Bài hát sinh hoạt tập thể
Gần đây, nhạc của Trịnh Công Sơn được hát lại nhiều. Điều này chứng tỏ rằng nhạc của anh cũng được giới trẻ yêu thích. Có dư luận cho rằng, nhiều ca sĩ muốn nổi tiếng nhanh đã phải nhờ đến “thương hiệu” của Trịnh Công Sơn, hoặc hát những bài hát mà nhạc sĩ đã tặng riêng (!?) cho mình. Theo tôi, bài hát được các bạn trẻ hát một cách “vô tư” nhất là bài Nối vòng tay lớn. Bài này rất thích hợp trong các buổi sinh hoạt tập thể, giao lưu, dã ngoại…
Rừng núi nối biển xa
Cờ nối gió
Đêm vui nối ngày
Thành phố nối thôn xa vời vợi
Người chết nối linh thiêng vào đời
Nụ cười nối trên môi
Rất tiếc, một số bạn trẻ lại hát sai một từ ở câu cuối cùng “và nụ cười nở trên môi” nên làm mất đi mạch nối sâu sắc của bài hát. Sách giáo khoa Âm nhạc và Mĩ thuật lớp 9 viết: “Bài hát Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tiếng nói tình cảm của những người Việt Nam yêu nước, mong muốn cùng nắm tay, kề vai sát cánh bên nhau để tạo dựng cuộc sống yên vui, thanh bình vươn tới mục tiêu cao cả vì một đất nước Việt Nam thống nhất, độc lập, hòa bình, hạnh phúc.”
Bài hát về mẹ
Trịnh Công Sơn có nhiều bài hát về mẹ như: Lời mẹ ru, Ca dao mẹ, Gia tài của mẹ…, nhưng thành công hơn cả phải kể đến Huyền thoại mẹ. Ca khúc này ra đời trong thập niên 80 của thế kỷ trước, một giai đoạn có lẽ anh gặp nhiều khó khăn trong sáng tác. Và Huyền thoại mẹ ra đời, bài hát ca ngợi những bà mẹ Việt Nam, những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong các cuộc kháng chiến của dân tộc:
Đêm chong đèn ngồi nhớ lại. Từng câu chuyện ngày xưa. Mẹ về đứng dưới mưa. Che đàn con nằm ngủ. Canh từng bước chân thù. Mẹ ngồi dưới cơn mưa. Mẹ lội qua con suối. Dưới mưa bom không ngại. Mẹ nhẹ nhàng đưa lối. Tiễn con qua núi đồi. Mẹ chìm trong đêm tối. Gió mưa tóc che lối con đi. Mẹ là gió uốn quanh. Trên đời con thầm lặng. Trong câu hát thanh bình. Mẹ là gió mong manh...
Có những bài hát hay về bà mẹ trong chiến tranh như: Người mẹ miền Nam tay không đánh giặc (Thuận Yến), Đất quê ta mênh mông (Dương Hương Ly – Hoàng Hiệp) nhưng với Huyền thoại mẹ một nét mới đã được thể hiện. Cũng là bà mẹ anh hùng dưới mưa bom không ngại nhưng đức tính hy sinh, một đức tính cao quý của người phụ nữ Việt Nam được ca ngợi xuyên suốt bài hát:
Mẹ là nước chứa chan. Trôi dùm con phiền muộn. Cho đời mãi trong lành. Mẹ chìm dưới gian nan...
Mẹ của Trịnh Công Sơn không phải là thần thánh, chỉ đơn thuần là mẹ thôi, nên mẹ cũng mong manh, chìm trong đêm tối. Bài hát thành công có lẽ người mẹ của anh thật hơn, đời hơn. Tựa bài hát cũng hay Huyền thoại mẹ, bởi trong mỗi đời người mẹ ta mãi mãi là huyền thoại. Nếu chọn ca sĩ thể hiện thành công bài hát này, tôi sẽ chọn ca sĩ Trịnh Công Sơn.
Bài hát thiếu nhi
Một người làm nghệ thuật sẽ rất đỗi tự hào nếu tác phẩm của mình được đưa vào sách giáo khoa dạy cho đời sau. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nhiều bài hát được đưa vào giảng trong những tiết âm nhạc ở trường phổ thông. Trong những bài này, tôi muốn nhắc đến bài Tuổi đời mênh mông
Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng. Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me. Em và lá tung tăng như loài chim đến và đã hát giữa phố nhà. Ôm cuộc sống trong tay bên đời quá rộng. Tuổi thần tiên yêu dấu dưới ngôi trường kia. Em là đóa hoa lan hay quỳnh hương trắng thơm ngát từ đất đai quê nhà có tình yêu.Thời thơ ấu bướm hoa và chim cùng mưa nắng. Em đứng bên đời tự do yêu đời thiết tha. Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ. Đường dìu chân em đi đến những miền xa. Thăm ruộng đất bao la những làng quê cũ mùa cây trái níu chân về. Như là những bông hoa trong thành phố này. Tuổi đời mênh mông quá búp non đầu cây. Em về giữa thiên nhiên em cười, em nói như sóng đùa biển khơi...
Bài hát có tính giáo dục cao. Những hình ảnh thân quen, gần gũi: một làng quê, một phố thị, một ngôi trường, một cơn mưa, một hàng cây…đã làm nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Một bài học cần thiết về tình yêu quê hương, tình yêu cuộc sống ngay khi còn cắp sách đến trường.
Hôm rồi, có dịp đến một trường phổ thông cơ sở trong giờ giải lao, các em học sinh đang tập thể dục giữa giờ theo nhạc. Điệu nhạc nghe quen quen. Biết rồi! nhạc của bài Tuổi đời mênh mông. Nhìn các em học sinh tập thể dục nhịp nhàng theo điệu nhạc, có em nhẩm hát theo cảm thấy hay hay. Hóa ra, nhạc của anh cũng “lấn sân” sang lĩnh vực thể dục thể thao. Có thể bạn đọc cười tôi vì tôi thần tượng Trịnh Công Sơn quá nên mới viết vậy. Thôi kệ, ai cười cũng mặc, lựa chọn cuối cùng của tôi là chấm bài này nhất về chủ đề viết cho thiếu nhi.
Nói là lựa chọn cuối cùng, nhưng vẫn còn chút băn khoăn. Bạn có nghe bài hát viết cho thiếu nhi Em là hoa hồng nhỏ.
Bài hát cho phim
Thông thường nhạc của phim nào thì gắn chặt với phim đó, nhạc của phim hay phải hay cùng phim. Có những bài hát viết cho phim đi vào quên lãng ngay khi phim kết thúc buổi công chiếu. Có những nhạc sĩ viết nhạc cho phim đặt nặng hợp đồng thương mại hơn là rung cảm thật sự. Ngược lại, theo tôi, bài hát Cánh chim cô đơn viết cho phim Đứa con bị từ chối của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một bài hát vẫn còn sức rung động lòng người khi lời ca được cất lên:
Như là mây giang hồ. Lang thang cùng với gió. Lạc loài nơi chốn xa. Như là chim xa đàn. Giấu nỗi buồn trong cánh. Hẹn hò với giấc mơ. Hẹn về nghiêng cánh vui bên làng xưa. Có con sông vạm vỡ. Có bóng cây vuờn cũ. Hẹn đền em nỗi lo. Những ngày tháng qua. Đêm từng đêm bay về. Quê hương là nỗi nhớ. Đời nhẹ như lá thu. Yêu càng yêu quê nhà. Yêu những đời bão tố. Nhọc nhằn trong nắng mưa.
Bộ phim Đứa con bị từ chối nói về Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thành Trung hoạt động trong lòng địch. Công tâm mà nói, tôi thích bài hát này một phần vì kính phục anh Nguyễn Thành Trung, một người có tài, trong thời chiến cũng như thời bình, một lý do khác vì anh cũng là người con của Bến Tre. Tôi rất thích câu có con sông vạm vỡ, hình ảnh con sông vạm vỡ chắc phải được cảm nhận từ trên cao nhìn xuống. Chắc là dòng sông Ba Lai hiền hòa với hai bên bờ bát ngát dừa xanh. Phải chăng, khi viết bài này, nhạc sĩ đã hóa thân thành cánh chim cô đơn trên bầu trời cao rộng từng đêm bay về với nỗi nhớ quê hương.
Khi hát karaoke với đồng nghiệp, bè bạn tôi thường chọn hát bài này. Bài dễ hát. Không có phim, bài hát vẫn hay, thật đấy!
Bài hát phổ thơ
Trịnh Công Sơn thường viết lời cho những ca khúc của mình. Anh ít khi phổ thơ, trừ thơ của một người bạn thân - họa sĩ Trịnh Cung. Cuối cùng cho một tình yêu và Thiên sứ bâng khuâng là hai bài thơ hiếm hoi của Trịnh Cung đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ca từ là một yếu tố chủ yếu làm nên thành công trong nhạc của anh. Do vậy, việc chọn một bài thơ phổ nhạc, có lẽ điều đầu tiên anh chọn là sự đồng cảm. Bài hát Thiên sứ bâng khuâng thú thật tôi không biết hay dở thế nào nhưng bài đầu tiên đã có chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc. Nghe nói, anh cũng đã sửa một vài từ trong bài thơ cho hợp hơn. Trịnh Cung có lần viết: “Tôi là một người có may mắn nhất trong số những người bạn của Sơn khi Sơn đã đặc biệt dành cho tôi chỗ ngồi duy nhất trên con đò âm nhạc đầy huyền thoại của anh.”
Sau này, tôi có biết bài hát Mẹ đi vắng, phần lời là bài thơ rất hồn nhiên của một đứa cháu. Hóa ra ở “chỗ ngồi duy nhất” có thêm một đứa bé, nó tên là Nguyễn Quang Dũng.
Mẹ đi vắng,
mẹ đi vắng
Con sang chơi nhà bạn,
í a
Con cầm cây đàn con hát
Con cầm cây đàn con hát
Hát cho mẹ về với con
Hát cho mẹ về với con.
Bài hát này được nhiều thiếu nhi yêu thích, có lẽ người lớn cũng thích, trong đó có tôi.
Bài hát về Hà Nội
Nhân kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, báo mạng VnExpress đã giới thiệu những bài hát hay về Hà Nội:
1. Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương)
2. Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi)
3. Nhớ tuổi thơ Hà Nội (Nguyễn Cường)
4. Gửi người em gái (Đoàn Chuẩn – Từ Linh)
5. Em ơi Hà Nội phố (Phan Vũ – Phú Quang)
6. Hà Nội và tôi (Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lê Vinh)
7. Mùa xuân, làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê)
8. Chị tôi (Đoàn Thị Tảo – Trọng Đài)
9. Trời Hà Nội xanh (Văn Ký)
10. Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp)
Đọc xong danh sách. Buồn. Xem lại danh sách một lần nữa. Tiếc. Buồn và tiếc vì trong danh sách không có một bài hát về Hà Nội mà tôi yêu mến của anh – Nhớ mùa thu Hà Nội. Dẫu biết rằng những bài hát kể trên là những bài hát nổi tiếng, những giai điệu vượt thời gian. Ngày anh mất, cách đây mười năm, tôi có đọc bài của một nhạc sĩ Hà Nội, đại khái viết rằng có nhiều người Hà Nội chính gốc phục anh bài hát này.
Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ. Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội,
Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ,
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua.
Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời.
Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người,
Lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai,
Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi,
Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi.
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, nhớ đến một người ...
Để nhớ mọi người.
Tôi là người Nam bộ, công việc làm ít được đi xa; thi thoảng những lần công tác Hà Nội thường vào thời điểm mùa hè. Nên đối với tôi, mùa thu Hà Nội như mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi.
Chuyện này kể ra bạn đọc đừng cười. Nhờ những lần công tác hiếm hoi như vậy, tôi có dịp tham quan Hà Nội. Tôi khám phá Hà Nội bằng ca từ mà anh đã viết. Tôi đi tìm cây cơm nguội vàng, tôi tìm cây bàng lá đỏ. Mùi hoa sữa trong đêm bên phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu. Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ. Mà sao là thơm bàn tay nhỏ? Nghe nói muốn thưởng thức cốm phải nhẩn nha bốc từng nhúm trong gói lá sen mới đúng điệu. Đến bây giờ, câu bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời vẫn gợi cho trí tưởng tượng của tôi cảm giác khó tả...
Có người đề nghị rằng nên sửa câu cuối: Nhớ đến một người, để nhớ mọi người thành: Nhớ đến mọi người, để nhớ một người thì bài hát hoàn chỉnh hơn. Còn theo tôi, mình yêu thích cái gì thì cũng sẽ yêu những khiếm khuyết, nếu có, của nó.
Trở lại việc chọn ca khúc hay của báo VnExpress, nếu tính riêng chủ đề về mùa thu Hà Nội, thì Nhớ mùa thu Hà Nội dẫn đầu danh sách bầu chọn cách đây hai năm. Đặc biệt, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người duy nhất có hai nhạc phẩm trong danh sách.
... Bởi vì mùa thu tôi ở lại
Hà Nội mùa thu, Hà Nội thu
Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ
Không bởi vì em, hay vì em
Hà Nội mùa thu, Hà Nội gió...
(Đoản khúc thu Hà Nội)
Kể ra, người nghe cũng công bằng với anh, Hà Nội cũng công bằng với anh. Cũng sẽ công bằng cho tôi nếu được tham quan Hà Nội vào mùa thu, một mùa đẹp của thủ đô với những ca khúc đi vào lòng người, trong đó phải kể đầu tiên là… Nhớ mùa thu Hà Nội.
Tôi không đề cập đến nhạc tình, nhạc phản chiến trong bài viết này vì cảm thấy khả năng người viết có giới hạn. Vả lại, đây là hai mảng đề tài lớn trong sự nghiệp của anh. Nếu có thời gian đầu tư nghiên cứu nghiêm túc sẽ là những công trình có giá trị. Cô gái người Nhật Yoshi Michiko từng bảo vệ thành công luận án nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn tại Đại học Paris 7.
Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đây mà đã mười năm kể từ ngày anh thôi Ở trọ kiếp người. Biết là anh giờ yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng nhưng trong lòng vẫn buồn thương tiếc một con người tài hoa
Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên.
Bến Tre, 3-2011