|
Ông Chiến đang kết cặp rồng bằng cọng dừa. |
Mười năm về trước, xã Phước Long (Giồng Trôm) chỉ có vài hộ đan giỏ bằng cọng lá dừa (GBCD); nay, toàn xã có hàng trăm hộ tham gia nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ này. Không chỉ cọng lá dừa mà chà dừa, yếm dừa cũng làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.
Nghề đan GBCD ở Phước Long có xuất xứ từ xã Hưng Phong (còn gọi cồn Ốc - Giồng Trôm). Người đầu tiên đưa nghề đan GBCD vào Phước Long là ông Nguyễn Văn Chiến - chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Ngọc Sương (ấp Long Thị - Phước Long). Ban đầu làm vệ tinh, sau đó ông Chiến phát triển thành cơ sở giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thường tập trung vào mùa nắng và dịp Tết Nguyên đán. Vào những dịp này, có khi mỗi tháng toàn xã xuất trên 20.000 sản phẩm. Hiện nay, đang vào mùa mưa, nhu cầu sử dụng GBCD chỉ còn khoảng 10.000 giỏ/tháng. Toàn xã hiện có 12 cơ sở lớn với hơn 700 hộ trong và ngoài xã tham gia sản xuất khoảng 30 mặt hàng thủ công mỹ nghệ, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động trong xã và một số xã lân cận. “Một người đan suốt từ 6 giờ đến 18 giờ mỗi ngày được 25-30 cái giỏ với thu nhập khoảng 50 ngàn đồng. Cứ khoảng 200gram cọng lá dừa cho ra một cái giỏ. Giỏ này thường để đựng quà (bánh mứt, trái cây...) được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Hàng năm, vào mùa hè có khoảng 300 học sinh phụ cha mẹ làm nghề đan GBCD góp phần cải thiện đời sống gia đình” – ông Tùng nói.
Nhờ đan GBCD, Phước Long có khoảng mười hộ làm giàu. Trong đó, có hộ ông Nguyễn Văn Chiến - chủ cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Ngọc Sương ở ấp Long Thị. Mua cọng lá dừa thành phẩm khá đắt tiền nên anh Chiến chế máy tuốt cọng lá dừa để dự trữ. “Thật ra máy này trước đây là máy xay dừa. Từ trục xay dừa, tôi gắn nhiều đoạn ruột thắng xe đạp; nhờ đó, cọng dừa được tuốt nhanh và sạch. Máy có năng suất tuốt 30kg cọng lá dừa/ngày, nhiều gấp 15 lần so với tuốt theo lối thủ công” - anh Chiến kể lại.
Bà Nỷ - chủ cơ sở mây tre lá Ngọc Nỷ (cũng ở ấp Long Thị) có tài sáng tạo mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ. “Có khi đang ăn cơm, tôi nghĩ ra mẫu mới. Thế là tạm dừng ăn vài phút, tôi lấy giấy viết vẽ ra hình dáng để đó rồi ăn cơm tiếp” - bà Nỷ tươi cười kể lại. Được biết, tại Festival Dừa Bến Tre lần thứ III vừa qua, bà Nỷ tham gia khoảng 1.000 lồng đèn làm bằng chà dừa và cọng lá dừa. Bên cạnh đó, bà Nỷ sáng chế gần 50 cái nón làm bằng yếm dừa dành cho cả nam lẫn nữ để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Nón cao 25cm, vành nón rộng 20cm.
Tại Festival Dừa Bến Tre lần thứ III, ông Chiến tham gia hai con rồng, mỗi con dài gần 2m, thân rồng có đường kính gần 20cm. “Cặp rồng tốn hết 8kg cọng lá dừa. Đây là lần đầu tiên tôi làm con rồng bằng cọng lá dừa. Trong Festival dừa lần sau, tôi sẽ làm cặp rồng mỗi con dài 9m, thân có đường kính gần 30cm” - ông Chiến nói. Dịp này, ông Chiến giới thiệu 100 nón nữ và nón nam làm bằng cọng lá dừa cho du khách đến với Festival dừa lần III.
Đặc biệt, nhờ đan GBCD mà hộ ông Đỗ Văn Sòng ở ấp Long Thạnh thoát nghèo. “Tôi bắt đầu tham gia đan GBCD vào năm 2006, đến 2009 tôi thành lập cơ sở. Hiện nay, tuy vào mùa mưa nhưng cũng xuất đi TP. Hồ Chí Minh được khoảng 6.000 sản phẩm/tháng” - ông Sòng cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tùng, bên cạnh nông dân tự học nghề đan GBCD với nhau, nông dân còn được tập huấn kỹ thuật đan do Dự án IFAD tài trợ. “Để làm ra GBCD, người học nghề phải học qua 8 công đoạn, đó là: ra nan, cột khung bằng nan tre, đan, đánh bính quay giỏ, quấn dây nylon vào quai giỏ, nứt đáy giỏ, vô cây trữ vào kho chứa” - ông Tùng tường thuật lại. Không chỉ hoàn thành việc đan, giỏ phải được đánh bóng bằng verni, ngâm chống mốc và phơi cho giỏ thật khô.
Nói về tương lai của làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phước Long, ông Nguyễn Văn Cử - Chủ tịch UBND xã cho biết, ngày 2 và 3-10-2012, chúng tôi đã cử đại diện đến thành phố Long Xuyên - An Giang để dự hội thảo về Phát triển bền vững làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Tại hội thảo, chúng tôi tập trung vào hai chuyên đề do Thạc sĩ Đỗ Đức Khả thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật (TP. Hồ Chí Minh) báo cáo. Đó là: Xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho mặt hàng thủ công mỹ nghệ trong thời buổi kinh tế thị trường; Các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng tiểu thủ công nghiệp của Việt Nam.