Xã An Đức, huyện Ba Tri

Tự hào, học tập và noi gương Cụ Đồ

01/07/2022 - 11:10

BDK - Nhắc đến xã An Đức (Ba Tri), nhiều người thường nghĩ đến cụ Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ, nhà giáo, người thầy thuốc mà tinh thần thương dân, yêu nước tha thiết, được sử sách ca ngợi, là hình ảnh cao đẹp về đức tính trung - hiếu, tiết nghĩa vẹn toàn được nhân dân hết lòng trân trọng. Cụ Nguyễn Đình Chiểu chính là một trong những hình tượng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Đức luôn tự hào, học tập và noi theo.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thắp hương, viếng Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức (Ba Tri) vào tháng 11-2018. Ảnh: Q. Hùng

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đến thắp hương, viếng Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức (Ba Tri) vào tháng 11-2018. Ảnh: Q. Hùng

Tấm gương yêu nước, thương dân

Theo ghi chép lịch sử của Đảng bộ xã An Đức, sau khi thực dân Pháp xâm chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, năm 1862, triều đình nhà Nguyễn ký nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường), cụ Nguyễn Đình Chiểu đã rời Cần Giuộc về sống ở An Đức.

“Vì câu danh nghĩa phải đi ra/ Day mũi thuyền nan dạ xót xa/ Người dễ muốn chi nương đất khách/ Trời đà khiến vậy mến vua ta”.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã mở trường dạy học, vun bồi đạo nghĩa, hốt thuốc trị bệnh, sáng tác thơ văn yêu nước ca ngợi những anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh vì nước. Năm 1883, quan Chủ tỉnh Pháp tên là Ponchon có nhiều lần đến thăm, hứa trả đất cụ ở Tân Khánh, nhưng cụ đều từ chối: “Đất vua đã mất, huống gì đất tôi”. Tấm gương yêu nước, khẳng khái của Nguyễn Đình Chiểu đã được nhân dân An Đức vô cùng mến phục, noi theo. Khi cụ Nguyễn Đình Chiểu mất ngày 3-7-1888, nhân dân An Đức đã mặc đồ tang đi chật cánh đồng ấp Giồng Cục đưa linh cữu của cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Tháng 6-1867, thực dân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), vùng đất Bến Tre bị giặc chiếm đóng. Trước cảnh nước mất nhà tan, không cam tâm để giặc ngoại xâm giày xéo quê hương, Phan Tòng (còn gọi là Phan Ngọc Tòng, Phan Công Tòng), quê ở An Bình Đông, làm chức Hương giáo, vừa thọ tang mẹ đã đứng lên chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp. Ngày 9-11-1867, Phan Tòng lãnh chức Đốc binh. Ông đã hy sinh trong trận nghĩa quân tấn công quân Pháp đêm 15-11-1867 tại Giồng Gạch. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng thực dân Pháp cũng phải thán phục lòng quả cảm của nghĩa quân. Tinh thần yêu nước của ông được lưu truyền mãi trong 10 bài thơ điếu khóc Phan Tòng do Nguyễn Đình Chiểu viết: “Tinh thần hai chữ phau sương tuyết/ Khí phách nghìn thu rỡ núi non”.

Sau khi thực dân Pháp đặt ách thống trị, các cuộc khởi nghĩa vũ trang không còn, nhưng nhân dân với tinh thần yêu nước đã bí mật hình thành các nhóm yêu nước, lập hội kín, hội ái hữu. Họ truyền tụng nhau truyện Lục Vân Tiên, gương yêu nước của cụ Đồ Chiểu, các sách báo có nội dung yêu nước để giáo dục khí tiết, tinh thần yêu nước. Chính trên mảnh đất này đã ươm mầm cho sự ra đời của Chi bộ Đảng An Đức, mở ra một trang sử mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân An Đức.

Bí thư Đảng ủy xã An Đức Huỳnh Đức Nhân cho biết: Trong hai cuộc kháng chiến, Chi bộ xã An Đức luôn thực hiện tốt phương châm “bám trụ”, xem đây là kế sách quyết định để đánh thắng giặc ngoại xâm. An Đức vinh dự góp phần vào thắng lợi chung và được tuyên dương là xã anh hùng. Từ truyền thống cách mạng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương luôn đoàn kết gắn bó, phát huy ý chí tự lực, tự cường, từng bước đưa kinh tế An Đức phát triển ổn định, kết cấu hạ tầng nông thôn như cầu, đường, điện, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, làm cho bộ mặt nông thôn được khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Giáo dục con cháu noi theo

Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt đươc, Đảng bộ và nhân dân xã An Đức tiếp tục đoàn kết cùng thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nghị quyết đề ra. Phấn đấu đưa kinh tế - văn hóa - xã hội ngày càng phát triển nhanh và bền vững, có bước phát triển khá. Kinh tế chuyển biến tích cực, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và đúng hướng theo vùng quy hoạch, góp phần chuyển dịch kinh tế theo hướng phát triển bền vững; hoạt động các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, nhiều công trình giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, tạo diện mạo mới cho địa phương. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/người/năm.

Một trong những nhiệm vụ được An Đức chú trọng đó là mạng lưới trường lớp được đầu tư phát triển, chất lượng dạy và học được nâng lên, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa. Huy động trẻ vào mẫu giáo và tiểu học đạt 100%, bậc trung học cơ sở đạt 98,77%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bậc tiểu học và THCS hàng năng đạt 100%. Đặc biệt, hàng năm, xã An Đức đều tổ chức vinh danh gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học.

Là một trong những người được vinh danh gia đình hiếu học, ông Trần Văn Ngay (ngụ ấp Bến Đình, xã An Đức) chia sẻ: “Kinh tế gia đình chủ yếu là nông nghiệp nhưng vẫn cố gắng nuôi 4 đứa con ăn học. Bởi, gia đình chúng tôi nghĩ rằng, chỉ có đầu tư vào tri thức mới có thể giúp con thoát khỏi cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ngay từ khi chúng còn nhỏ, tôi đã lấy những tấm gương, những người con ưu tú của xã An Đức, trong đó có cụ Nguyễn Đình Chiểu để giáo dục con cháu noi theo”.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, cụ thể hóa kế hoạch của Huyện ủy Ba Tri về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ba Tri đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, An Đức đã xây dựng kế hoạch và xác định mục tiêu là xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Đức hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, xóa bỏ cái xấu, cái lạc hậu. Xây dựng văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần, là nội lực quan trọng bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững xã nhà. Trong đó, xác định đến năm 2025 cơ bản đạt các tiêu chí xã văn hóa nông thôn mới, xã nông thôn mới.

“An Đức tiếp tục tập trung thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, hiệu quả, chất lượng, bền vững, làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị. Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, chính trị cho đội ngũ làm công tác văn hóa, giáo dục và đào tạo trên địa bàn xã, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tạo điều kiện thuận lợi và động viên, khuyến khích mọi người phát huy khả năng sáng tạo, sáng kiến khoa học - kỹ thuật hay áp dụng vào sản xuất, đời sống xã hội và trong công tác; sáng tác những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân”.

(Chủ tịch UBND xã An Đức Đặng Ngọc Công Danh)

Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN