Từ Hoa Lư đến Thăng Long

02/07/2010 - 08:37

Hà Nội sắp bước vào kỷ niệm một ngàn năm văn hiến trong hành trang ngàn tuổi của mình trên vùng đất “địa linh nhân kiệt” có long mạch tụ khí thiêng sông núi.

Ôn lại trang sử cũ từ Hoa Lư đến Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội thì sẽ thấy có một điều hiển nhiên mà ít người chú ý, đó là sự kế thừa và phát triển của cố đô Hoa Lư thời Đinh - Lê. Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ phủ Trường Yên (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Ở đấy có chùa Nhất Trụ (nay vẫn còn di tích trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư) được chuyển về Thăng Long dựng lại thành chùa Một Cột.
Hiện nay, cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cách thị xã Ninh Bình 15km, là thủ đô đầu tiên trong nền văn minh Đại Việt với hai triều đại Đinh - Lê (869-1010). Đinh Bộ Lĩnh từ thuở nhỏ là một cậu bé chăn trâu dùng cờ lau tập trận, lớn lên với tài năng dũng lược hơn người, đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất sơn hà và lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Tiếp đó là Lê Hoàn, người có công đánh thắng quân Tống, giữ yên bờ cõi và phát triển “kinh đô đá” Hoa Lư trở thành phòng tuyến tự nhiên, hùng vĩ và xây nhiều cung điện nguy nga. Trải qua triều Lý đến triều Trần, đã có lúc vua Trần Thái Tông về lập hành cung ở Thái Vĩ (trong quần thể Tam Cốc - Bích Động) vừa để bảo toàn lực lượng lãnh đạo các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, vừa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp sông núi, di dưỡng tinh thần. Có thể coi việc vua Trần xa giá về đây lập hành cung như một cuộc chuyển dời đô ngược, trở lại với Lý Thái Tổ thời trước.
Về Ninh Bình nghe chuyện các triều vua, hẳn bạn không thể không chú ý tới những sự kiện trùng hợp mà trong suốt lịch sử thật hiếm có. Ở mảnh đất này có hai hào kiệt mày râu, ở hai làng tả hữu sông Đáy (Điểm Giang), nay thuộc huyện Gia Viễn - Ninh Bình. Một người nên vương (tức Đinh Bộ Lĩnh) và một người thành thánh (tức Nguyễn Minh Không), nên có câu: “Đại hữu sinh vương, Điểm Giang sinh thánh”. Đồng thời, lại có hai người phụ nữ nổi tiếng tài sắc, tham dự vào hai triều đại, đó là: hoàng thái hậu Dương Vân Nga và Vương phi Trần Thị Dung. Cả hai bà đều lấy hai đời chồng, đều là vua, hoặc phụ chính (bà Dung). Chỉ riêng điểm này trên thế giới là chuyện hiếm có. Bà thái hậu Dương Vân Nga từng là hoàng hậu của vua Đinh, rồi sau đó làm hoàng hậu của vua Lê, bà từng làm nhiếp chính trong vòng tám tháng sau khi vua Đinh bị sát hại (khi vua Đinh Toản còn nhỏ). Bà là người phụ nữ dám vượt qua những luật tục khắt khe, đặt vận mệnh dân tộc lên trên tình nhà và thức thời, dám tự quyết theo tiếng gọi của trái tim khi kết hôn với Lê Hoàn. Bà vương phi Trần Thị Dung thì ít người nhắc tới hơn. Hiện bà được thờ trong động Thiên Hương, trước khi vào đền thờ Thái Vi (đường vào Tam Cốc, xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình). Có thể do một phần hạn chế về quan niệm và tư liệu lịch sử nên vai trò của bà vương phi họ Trần ít được nhắc tới chăng? Chính bà Trần Thị Dung lúc đầu yêu quan Thái úy Trần Thủ Độ rất say đắm, nhưng khi biết vua Lý Huệ Tông có ý vời nàng về cung, quan Thái úy đã kềm lòng, hy sinh tình riêng vì xã tắc. Khi vua Lý băng hà, nhân thấy triều chính nhiều rối ren, nàng vương phi đã chủ động bàn với Trần Thủ Độ kế hoạch củng cố lại vương triều sau sự nghiệp sáng lập triều Trần, đưa Trần Cảnh lên ngôi, lúc này Trần Thủ Độ mới kết hôn với Trần Thị Dung và bà đựơc phong là “Linh từ Quốc mẫu”.
Động Thiên Hương nghĩa là “Hương trời”, nói đến sắc đẹp nghiêng nước, nghiêng thành của bà. Động mới được tôn tạo gần đây nên trông càng lộng lẫy hơn.
Lịch sử văn minh Đại Việt có 7-8 triều vua, thì có tới bốn đời vua gắn với mảnh đất “Hạ Long can” này. Điều đặc biệt là có hai người phụ nữ tài giỏi và xinh đẹp đã đóng vai trò to lớn vào các triều đại ấy. Ngoài việc triều chính, các hoàng phi, công chúa là những người nổi tiếng trong việc dạy dân làng dệt vải, thêu đan những tấm lụa điều, những lời ca, điệu múa, những món ăn đặc sản… Tất cả những nét đẹp ấy được kết tinh từ đất Thượng An xưa và Thăng Long - Đông Đô – Hà Nội ngày nay.
  

Thành An

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN