Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được dạy ở Đại học Osaka, Nhật Bản

14/03/2022 - 17:35

BDK.VN - Tháng 3-2022, trong quá trình Tiểu ban Nội dung Hội thảo khoa học quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu họp thông tin tiến độ chuẩn bị hội thảo, một số thành viên đã chia sẻ những tín hiệu vui về mức độ phổ biến những tác phẩm của Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Đình Chiểu đến người dân các nước trên thế giới.

Tại Nhật Bản, Giáo sư Shimizu Masaaki đã sử dụng tác phẩm Lục Vân Tiên để dạy tiếng Việt cho sinh viên. Ảnh: Phạm Văn Luân

Tại Nhật Bản, Giáo sư Shimizu Masaaki đã sử dụng tác phẩm Lục Vân Tiên để dạy tiếng Việt cho sinh viên. Ảnh: Phạm Văn Luân

Từ những chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Văn Luân - giảng viên Trường Cao đẳng Bến Tre, thành viên vừa được Tiểu ban Nội dung đề xuất bổ sung tham gia với vai trò đầu mối Tổ giúp việc bên cạnh Thường trực xử lý về nội dung học thuật của hội thảo - chúng tôi có dịp tiếp xúc với các thông tin chia sẻ từ Giáo sư Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, Nhật Bản.

Theo Giáo sư Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, năm 2022 là năm thứ ba Giáo sư Shimizu Masaaki dạy tiếng Việt cho sinh viên Nhật Bản qua truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu tại Đại học Osaka. Được biết, giờ dạy này đã được Giáo sư ghi hình dành tặng cho Bảo tàng Bến Tre để đưa vào bộ sưu tập trưng bày thực và ảo nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu (riêng trưng bày ảo sẽ được trưng bày ở Văn phòng UNESCO tại Paris, Cộng hòa Pháp).

“Tiếng Việt được dạy từ 10 năm nay tại Đại học Osaka, nhưng chủ yếu dạy qua tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Kể từ khi Bến Tre trình hồ sơ khoa học danh nhân Nguyễn Đình Chiểu lên UNESCO hiệu ứng tích cực từ sự kiện này là Đại học Osaka đã dành sự quan tâm đặc biệt đến truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu” - Tiến sĩ Phạm Văn Luân - giảng viên Trường Cao đẳng Bến Tre cho hay.

Giáo sư Shimizu Masaaki miêu tả kinh nghiệm dạy tiếng Việt qua một số tác phẩm văn học Nôm như: Lục Vân Tiên và Truyện Kiều. Đối tượng giảng dạy là sinh viên năm thứ 3, thứ 4 tại Bộ môn tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Osaka, Nhật Bản.

Sau khi giới thiệu khái quát về tác giả, nội dung và bối cảnh lịch sử sự ra đời tác phẩm, giảng viên giải thích thể loại lục bát, quy luật gieo vần và quy luật bằng - trắc của văn học Nôm. Một trong những mục đích chính trong việc dạy văn học Nôm cho sinh viên Nhật Bản là tạo cho họ cơ hội tiếp xúc với chữ Nôm và học tiếng Việt qua chữ Nôm.

Đặc điểm nổi bật của sinh viên Nhật Bản là họ đều sử dụng chữ Hán trong cuộc sống hàng ngày và họ có vốn từ gốc Hán với số lượng nhất định. Chúng tôi (Giáo sư Shimizu Masaaki và những nhà nghiên cứu tại Nhật Bản) giả định rằng đặc điểm đó có tác dụng tích cực khi học tiếng Việt qua chữ Nôm của sinh viên Nhật Bản. Đối với họ (sinh viên Nhật Bản), việc thuộc lòng từ Hán - Việt là việc tương đối dễ dàng, vì họ có thể suy đoán ý nghĩa của từ Hán - Việt qua việc so sánh cách đọc Hán - Việt và Hán - Nhật. Trong khi đó, việc thuộc lòng từ thuần Việt khó khăn hơn nhiều so với từ gốc Hán. Lý do là vì chúng không có điểm nào chung với từ vựng tiếng Nhật.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Shimizu Masaaki, tỉ lệ chữ hình thanh là loại chữ Nôm có cả yếu tố biểu âm và biểu ý trong các chữ Nôm trong Truyện Kiều và Lục Vân Tiên cao hơn so với các tác phẩm Văn học Trung đại Việt Nam. Vì vậy, bằng cách nhận thức cấu trúc của từng chữ Nôm biểu hiện âm và nghĩa của các từ thuần Việt, việc thuộc lòng những từ vựng ấy sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với sinh viên Nhật Bản.

Được biết, dịp Hội thảo khoa học quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu sắp tới, Giáo sư Shimizu Masaaki sẽ có bài nghiên cứu toàn văn, trình bày chi tiết về phương pháp giảng dạy tiếng Việt qua chữ Nôm từ tác phẩm Lục Vân Tiên như một phương pháp phù hợp nhất dành cho sinh viên sử dụng chữ Hán như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc…  Theo Giáo sư Shimizu Masaaki, đây chính là một giá trị mới trong lĩnh vực giáo dục và ngôn ngữ của văn thơ Nguyễn Đình Chiểu - người vừa được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới.

Giáo sư Shimizu Masaaki, Đại học Osaka, Nhật Bản là một học giả có sự quan tâm đặc biệt đến văn hóa Bến Tre từ những năm 1990, gần đây nhất, tháng 12-2021, Giáo sư đã có bài báo cáo khoa học về tín ngưỡng thờ mẫu tại Bến Tre trình bày tại một Hội thảo khoa học quốc tế.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích