn trong người nên hay bị đau nhức khi trái gió, trở trời. Dù bị thương, ông vẫn tiếp tục tham gia công tác với nhiều năm liền là Trưởng ấp, Bí thư chi bộ ấp Thạnh Hòa (Thạnh Phong). Gần đây, khi tuổi đã cao, ông Rừng không tham gia công tác nữa nhưng vẫn tích cực hoạt động xã hội, từ thiện tại xóm, ấp. Ông Rừng cho biết: “Sau giải phóng, vùng đất này vẫn còn hoang vu với 20 hộ dân trong ấp còn bám trụ lại. Sau đó, chính quyền đưa dân vô xây dựng kinh tế mới với hơn 100 hộ dân rồi đầu tư phát triển thủy lợi, làm đường, cho dân vay vốn để phát triển sản xuất. Bây giờ, toàn ấp đã có hơn 515 hộ sinh sống. Người dân nơi đây đang từng bước cải tạo vùng đất hoang hóa ngày xưa để chăn nuôi, trồng trọt. Kinh tế trọng tâm vẫn là nông nghiệp với mô hình nuôi tôm công nghiệp, trồng dưa hấu, xoài, hoa màu, nuôi bò…”.
(còn tiếp)
Lê Hoàng Trung