Từ một dòng sông đến với một dòng sông

28/04/2009 - 10:00

Tôi người Huế, một thời tuổi trẻ nặng nợ với sông Hương, những ngày hè nóng bức ngủ đò nhìn sông Hương như một người bạn. Chiều ngồi ở balcon câu lạc bộ thể thao uống cà phê nhìn sông Hương lúc mặt trời lặn ở dãy núi Trường Sơn, rải xuống dòng sông một màu vàng quí.

Một lần ngồi với cô bạn miền Tây dưới gốc phượng bên bờ sông Hương trước trường Đồng Khánh, uống xong lon nước ngọt, tôi liệng xuống sông, cô la lên và giữ lấy tay tôi nhưng không còn kịp. Tôi hỏi vì sao? Cô ấy bảo dòng sông này đẹp quá, không nên liệng bất cứ cái gì xuống đó. Tôi hỏi cô sông Hương có đẹp bằng sông Tiền, sông Hậu, cô ấy bảo đẹp hơn nhiều. Nước sông Hương có màu xanh trong vắt, có đò ngang đò dọc, còn sông Tiền, sông Hậu chở phù sa hai mùa mưa đục, nắng trong. Nhưng nghĩ cho cùng không nên so sánh sông này với sông kia, vì mỗi dòng sông đều để lại trong lòng những kỷ niệm riêng tư, kỷ niệm thì khó quên nhất là kỷ niệm về một dòng sông thì bao giờ cũng đẹp. Tôi tin như thế.

Rồi thời gian qua đi, tôi về quê hương của người bạn gái, sống bên dòng sông có cái tên rất lạ: Sông Lưu. Không biết sông Lưu đã có tự lúc nào, nhưng theo lời ông Hai Nhựt, ông Tám Nu, và một số người ở quanh khu vực chợ Phú Phụng (Chợ Lách) cho biết: “Sông Lưu có từ lúc chúng tôi chưa mở mắt chào đời đến nay đã ngoài 70. Dòng sông vẫn còn đó”. Đối với họ, sông Lưu là dấu tích của một thời lịch sử, vì trước đây cũng dòng sông này đêm đêm đã âm thầm đưa đón những người con ưu tú của Phú Phụng qua sông đi đánh đồn diệt địch. Sông Lưu còn là một đặc ân của trời đất ban cho nguồn nước ngọt quanh năm, ôm ấp nuôi dưỡng một vùng đất nông thôn quanh năm có cây lành trái ngọt.

Một đoạn sông Lưu.

Sông Lưu bắt nguồn từ sông Tiền, chảy qua xã đầu nguồn Phú Phụng đến xã Vĩnh Bình, xuôi về Sơn Định nhập vào kinh đào Chợ Lách, dài khoảng 15km. Trước năm 1975, bề ngang con sông rộng khoảng 60-70m, chỗ thu hẹp qua các vòng cung rộng khoảng 30-50m. Thế nhưng, đến nay vì không được nạo vét, sông bị “co lại”, có đoạn bề ngang chỉ còn khoảng 15-20m. Thậm chí ở khu vực chợ Phú Phụng, một số hộ kinh doanh lấn chiếm xây nhà kiên cố “bóp nghẹt” dòng sông. Hiện nay, dòng sông lại phải “chở thêm” không biết bao nhiêu là rác, túi nylon, xác súc vật, như một cái túi chứa đựng những gì mà con người không cần đến. Gần đây, một trại cá da trơn hình thành ở đầu vàm Phú Phụng, cửa ngõ chính của dòng sông, rộng khoảng 3.000m2 như một “sợi dây thòng lọng” bóp nghẹt dòng sông, làm biến đổi màu xanh của nước thành màu rong rêu bềnh bồng trôi chảy. Thân phận của một dòng sông không còn nguyên vẹn, không còn là nơi để bà con hai bên bờ đón gió chiều lồng lộng, để cho những đôi thanh niên nữ tú làm nơi hò hẹn, cho những con thuyền thoải mái xuôi ngược chở nặng tài nguyên. Vì đâu? Có nhiều lý do để người ta lý giải về sự sa sút của một dòng sông như sự phát triển đô thị, kinh tế thị trường hay thiếu sự quan tâm của Nhà nước. Nhưng cho dù lý do nào đi nữa, thì cũng không thể chấp nhận để dòng sông Lưu tệ hại hơn, khi tự thân nó đã khơi mạch sống cho hàng vạn hecta sản sinh nhiều hoa trái cho sự sống của con người, tốt hơn, khá hơn theo sự phát triển đi lên của thời đại.

Sông Hương quê tôi và sông Lưu (Chợ Lách) không biết có điều gì khác biệt giữa hai dòng sông? Nhưng tôi vẫn cầu mong sông Hương và sông Lưu luôn được mọi người gìn giữ. Vì dòng sông không chỉ một đời người.

Bài, ảnh: Nguyễn Tá Hồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN