Dự án do cơ quan chủ quản là Sở Khoa học và Công nghệ, UBND TP. Bến Tre chủ trì với sự tư vấn của Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Tiền Giang. Thời gian thực hiện là 24 tháng (tháng 7-2011 7-2013). Tổng vốn đầu tư 2,222 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ ngân sách sự nghiệp khoa học là 697 triệu đồng, vốn tự có của cơ sở 1,153 tỷ đồng, vốn nông dân 371 triệu đồng.
Theo Dự án, thực hiện theo Chương trình phát triển 4.000ha bưởi da xanh từ năm 2006-2010 đến nay, toàn tỉnh có trên 4.000ha bưởi da xanh. Riêng trên địa bàn thành phố có khoảng 480ha. Sản lượng bưởi toàn tỉnh đạt trên 30.000 tấn, trong đó của thành phố là 3.000 tấn, tập trung nhiều nhất ở các xã Phú Nhuận, Mỹ Thạnh An, Nhơn Thạnh, Sơn Đông. Tuy nhiên, bưởi da xanh đang sản xuất với qui mô nhỏ lẻ, manh mún, áp dụng kỹ thuật mới ồ ạt nhưng không đúng qui trình. Chính vì vậy, cây ngày càng bị suy yếu, kiệt quệ, sâu bệnh ngày càng gia tăng. Việc nhà vườn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật phun xịt nhiều lần (cả phun ngừa trước khi sâu bệnh xảy ra), sử dụng nhiều lần với nồng độ cao đã vô tình hủy diệt hệ sinh vật tự nhiên, trong đó có nhiều loài có ích và tạo nguy cơ bùng phát bệnh ngày càng cao trong vườn cây. Cá biệt, khi sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật nông dân thường không tuân thủ yêu cầu về thời gian cách ly, bón phân, phun thuốc cận ngày thu hoạch, nên sản phẩm còn lưu tồn nitrat… Do vậy, việc xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là nhằm đảm bảo phù hợp các tiêu chuẩn quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hiện tại, bưởi da xanh có giá trị khá cao, dao động khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg nhưng về lâu dài để có sản phẩm bưởi có chất lượng đồng đều, sản lượng nhiều, các hộ trồng bưởi cần tổ chức liên kết lại, cùng sản xuất theo qui trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Mặt khác, diện tích bưởi da xanh trong tỉnh khá lớn, trồng tập trung và có chất lượng thơm ngon nổi tiếng trong cả nước. Ngoài tiêu thụ nội địa, bưởi da xanh còn có cơ hội xuất sang nhiều nước trên thế giới, nhất là thị trường châu Âu nếu áp dụng thành công tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là tiêu chuẩn “Thực hành nông nghiệp tốt” được áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Là chứng nhận cho Chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm của dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ khâu chuẩn bị trang trại, canh tác đến thu hoạch, chế biến, tồn trữ. Sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP là có được giấy thông hành để xuất khẩu đi bất cứ thị trường nào trên thế giới. Chính vì vậy, điểm chọn để thực hiện Dự án là địa bàn xã Nhơn Thạnh. Theo khảo sát, đây là vùng đất có điều kiện phù sa bồi lắng, hệ thống kênh rạch thông thoáng phù hợp với trồng cây ăn trái, nhất là bưởi da xanh. Thực trạng diện tích bưởi da xanh trong xã chỉ khoảng 195ha, trong đó có 108ha đang cho trái, sản lượng bình quân 1.000 tấn/năm. Nhà vườn Nhơn Thạnh sớm có điều kiện tiếp cận với qui trình sản xuất an toàn theo IPM (hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật), là địa phương được chọn thí điểm nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ thành công. Năm 2007, chương trình IPM đã được thí điểm trên toàn địa bàn xã, được nhiều hộ nông dân tham gia với các chương trình hỗ trợ như cây giống, kỹ thuật của Viện Cây ăn quả miền Nam, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Giống cây trồng. Hiện nhiều nông dân trong xã đã áp dụng kỹ thuật sử dụng chế phẩm nấm đối kháng Tricoderma, nuôi kiến vàng để phòng trừ sâu bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng hóa chất, hạn chế chi phí và bảo vệ tốt môi trường. Đa số nông dân trong khu vực dự kiến sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP đã có kinh nghiệm sản xuất bưởi da xanh trong nhiều năm qua, có kiến thức cơ bản về việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Đồng thời, cơ sở Thu mua, chế biến, xuất khẩu bưởi da xanh Hương Miền Tây (Mỏ Cày Bắc) cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Năm đầu tiên toàn bộ chi phí vận hành và phí chứng nhận sẽ trích từ nguồn vốn của Dự án. Năm thứ hai, thứ ba trở đi cơ sở thu mua Hương Miền Tây sẽ lần lượt góp tiền tương ứng với 50% và 75% tổng hai loại chi phí này.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng đạt chứng nhận GlobalGAP cho sản phẩm bưởi da xanh, với diện tích khoảng 20ha ở Nhơn Thạnh; đào tạo cán bộ chủ chốt của hệ thống và cán bộ kỹ thuật có khả năng tổ chức quản lý sản xuất theo GlobalGAP và hướng dẫn nhân rộng mô hình.