COVID-19 tới 6 giờ sáng 27-5-2022:

Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng dịch; Cuba tiêm mũi vaccine tăng cường thứ hai

27/05/2022 - 10:48

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 522.114 trường hợp mắc COVID-19 và 1.172 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 530 triệu ca, trong đó trên 6,3 triệu người tử vong vì đại dịch.

Người dân di chuyển trên một đường phố ở Thượng Hải, ngày 25-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân di chuyển trên một đường phố ở Thượng Hải, ngày 25-5-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27-5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 530,080,433 ca, trong đó có tổng cộng 6.307.289 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh lưu hành.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 500 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 23 triệu ca và trên 37.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 26-5, thế giới có 64 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 39 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế tăng trở lại.

Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 24 giờ qua, Triều Tiên tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 105.000 ca), trong khi Mỹ là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 150 ca.

Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”. Song Trung Quốc cũng đang khống chế hiệu quả đợt bùng phát này, với việc Thượng Hải công bố kế hoạch mở cửa trở lại một số dịch vụ công thiết yếu sau thời gian phong tỏa.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26-5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 45 ca tử vong. Trong ngày 26-5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 4.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (37 ca).

Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Philippines vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN chỉ có bốn quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Trước những tiến bộ đạt được của vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong, ngày càng nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường trước khi đại dịch bùng phát.

Tại Cuba, ngày 26-5, Cuba bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường thứ hai (liều tiêm thứ năm) ngừa COVID-19 cho người dân thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương ở tỉnh miền Trung Villa Clara.

Tiến sĩ Mireya Cepero, Phó giám đốc Dịch tễ học của tỉnh Villa Clara, cho biết loại vaccine được áp dụng trong đợt tiêm này theo chỉ định của các chuyên gia thuộc Bộ Y tế là Soberana Plus do Viện Vaccine Finlay của Cuba nghiên cứu và phát triển. Cán bộ y tế và hải quan, người lao động trong ngành du lịch và các thành viên tham gia tuyến đầu chống dịch sẽ tiêm trước tiên, sau đó tới những người trên 50 tuổi và những người đã hoàn thành liều tăng cường đầu tiên trước đó 5 tháng.

Ngoài ra, những người đã hoàn thành đủ 3 liều vaccine Soberana 02 theo phác đồ cơ bản của Bộ Y tế Cuba, những người đã khỏi COVID-19 và những người đã được tiêm liều tăng cường với vaccine Soberana Plus trước đó 6 tháng cũng có thể tham gia đợt tiêm này.

Ngày 26-5, Cuba ghi nhận 45 ca mắc mới COVID-19 và tiếp tục không có trường hợp tử vong nào do virus SARS-CoV-2. Theo thống kê chính thức, kể từ khi phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên vào ngày 10-3-2020 tới nay, Cuba đã ghi nhận tổng cộng 1.105.136 ca COVID-19, trong đó 1.096.336 người đã được chữa khỏi, đạt tỷ lệ 99,2%.

Quốc đảo Caribe này đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 (3 liều) cho gần 90% dân số với các loại vaccine nội địa Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, đồng thời triển khai tiêm liều thứ tư cho hơn 7,2 triệu người trên tổng số 11 triệu 180 nghìn dân. Các nhà khoa học Cuba cũng đang nghiên cứu tính an toàn và hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 Abdala ở trẻ em từ 6 đến 11 tháng tuổi. Nếu thành công, vaccine Abdala do Cuba nghiên cứu và phát triển sẽ trở thành một trong những chế phẩm ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới an toàn đối với trẻ em dưới 1 tuổi.

Ngày 25-5, Chính phủ Argentina đã chính thức áp dụng liều vaccine tăng cường cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong bối cảnh số trường hợp nhiễm COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại tại nước này.

Quyết định áp dụng liều vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho trẻ em đã được thông qua một ngày trước đó sau khi giới chức cân nhắc những đề xuất của Hiệp hội Nhi khoa Argentina. Cùng với đó, Bộ Y tế Argentina nhấn mạnh ngành y tế nước này có đầy đủ thông tin về tính an toàn của các loại vaccine ngừa COVID-19 đối với trẻ em, đồng thời đưa ra dẫn chứng về hiệu quả của công tác tiêm chủng tại Chile và Mỹ.

Bộ trên cho biết các ca nhiễm COVID-19 tại Argentina có dấu hiệu gia tăng kể từ đầu tháng 5, thời điểm quốc gia Nam Mỹ này chuẩn bị bước vào mùa Đông. Tuy nhiên, không giống như các đợt bùng phát COVID-19 trước đó, đa phần các ca bệnh đều ở thể nhẹ do đã được tiêm vaccine ngừa bệnh, trong khi tỷ lệ nguy kịch và tử vong trong thời gian gần đây lại có xu hướng giảm.

Với hơn 47 triệu dân, Argentina đã triển khai tiêm gần 100 triệu liều trong chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 quốc gia, trong đó đã có 37,4 triệu người đã hoàn tất phác đồ vaccine cơ bản (hai mũi) và 20,6 triệu người đã tiêm mũi tăng cường. Quốc gia Nam Mỹ này đã khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 3-11 tuổi vào tháng 10-2021, sử dụng vaccine của các hãng Sinopharm (Trung Quốc) và Pfizer (Mỹ).

Tại Trung Quốc, giới chức Thượng Hải ngày 26-5 thông báo học sinh phổ thông cơ sở và trung học của thành phố sẽ được đi học trực tiếp trở lại từ ngày 6-6 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 của thành phố đã chuyến biến tích cực.

Tuy nhiên, quyết định này không bắt buộc, theo đó, học sinh hai cấp này có thể tiếp tục học trực tuyến cho đến hết năm học theo nguyện vọng. Đây chỉ là một trong những kế hoạch của chính quyền thành phố trong nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường của địa phương sau thời gian thực hiện lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19 theo chủ trương "Không COVID" của Chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, tiến trình khôi phục kinh tế của thành phố còn cả chặng đường dài và cần sự hỗ trợ của Chính phủ trung ương.

Theo kế hoạch, Thượng Hải sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch từ 1-6, theo đó ngoài trường học, các trung tâm thương mại và cửa hàng, cửa hiệu sẽ được mở cửa đón khách theo lộ trình. Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ thúc đẩy nhiều hơn hoạt động tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, cũng như hối thúc các tổ chức tài chính ưu tiên cho vay, đặc biệt các doanh nghiệp tại khu vực chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, IMF hồi tháng 4 đưa ra dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm 2022, trước khi đạt mức tăng trưởng 5,1% vào năm tới.

Vaccine ngừa COVID-19 chỉ giúp giảm khoảng 15% nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài (Long COVID). Đây là kết quả dựa trên nghiên cứu đối với hơn 13 triệu người, do nhóm các nhà khoa học Mỹ tiến hành. Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Nature Medicine ngày 25-5.

Hội chứng COVID kéo dài - chỉ các triệu chứng kéo dài nhiều tuần và tháng sau khi bệnh nhân lần đầu dương tính với virus SARS-CoV-2 - là một chủ đề khó nghiên cứu, do đặc thù nhiều triệu chứng khiến hội chứng này khó được xác định. Thậm chí, việc đi đến kết luận về tỷ lệ người mắc hội chứng này cũng không dễ dàng. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng khoảng 30% những người từng mắc COVID-19 gặp phải hội chứng này. Tuy nhiên, tháng 11-2021, một nghiên cứu tiến hành đối với khoảng 4,5 triệu người được điều trị tại các bệnh viện của Bộ Cựu chiến binh Mỹ (VA) cho thấy tỷ lệ chung là 7% và con số này sẽ thấp hơn ở những trường hợp không phải nhập viện.

Một vấn đề khác mà các nhà khoa học quan tâm là tỷ lệ hội chứng này ở những người mắc COVID-19 đã được tiêm vaccine. Chuyên gia về thận Ziyad Al-Aly và các đồng nghiệp đã phân tích hồ sơ bệnh án tại VA Saint Louis từ tháng 1 - tháng 12-2021, trong đó có 34.000 người đã tiêm vaccine và từng mắc COVID-19, 113.000 người chưa tiêm vaccine đã mắc COVID-19 và hơn 13 triệu người chưa mắc căn bệnh này. Kết quả cho thấy tiêm vaccine ngừa COVID-19 chỉ giúp giảm khả năng mắc hội chứng COVID kéo dài khoảng 15%.

Kết quả này trái ngược so với kết quả từ các nghiên cứu trước đó - có quy mô nhỏ hơn - với kết luận về tỷ lệ bảo vệ cao hơn nhiều. Trong khi đó, một nghiên cứu khác tại Anh - dựa trên khảo sát cá nhân đối với 1,2 triệu người- cho kết quả rằng vaccine ngừa COVID-19 giúp giảm 50% nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài.

Các tác giả của nghiên cứu mới nhất này đã so sánh các triệu chứng như "sương mù" não và mệt mỏi ở nhóm người chưa và đã tiêm vaccine đến 6 tháng sau khi họ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt trong các loại triệu chứng và độ nghiêm trọng giữa hai nhóm chưa và đã tiêm vaccine.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN