Nói về số đông người cao tuổi trong tỉnh, ông Huỳnh Khắc Hiệp - Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh khẳng định, đây là những gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.
Theo thống kê của Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, năm 2008, toàn tỉnh có 26.100 người cao tuổi trực tiếp lao động, sản xuất kinh doanh. Trong đó, có 292 người làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, thu hút trên 2.000 lao động. Đến năm 2010, toàn tỉnh có 78.961 người cao tuổi trực tiếp sản xuất kinh doanh. Trong đó, có 436 người làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, với tổng số vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động. Trong phong trào thi đua lao động, sản xuất đã nổi lên nhiều nhân tố điển hình.
Chúng tôi đến nhà ông Bùi Thế Khải, 70 tuổi, ở ấp Giao Bình (Giao Thạnh - Thạnh Phú) và được tham quan vuông tôm hàng chục héc-ta của ông. “Năm 1965, khi tôi ra riêng, cha mẹ tôi cho 3 công đất (3.000m2). Đến nay, tôi vừa khai hoang, vừa mua thêm được 39ha đất. Hầu hết diện tích đất này, gia đình tôi tập trung nuôi tôm sú xen ruộng lúa. Năm qua, chỉ tính riêng tôm sú, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi 1,5 tỷ đồng. Còn cua biển, cá, lãi khoảng 500 triệu đồng. Những năm gần đây, cứ mỗi năm tôi thu hoạch khoảng 11,7 tấn tôm sú, gần 4 tấn cua biển và gần 8 tấn cá. Trong 39ha đất, dù trồng lúa chưa giáp, nhưng mỗi năm thu về khoảng 2.000 giạ lúa nàng keo” - ông Khải phấn khởi nói. Ngoài sản xuất giỏi, ông Khải còn tích cực tham gia hoạt động từ thiện. Mỗi năm, ông trích ra 20 triệu đồng để làm từ thiện. Bên cạnh đó, ông còn để dành 500 triệu đồng cho các hộ nghèo trong xã và các xã lân cận mượn (không lấy lãi).
Được biết, ông Khải đã 3 lần được Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chọn đi Hà Nội: năm 2003, dự Đại hội Người cao tuổi làm kinh tế giỏi; năm 2005, dự Đại hội Thi đua yêu nước người cao tuổi; năm 2010, đón nhận Huân chương Sao Vàng (ngày 2-6) tại Đại hội Thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” toàn quốc lần thứ II.
Không riêng phái “mày râu”, mà các bà, các cô cũng làm kinh tế giỏi không kém. Có thể kể đến bà Lê Thị Hoàng, 64 tuổi, cũng ở ấp Giao Bình. Gia đình bà Hoàng trước kia thuộc diện hộ nghèo, sống bằng nghề nấu rượu. Sau đó, gia đình bà chuyển sang nuôi heo. Tích lũy vốn, đến nay bà Hoàng mua được 22ha đất. Nhờ đầu tư nuôi tôm sú, cua biển, cá xen lúa theo lối quảng canh, gia đình bà thu lãi ít nhất 800 triệu đồng/năm. Mỗi năm, bà Hoàng trích ra 10 triệu đồng để làm từ thiện. Năm 1990, bà cho các hộ nghèo mượn gần 1 tỷ đồng không lấy lãi. Năm 2009, bà vinh dự nhận cúp Diên Hồng của Trung ương Hội Người cao tuổi.
Đó là những người cao tuổi ở huyện ven biển, còn những người cao tuổi ở vùng nước ngọt, có người hàng năm cũng thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. Điển hình là ông Võ Văn Hớn (Phú Phụng - Chợ Lách). Mỗi năm, ông Hớn còn hỗ trợ hơn 400 triệu đồng cho bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh.
Nói về người cao tuổi làm nghề đánh bắt cá, thì ở Bình Thắng (Bình Đại) có ông Phạm Đại, sinh năm 1930. Với kinh nghiệm hàng chục năm đánh bắt cá, hiện nay ông Phạm Đại làm “cố vấn”, hướng dẫn các con xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ, với 22 chiếc. Hàng tháng, mỗi chiếc tàu đánh bắt cá thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.
Lương y Trần Văn Thứ (An Định - Mỏ Cày Nam), qua 5 năm tham gia phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” do Trung ương Hội phát động, đã đóng góp gần 1,8 tỷ đồng. Từ tiền hốt thuốc Nam cộng với tiền vận động, ông xây tặng 2 căn nhà “Mái ấm tình thương” cho người cao tuổi nghèo. Ông Thứ còn mua hàng trăm cái lu tặng hộ nghèo đựng nước sinh hoạt; hỗ trợ 21,3 triệu đồng cho bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cù Lao Minh.
Khi nhận xét phong trào “Tuổi cao - Gương sáng” của người cao tuổi trong toàn tỉnh, ông Huỳnh Khắc Hiệp - Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Bên cạnh những người có gia đình, con cháu chăm sóc, còn có nhiều người đơn thân làm ra tiền và làm từ thiện. Đây đúng là những gương sáng cho con cháu noi theo.