Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng

08/09/2013 - 15:39

Những năm gần đây, do áp lực của cuộc sống, áp lực về kinh tế, tác động của khủng hoảng về kinh tế và nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến xu hướng gia tăng người tâm thần.

Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12-2013, toàn quốc có 211.069 người mắc bậnh tâm thần, chiếm tỷ lệ khoảng 0,26% so với tổng dân số cả nước. Trong đó chia theo khu vực như sau:

- Trung du và miền núi phía Bắc: 29.645 người, tỷ lệ 14,04% so với tổng số người mắc bệnh tâm thần trong cả nước.

- Đồng bằng sông Hồng: 51.980 người, tỷ lệ 24,62%.

- Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: 61.626 người, tỷ lệ 29,68%.

- Tây nguyên: 9.525 người, tỷ lệ 4,51%.

- Đông Nam Bộ: 21.874 người, tỷ lệ 10,36%.

- Đồng bằng sông Cửu Long: 36.419 người, tỷ lệ 17,25%.

Trước thực trạng trên và để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, ngày 22-7- 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Số 1215/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu chung là huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Với mục tiêu chính như trên, Chính phủ đã đề ra bốn mục tiêu cụ thể, như sau:

1. 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

2. 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác.

3. 100% gia đình có người tâm thần, 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.

4. Hình thành các nhóm cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại xã, phường, thị trấn có đông đối tượng.

Để đạt được bốn mục tiêu cụ thể trên, Đề án 1215 của Chính phủ cũng đã quy định các hoạt động chủ yếu, như sau:

1. Xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.

2. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

3. Phát triển các cơ sở để phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí.

4. Truyền thông nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và phục hồi chức năng; nâng cao kiến thức, kỹ năng trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

Để các hoạt động nêu trên được thực hiện, Chính phủ đề ra ba giải pháp, như sau:

1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

2. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần; điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

3. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

Trên cơ sở Đề án 1215 của Thủ Tướng Chính phủ và tình hình thực tế của từng địa phương, UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện theo từng năm và cả giai đoạn 2012-2020.

Nhiều năm qua, Nhà nước có chính sách đảm bảo an sinh xã hội rất lớn, thông qua việc bảo trợ xã hội cho các đối tượng yếu thế, hỗ trợ chính sách tại cộng đồng, tại các trung tâm. Số đối tượng được bảo trợ ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, bên cạnh những chăm lo về vật chất, thì các đối tượng cũng rất cần sự chăm lo của Nhà nước về những vấn đề thuộc lĩnh vực tinh thần. Do đó, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội ra đời theo Quyết định 32 của Chính phủ là rất cần thiết, nhằm giúp đỡ các đối tượng vượt qua những khó khăn của bản thân và hoàn cảnh nhằm có cuộc sống tốt đẹp hơn .

 Đó là những đối tượng:

1. Trẻ em.

2. Người khuyết tật.

3. Người cao tuổi, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa.

4. Người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.

5. Người nghiện ma túy, mại dâm.

….

(Ông Nguyễn Minh Lập  - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Phòng BTXH Sở LĐ-TB&XH

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN