Trung Quốc sẽ phát triển thế nào?

18/10/2007 - 14:03

Quan cảnh đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17

Chiều 16/10, một ngày sau khi Đại hội XVII của Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc và tiếp tục họp đến cuối tuần, tôi đến Bắc Kinh dự một cuộc họp theo kiểu “tấn công trí não” (brain – storming) về các khả năng phát triển của kinh tế Trung Quốc, do công ty tư vấn quản lý BSM tại Thượng Hải tổ chức. Sân bay Bắc Kinh không có biểu ngữ, khẩu hiệu gì về Đại hội XVII, các bảng quảng cáo về Thế vận hội Olympic 2008 đã có từ lâu.

Trên đường từ sân bay về khách sạn tại đường Vương Phủ Tỉnh, chỉ cách Đại lễ đường Nhân dân, nơi đại hội đang diễn ra vài cây số, tôi không thấy bất kỳ khẩu hiệu, băng rôn nào như những lần trước, cũng không thấy cảnh đông đảo người dân được huy động kèn trống, phèng la, hô khẩu hiệu như vào dịp các đại hội trước. Tôi tự nhủ Trung Quốc đã thực dụng hơn nhiều và hành động đi vào thực chất hơn so với một Trung Quốc mà tôi đã biết trước đây.

Cuộc hội thảo sáng 17/10 được bắt đầu cũng rất khác so với các hội thảo tương tự đã tham dự ở Bắc Kinh hay Thượng Hải những năm trước đây. Thay vì mời một quan chức trịnh trọng khai mạc, trích dẫn dài dòng văn kiện đại hội như một thủ tục có tính nghĩa vụ, ban tổ chức đã mời tiến sĩ Shengfei Gan của Tập đoàn Anh – Mỹ khai mạc. Ông này chỉ nhắc đến một số quan điểm về “phát triển khoa học”, “xã hội hài hòa”, chú trọng hơn đến bảo vệ môi trường mà Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã trình bày ngày 15/10, rồi đi thẳng vào vấn đề chính. Đó là những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao trong tình hình kinh tế Mỹ có thể suy thoái, giá dầu cao kỷ lục, đồng nhân dân tệ lên giá.

Những câu hỏi nóng được đặt ra liên tục: có phải kinh tế Trung Quốc là một “hốc đen” đang hút hết năng lượng, nguyên liệu của thế giới hay không? Có phải cân bằng sinh thái đã bị xâm phạm nghiêm trọng đến mức giá phải trả sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế hay không, làm sao sử dụng ít nước, ít năng lượng hơn nữa trong nông nghiệp, công nghiệp để có thể tồn tại và nâng cao năng lực cạnh tranh, làm sao xây dựng nhanh chóng ngành công nghiệp tái chế để tăng trưởng với tỉ lệ tiêu dùng nguyên liệu thấp hơn nữa.

Tiến sĩ Frank Gong của Tập đoàn JP Morgan đã đưa ra một bức tranh kinh tế kỳ lạ và còn nhiều điều chưa giải thích nổi: sự thật là kinh tế Trung Quốc năm nay đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu lớn hơn kinh tế Hoa Kỳ; bất chấp giá dầu tăng, giá nguyên liệu tăng, xuất khẩu Trung Quốc tiếp tục tăng vì hằng năm năng suất lao động công nghiệp của Trung Quốc tăng 20%/năm (!). So với năm năm trước đây, cơ cấu Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn, thay vì xuất khẩu nguyên vật liệu và hàng gia công chiếm hơn 50%, nay máy và trang thiết bị điện và điện tử chiếm 55,9%, thép 10,9%, dệt may 10,7%.

Theo VietNamNet

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN