Triển khai phần mềm quản lý tốt đối tượng tiêm chủng

14/03/2016 - 08:00

Trẻ em được tiêm chủng tại Trạm y tế phường Phú Tân, TP. Bến Tre.

Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố giải thưởng Đổi mới trong chăm sóc sức khỏe lần thứ 3 do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children Innovation Award) và Tập đoàn Glaxo Smith Kline tổ chức. Nhóm tổ chức Program for Appropriate Technology in Health tại Việt Nam (PATH Việt Nam) với sáng kiến hệ thống kỹ thuật số quản lý công tác tiêm chủng thí điểm ở Bến Tre đã nhận giải thưởng trị giá 400 ngàn đô-la Mỹ.

Cuối năm 2014, tổ chức PATH Việt Nam phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bến Tre và sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai hoạt động mở rộng hệ thống đăng ký tiêm chủng kỹ thuật số tại 164 xã thuộc 9 huyện, thành phố của tỉnh. Hệ thống đăng ký tiêm chủng này cho phép cán bộ y tế xã chuyển từ hệ thống giấy sang hệ thống điện tử để theo dõi số liệu tiêm chủng. Khi triển khai, cán bộ y tế phải nhập toàn bộ thông tin tiêm chủng của tất cả số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng để tạo số liệu nền cho phần mềm. Sau đó, những trẻ mới sinh và phụ nữ có thai đang được quản lý thai sản tại trạm y tế xã sẽ được đăng ký vào hệ thống. Hệ thống còn cho phép các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh đăng ký trẻ sinh và tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh ngay tại bệnh viện, tăng tỷ lệ trẻ được đăng ký vào hệ thống sớm ngay sau khi sinh và gửi thông tin tiêm chủng của trẻ về trạm y tế nơi trẻ thường trú để tiếp tục theo dõi và tiêm chủng. Phần mềm giúp cho cán bộ y tế xã không cần phải đợi gia đình đến đăng ký hoặc thông tin từ cán bộ y tế ấp.

Hằng tháng, cán bộ y tế tuyến xã sẽ sử dụng phần mềm để lập kế hoạch cho buổi tiêm chủng, phân bổ số trẻ cho từng buổi theo quy định của Bộ Y tế. Dựa trên kế hoạch phân bổ đó, phần mềm sẽ tạo ra danh sách trẻ và phụ nữ cần tiêm chủng cho từng buổi. Cán bộ y tế có thể ước tính số vắc-xin cần thiết và gửi dự trù lên tuyến trên để đảm bảo có đủ số lượng vắc-xin trong từng buổi tiêm chủng. Trước ngày tiêm chủng từ 1 - 2 ngày, phần mềm sẽ tự động gửi tin nhắn đến số điện thoại người chăm sóc trẻ và phụ nữ có thai để thông báo lịch tiêm chủng, giúp giảm thời gian cho cán bộ y tế trong việc viết và gửi giấy mời đến từng đối tượng tiêm. Ngày tiêm chủng, cán bộ y tế chỉ việc đánh dấu vào mũi vắc-xin mà trẻ/phụ nữ tiêm trong buổi hôm đó. Kết thúc buổi tiêm chủng, cán bộ y tế cập nhật số liệu vào phần mềm, phần mềm sẽ tự động tổng hợp báo cáo cho cán bộ y tế. Hệ thống còn giúp cán bộ y tế tìm kiếm thông tin tiêm chủng của một số trẻ tiêm vãng lai.

Sau một năm triển khai, sáng kiến hệ thống kỹ thuật số quản lý công tác tiêm chủng đã cho thấy những kết quả đáng ghi nhận. Phần mềm giúp giảm tải và giảm đáng kể thời gian cho cán bộ y tế trong việc lập danh sách hẹn tiêm, gửi giấy mời và báo cáo tổng hợp hằng tháng. Phần mềm giúp tăng tính chính xác của số liệu tiêm chủng, tránh được tình trạng số liệu tiêm chủng ghi chép và báo cáo chồng chéo giữa các đơn vị gây nhận định sai về kết quả tiêm chủng thực tế tại địa phương. Tăng tính đúng hạn của số liệu. Tỷ lệ tiêm chủng đúng lịch tăng đáng kể, cụ thể tỷ lệ tiêm vắc-xin Quinvaxem tăng từ 10 - 14% cho cả ba mũi tiêm, tỷ lệ uống vắc-xin OPV đúng lịch cũng tăng từ 11 - 14% đối với 3 liều. Tăng tỷ lệ tiêm đúng lịch cho trẻ từ 74,3 - 77,8%.

Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng: Bộ Y tế đã triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng thí điểm tại Bến Tre, sẽ tiếp tục cải tiến để nhân rộng trong thời gian tới. Sử dụng phần mềm trong tiêm chủng sẽ làm tốt việc quản lý đối tượng tiêm chủng, kết nối giữa tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng, quản lý lịch sử tiêm chủng suốt đời của con người. Trưởng đại diện Tập đoàn Glaxo Smith Kline tại Việt Nam, ông James Strenner bày tỏ: Tập đoàn vui mừng được trao tặng cho PATH giải thưởng cao nhất năm nay. Điều này chứng tỏ rằng, Việt Nam là trung tâm của sự đổi mới, đồng thời rất nhiều những nỗ lực đã được thực hiện nhằm cứu mạng sống của trẻ em nơi đây.

Bài, ảnh: Thảo Trần

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích