Trên những nẻo đường tôi đi

03/10/2014 - 07:48

Tháng 8-1973, tôi cùng một số anh em diễn viên của Đoàn Văn công giải phóng tỉnh, gồm: anh Vĩnh Xuân, anh Xuân Hòa, anh Chín Hạnh, bé Hiệp, Kim Hoa; Đoàn Văn công huyện: anh Sơn Đèo (Thạnh Phú), anh Tám Dân (Mỏ Cày), anh Năm Chiến (Châu Thành) và hai anh ở đơn vị khác ghép lại là anh Thanh Nghị (Tiểu ban Giáo dục), anh Văn Hai (cán bộ đơn vị phòng thủ tỉnh) cùng lên đường đi dự học các lớp văn hóa, nghệ thuật do Tiểu ban Văn nghệ (C.100) R mở ở Tây Ninh. Tiểu ban Văn nghệ phân công anh Vĩnh Xuân làm trưởng đoàn, Xuân Hòa và tôi (họa sĩ của Tiểu ban Văn nghệ Bến Tre) làm phó trưởng đoàn. Chuyến đi đã đọng lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng các thành viên.

Đêm qua lộ 4

Đó là đêm trăng non, ánh sáng lờ mờ yếu ớt tương phản với đoàn khách nhấp nhem, nhấp nhá, từng người cố bám theo nhau để vượt qua lộ 4 -  con lộ khét tiếng ác liệt với những trận phục kích của địch, xe tăng, xe nồi đồng tuần hành và bắn phá bất cứ lúc nào trong đêm.

Đến ven lộ bỗng nghe tiếng của người đàn ông hỏi: Có phải đoàn của Vĩnh Xuân chăng? Anh Vĩnh Xuân trả lời: Phải! Thế là ông bắt tay và đẩy từng người về phía bên kia lộ 4. Nhìn kỹ, té ra là ông trưởng trạm. Dù trời tối nhưng với ánh sáng ngược của trăng non, tôi thấy ông dong dỏng cao, tay chống gậy, bằng thứ cây gì không rõ, chỉ biết rằng ông có giọng trầm rất truyền cảm và đầy thuyết phục. Ông là vị chỉ huy của “đoàn quân” vượt lộ 4 đêm nay và ông đã kiểm soát bằng cách bắt tay cho đến người cuối cùng mới thôi.

Qua lộ 4, vượt xa cánh đồng và khi tới khu vườn lõm, ông “hạ lệnh” dừng lại nghỉ chân rồi đi tiếp. Chỗ này cách căn cứ khoảng 2 cây số, còn từ lộ 4 đến đây chỉ hơn 800m. Chỗ tạm nghỉ là mảnh vườn lõm nhỏ, xung quanh nhà vẫn có gốc rơm và mấy cây dừa lơ thơ trái. Bên trong nhà có rất nhiều người phụ nữ. Đó là những người trong Hội mẹ và Hội chị đã nấu nồi cháo vịt tàu 7 con để đãi các anh giao liên, đặc biệt đoàn khách Bến Tre lại là Đoàn Văn công giải phóng. Hỏi ra mới biết ông trưởng trạm tên Năm, lại thứ 5 và đã 56 tuổi nên mọi người thường gọi ông là ông già Năm.

Sở dĩ đích thân ông đi đón đoàn và tận tụy đối với từng người là nhờ cô Kim Hoa. Vì là nữ, nên cô Hoa đi hợp pháp, được đến trạm đầu cầu sông Cửu Long, phía bên kia lộ 4, mà khi về đến cứ rồi tôi mới biết là trạm Ấp Bắc - Mỹ Tho, ký hiệu trạm B.40. Cô Kim Hoa có giọng nữ rất trong sáng, hát tân nhạc cũng được, ca giọng cổ càng hay nên các anh trạm rất “mê” và cũng theo lời cô Kim Hoa, đoàn phía sau có những anh đàn hay, hát giỏi hơn cô, đến đỗi đích thân ông trưởng trạm già phải đi rước đoàn.

Thế rồi nồi cháo 7 con vịt tàu được dọn lên 3 bàn. Các anh em đoàn ngồi cùng với các anh giao liên, các mẹ, các chị, vừa ăn vừa ca hát, biểu diễn giống y hệt như một đêm biểu diễn xung kích vậy.

Đêm ở “rừng bình bát”

Ít có đoàn khách nào được trạm bố trí ở cùng cứ, có lẽ là đoàn Bến Tre có một không hai. Căn cứ là một khu rừng rậm rạp, trải rộng, nhìn nơi nào cũng như nơi nào, nhờ vậy mà địch không phát hiện được. Đặc trưng ở đây là cây bình bát hay nói đúng hơn là rừng bình bát, đâu đâu cũng bình bát, cho đến mút tầm mắt cũng bình bát. Bình bát như nhiều thế hệ cứ mọc, cứ lớn lên theo thời gian và cứ chở che, nuôi giữ không biết bao nhiêu đoàn khách tá túc, đến rồi đi, cả năm này tháng nọ, triền miên như là cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta.

Đến cứ rồi, mọi việc ăn ở, cơm nước, gạo thóc anh em trạm lo hết, cái mà chỉ cần “trả lại”, theo các anh giao liên, là bằng ca hát là đủ rồi! Trong thời gian trú lại “trạm rừng bình bát”, anh em trong đoàn thường được gọi bằng hai chữ Văn công đầy trìu mến.

Chúng tôi như Đoàn văn công xung kích phục vụ 7 ngày đêm, cùng tổ chức đàn ca phục vụ 2 đám tuyên bố thật của anh em trạm này kết với trạm khác và đặc biệt là một đám “cưới giả” - giả mà như thật, cũng có cờ đèn kèn trống, cũng có đại diện đàn trai, đàn gái và các đoàn thể... “Chú rể” là nhạc sĩ Xuân Hòa, còn “cô dâu” là Nguyễn Thị Hồng, con của ông già Năm. Hồng là một cô gái Đồng Tháp có nước da trắng hồng và đôi mắt long lanh trong sáng, có cặp chân mày cong hình cánh cung, đặc biệt là có giọng hát rất dễ thương. Mỗi khi anh nhạc sĩ Hòa đàn cho Hồng hát, người ta có cảm giác đây là cặp nhân duyên tiền định vậy. Rất tiếc đây chỉ là trò đùa, trò đùa kháng chiến rất ngộ nghĩnh và dễ thương!

Có lẽ sau giải phóng hai người mới gặp lại nhau; những cái gì giả, những cái gì thật, chỉ có hai người mới biết. Nhưng câu kết thúc đẹp nhất là hai người cùng thốt lên: Chúng ta đã làm lễ kết hôn rồi mà! Và dĩ nhiên, nếu họ lại là đôi vợ chồng thật.

TRƯỜNG CHĂM

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN