Nhiều người nhận xét ông là người làm nên thành công ở những tập sách?
- Đúng. Nhưng theo tôi chỉ đúng một phần nhỏ thôi. Phần lớn nằm ở những giới hạn khác. Bởi khi công trình kết thúc, cho ra đời tập sách của nhiều tác giả thì dấu ấn ấy là dấu ấn của tập thể. Hơn cả điều ấy là hiện thực xã hội trong thời kỳ kháng chiến cứu nước. Nó vừa là phần thưởng, nhưng cũng vừa là đòi hỏi tác phẩm đối với những ai cầm bút có mong muốn tiếp cận nó. Không có hiện thực phong phú ấy, những người cầm bút dù tài giỏi đến đâu cũng không thể làm nên những tác phẩm hay được.
Vì thế, không thể nói rằng chính tôi là người làm nên thành công của những công trình sách ấy được. Mặc dù ở những công trình ấy, tôi thường có mặt ở 4 vị trí: người viết, người biên tập, người khởi xướng và là người được ban tổ chức cử ra trực tiếp điều hành công trình.
Ông có thể nhắc lại những ngày với Ba Tri thời lửa đạn chưa xa - công trình đầu tiên?
- Ba Tri thời lửa đạn chưa xa là công trình sưu tập, sáng tác, xuất bản, cho ra đời tập sách văn học của nhiều tác giả dày hơn 400 trang, viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xuất bản vào năm 2000 của huyện Ba Tri. Ở công trình này, tôi giữ vị trí là người đề xướng và đồng chủ trì tổ chức thực hiện với Hồ Trường - nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học dân gian, Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu; Nguyễn Quang Trị - nhà nghiên cứu văn học dân gian, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tri lúc bấy giờ. Ban biên tập, ngoài ba chúng tôi còn có thêm nhà văn Nguyên Tùng và nhiều cây bút văn xuôi “chắc tay” làm nên tác phẩm như các nhà văn: Vũ Hồng, Phạm Thị Ngọc Điệp, Từ Phạm Hồng Hiên, Dương Sinh, Mai Văn Ro, Phan Tấn Hà, Nguyễn Kim Thụ (Lý Hà Thao), Nguyễn Nhật Nam. Sách được phát hành trong huyện, trong tỉnh ra đến các tỉnh thuộc khu vực miền Tây, miền Đông Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Sách được người đọc gần xa đón nhận. Nhiều bạn đọc từ các nơi gọi điện về chia vui và góp ý với chúng tôi.
Những công trình sau có gì khác không?
- Có. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị là một trong nhiều người đã đọc Ba Tri thời lửa đạn chưa xa. Ông nảy ra sáng kiến về loại hình sách và đề nghị: tập sách nên là một tập hợp hai loại hình (sử và văn học) để người đọc tiện tham khảo, đối chiếu hơn. Ông trở thành người khai sinh ra loại hình này. Nó lập tức được áp dụng vào công trình tập sách Tiểu đoàn 516 anh hùng, 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Sách được xuất bản năm 2004, với số bản in lên đến 3.400 cuốn.
Do có sự tập hợp hai loại hình: sử quân sự và văn học gắn với hai cơ quan chức năng khác nhau, đòi hỏi có người chỉ huy chung, nên Thường trực Tỉnh ủy ra văn bản cho chủ trương và thành lập ban chỉ đạo. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu tổ chức thực hiện. Tôi đảm trách việc điều hành tổ chức thực hiện các tác phẩm thuộc mảng văn học. Về mảng sử, đồng chí Đỗ Chung cùng ban nghiên cứu lịch sử Đảng và Thượng tá Nguyễn Văn Hoắng cùng Ban tổng kết viết sử của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện.
Về phía tác phẩm văn xuôi, ở công trình này, ngoài những cây bút đã tham gia ở Ba Tri thời lửa đạn chưa xa, chúng tôi có mời thêm các cộng tác viên mới như: Lê Đức Bình, Phạm Bội Anh Thuyên, Lương Phong, Lê Dân, Lê Hoàng Bé, Khổng Huỳnh Phong, Phong Hân, Nguyễn Văn Chí, Hoài Việt, Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Ái Nguyên, Lê Hoàng Dũng, Dương Thị Thu Vân... Về sau, có 3 cây bút là Phong Hân, Khổng Huỳnh Phong và Dương Thị Thu Vân được chúng tôi mời chính thức tham gia công trình tập sách Đội quân tóc dài cầm súng.
Đội quân tóc dài cầm súng ra đời trước khi Bộ đội Thu Hà được phong tặng danh hiệu anh hùng?
- Đây là tập sách thứ hai dùng loại hình tập hợp sử và văn học. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị được mời làm chỉ huy cao nhất của công trình và chúng tôi (Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đứng ra tổ chức thực hiện. Tên sách do chính thiếu tướng đề nghị và chúng tôi đồng ý. Đây là công trình sưu tập, sáng tác, xuất bản tập sách lịch sử và văn học viết về đơn vị nữ vũ trang Bến Tre (c710) trong kháng chiến chống Mỹ mà nhân dân thường gọi là bộ đội Thu Hà.
Các chị dấn thân vào cuộc chiến từ thuở thanh xuân, đến nay phần lớn đã đứng vào hàng tuổi 60. Nhiều chị đã ngã xuống; nhiều chị sống mang theo thương tích đầy mình. Không ít chị, qua chiến tranh không còn kịp níu lại cái tuổi để làm vợ, là mẹ. Sự hy sinh của các chị hãy còn lẩn khuất trong sự hy sinh quá lớn của dân tộc. Chúng tôi nói vui rằng, bằng tác phẩm, chúng tôi nguyện làm cầu nối, mang tiếng nói nhân dân phong tặng danh hiệu anh hùng cho sự cống hiến của các chị. Bốn năm, sau ngày quyển sách được phát hành (2006-2010), đơn vị nữ vũ trang c710 của các chị đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong quá trình thực hiện, có những thuận lợi, khó khăn gì?
- Nói về quá trình thực hiện các công trình từ năm 2000 đến nay, thì thuận nhiều mà khó cũng không ít. Nhưng thái độ chung của chúng tôi là phải cố gắng vượt qua để đến đích cuối cùng là có sách. Chỉ có hai điều đáng nói ở đây: thứ nhất, về tiền (có dịp sẽ nói kỹ sau); thứ hai, về người. Cái khó khăn lớn nhất là phần lớn bạn viết đều chưa có dịp dấn thân vào cuộc chiến với tư cách là người “của tổ chức”. Một số bạn có dấn thân, nhưng ở địa bàn khác, không có may mắn được có mặt tại chiến trường Bến Tre trong thời gian tương đối dài như tôi. Song, hầu hết họ đều quan tâm đến các vấn đề của lịch sử để lại. Họ có tài thu thập, phân tích, kiểm định hiện thực thông qua các dữ liệu (dù là những dữ liệu đã lùi xa) để đưa vào tác phẩm một cách thuyết phục. Đó là cái tài của người viết chuyên, của nhà văn. Tôi yêu mến và tin cậy họ.
l Ông có thể nói thêm về mình, như sống và viết chẳng hạn?
- Tôi cho rằng được sống trong thế giới rộng lớn thì kiến thức chưa bao giờ đủ cho con người, càng không đủ cho người cầm bút. Ở nghề báo, tôi bây giờ vẫn còn cái may là được học và rút ra nhiều bổ ích từ phía những đồng nghiệp tuổi con gái mình. Ở nghề văn, tôi cũng may mắn được gần nhà văn Trang Thế Hy. Ông là một nhà văn thuộc lớp trước. Tôi đang cố học và làm theo ông ở cả hai phương diện: sống và viết.
Ở phương diện thứ nhất, ông sống luôn nghiêm khắc với chính mình và rất mở rộng với mọi người.
Ở phương diện thứ hai, ông viết bằng thái độ luôn coi trọng người đọc. Tôi cho rằng, viết mà luôn biết đặt người đọc lên trên hết là thái độ của người cầm bút có tư cách.
Sắp tới ông còn những dự định gì, ông có thể chia sẻ?
- Nghề văn, nghề báo (nói chung là nghề cầm bút, nghề chịu búa rìu) dấn thân đã khó mà (giả sử) muốn giã từ nó càng khó hơn. Tôi đang ở tuổi già, cái tuổi không phải dễ đổi dời. Tôi còn nợ Bến Tre một lời hứa, sẽ hoàn thành tập 2 Chuyện xưa còn nhớ (tập sách viết về phong trào Đồng Khởi ở tầng cơ sở, do chính tôi thực hiện, in tập 1 vào năm 2005).
Trong sáng tác thì mỗi người đều có những dự định riêng. Tôi cũng vậy. Tuổi tác không cho phép tôi nói trước điều gì, song chung qui còn có 3 phần việc để làm: Thứ nhất, chăn giữ cái tuổi già, đừng để cho nó sầu não, quắt queo, nhưng đồng thời cũng đừng để cho nó được bỡn cợt đến mức thành đổ đốn hay lố bịch trước mắt mọi người. Việc ấy, đôi khi còn khó hơn cả hồi trẻ mình quảy ba lô, cầm súng ra chiến trường. Thứ hai, viết cái gì đã dấn thân, đã mục kích được. Và, cuối cùng là được… chết! Đừng cười. Chết cho một cái chết có sự chuẩn bị, theo tôi, xét cho cùng là thái độ có trách nhiệm, ít nhất là với chính mình.
“Tôi trộm nghĩ, nếu không phải là cái được ưu ái dành cho thì có thể là cái nghiễm nhiên được thừa nhận từ phía những người tham gia công trình. Cũng có thể do tôi may mắn có được lợi thế so với nhiều bạn viết khác ở chỗ: vừa cầm bút, làm phóng viên chiến trường, vừa cầm súng, có được khoảng thời gian (tuy không dài) qua các binh chủng: bộ binh, trinh sát, pháo binh. Lợi thế này đã cho tôi cái vốn bổ sung vào kiến thức nền của chiến tranh yêu nước và cách mạng mà mình đã dấn thân. Nó giúp tôi có cái nhìn tổng quan về cuộc chiến mỗi khi động đến từng vấn đề cụ thể trên công trình, đặc biệt là việc xác minh, kiểm định dữ liệu trên mỗi tác phẩm trong lúc làm biên tập, trước khi đưa tác phẩm lên trang sách. Lợi thế ấy hình như có đặt ra cho tôi một đòi hỏi phải ở vị trí của người điều hành. Nó ít nhiều có tạo thêm thuận lợi cho thành công ở những công trình”.
Hàn Vĩnh Nguyên |