Tuyên bố chung Việt Nam - Niu Di-lân

16/11/2015 - 20:18

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Niu Di-lân Giôn Ki đã sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 - 17-11-2015

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Niu Di-lân Giôn Ki thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 17-11-2015. Chuyến thăm nhằm đáp lễ chuyến thăm lịch sử và thành công tới Niu Di-lân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ 19 - 20-3-2015 nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa hai nước (19-6-1975 - 2015).

Trong thời gian ở thăm, Thủ tướng Giôn Ki đã dự lễ đón, hội đàm và chiêu đãi trọng thể do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, cùng dự có nhiều quan chức Chính phủ cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước; chào xã giao Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Thủ tướng Giôn Ki cũng tham dự một số sự kiện với doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực hàng không và giáo dục.

Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận thành công của chuyến thăm Niu Di-lân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ 19-20/3/2015 như thể hiện tại Tuyên bố chung của chuyến thăm; hoan nghênh hai bên tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, góp phần thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau về đất nước và con người của mỗi bên.

Hai nhà Lãnh đạo ghi nhận hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ giữa Niu Di-lân và ASEAN trong năm 2015. Việt Nam hoan nghênh Thủ tướng Giôn Ki đã trao tặng Kỷ niệm chương Niu Di-lân – ASEAN cho 4 cá nhân Việt Nam đã có đóng góp quan trọng thúc đẩy quan hệ Niu Di-lân – ASEAN và Niu Di-lân – Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam ủng hộ việc nâng cấp quan hệ Niu Di-lân – ASEAN lên Đối tác chiến lược nhân dịp 40 năm quan hệ Niu Di-lân – ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh tại Cua-la Lăm-pơ ngày 19/11/2015.

 Hai bên ghi nhận việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao hai nước kể từ tháng 3/2015, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của các Bộ trưởng An toàn thực phẩm, Phát triển kinh tế, Giáo dục, Kỹ năng và Đào tạo của Niu Di-lân và chuyến thăm Niu Di-lân của Bộ trưởng Y tế Việt Nam. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh những thỏa thuận mới đạt được, bao gồm Kế hoạch chiến lược về hợp tác giáo dục, Bản ghi nhớ về hợp tác hàng không và Thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực ưu tiên như đã đề cập tại Chương trình hành động 2013-2016 triển khai quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, bao gồm: nông nghiệp và thương mại nông nghiệp (trong đó có an toàn thực phẩm); giáo dục; hàng không; du lịch; công nghệ sạch; quản lý môi trường và quản lý rủi ro thiên tai.

Hai bên đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trong hợp tác thương mại song phương thời gian qua với mức tăng trưởng liên tục trên 20%/năm trong vòng 5 năm qua, đạt 800 triệu USD trong năm 2014. Hai bên cam kết ủng hộ và khuyến khích doanh nghiệp hai nước tăng cường tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Ô-xtrây-li-a – Niu Di-lân – ASEAN (AANZFTA) nhằm duy trì tăng trưởng thương mại, hướng tới đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 1,7 tỷ USD vào năm 2020. Trên cơ sở các kế hoạch làm việc hai nước ký kết trong thời gian gần đây, hai bên sẽ ưu tiên hợp tác thúc đẩy việc loại bỏ các hàng rào thương mại đối với các sản phẩm nông, thuỷ sản của mỗi nước; đồng thời tiếp tục tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Niu Di-lân đã cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam trong những năm qua và ghi nhận viện trợ của Niu Di-lân đang hướng tới hình thành mối quan hệ đối tác rộng mở, góp phần thúc đẩy quan hệ chiến lược trên các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam mà Niu Di-lân có kinh nghiệm như nông nghiệp, tri thức và kỹ năng, quản lý rủi ro thiên tai. Thủ tướng Niu Di-lân đã công bố một số sáng kiến mới sau:

- Dự án trồng rau sạch trị giá 5,6 triệu USD trong 5 năm trên lĩnh vực nông nghiệp;

- Tăng cường hỗ trợ về tri thức và công nghệ thông qua việc cung cấp học bổng, các khoá đào tạo ngắn hạn và đào tạo tiếng Anh cho cán bộ Việt Nam với tổng trị giá 3,7 triệu đô-la Niu Di-lân mỗi năm;

- Hợp tác phần II dự án An toàn đê điều trị giá 5,5 triệu đô-la Niu Di-lân trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai.

 Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh sáng kiến thiết lập cơ chế Đối tác thương mại cấp Chính phủ nhằm mở rộng hợp tác giữa hai nước thông qua hợp tác ứng dụng các kỹ thuật đẳng cấp quốc tế của Niu Di-lân. Hai nhà Lãnh đạo cũng hoan nghênh tiến triển đạt được trong quá trình thiết lập dự án đầu tiên cấp Chính phủ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Cơ quan Quản lý chất lượng Niu Di-lân nhằm xây dựng Khung Chất lượng Quốc gia của Việt Nam. Hai nước đang tích cực nghiên cứu các cơ hội hợp tác và khó khăn trên các lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm, nông nghiệp cũng như những lĩnh vực tiềm năng khác trong khuôn khổ cơ chế Đối tác thương mại cấp Chính phủ.

Hai bên hoan nghênh những tiến triển gần đây trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Tư lệnh Quốc phòng Niu Di-lân Tướng Tim Kít-tinh (Tim Keating) vào tháng 8/2015; lập mới cơ chế Đối thoại chiến lược giữa Bộ Quốc phòng hai nước cũng như chuyến thăm Việt Nam của 65 sỹ quan của Học viện đào tạo sỹ quan chỉ huy Niu Di-lân vào tháng 11/2015. Hai Thủ tướng hoan nghênh các sáng kiến của lực lượng quốc phòng hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác gìn giữ hoà bình trên cơ sở kinh nghiệm của Niu Di-lân và mong muốn đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực này.

 Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc kết thúc thành công đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và mong muốn Hiệp định sớm được triển khai nhằm tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế giữa hai nước trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do hiện có giữa ASEAN – Ô-xtrây-li-a – Niu Di-lân (AANZFTA), góp phần vào tăng trưởng, thịnh vượng và ổn định ở khu vực. Hai Thủ tướng cũng tái khẳng định mong muốn hoàn tất một Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) toàn diện và chất lượng cao được xây dựng trên cơ sở các Hiệp định thương mại tự do ASEAN + 1. Thủ tướng Giôn Ki cam kết ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC vào năm 2017. Hai bên thảo luận về tầm quan trọng của các cam kết về hàng hoá môi trường trong khuôn khổ APEC.

 Hai bên hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Niu Di-lân, với tư cách là đồng sáng lập viên của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cũng như tham gia vào Hội đồng quản trị nhằm bảo đảm Ngân hàng đáp ứng tốt các tiêu chuẩn cao đối với tổ chức tài chính quốc tế. Hai nhà Lãnh đạo cam kết ủng hộ việc xây dựng và duy trì AIIB là một tổ chức quản trị tốt với các chính sách và hoạt động nhanh chóng, hiệu quả và trở thành ngân hàng “gọn nhẹ, sạch và xanh”.

 Hai bên tái khẳng định các cam kết đối với các diễn đàn khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+ (ADMM+), Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF), thừa nhận tầm quan trọng của những diễn đàn này trong việc thúc đẩy và duy trì thịnh vượng chung cũng như giải quyết thách thức an ninh khu vực. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, và bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai nước kêu gọi các bên kiềm chế và không có hành động gây gia tăng căng thẳng trong khu vực; các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhất trí nhu cầu sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hai bên nhất trí tiếp tục tham vấn và hợp tác chặt chẽ trong những vấn đề quốc tế quan trọng như thương mại đa phương, hòa bình và an ninh toàn cầu, nhân quyền và môi trường. Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh sự ủng hộ ứng cử của nhau trong khuôn khổ Liên hợp quốc, với việc Niu Di-lân trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2015 – 2016 và Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) như một cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời trao đổi về tầm quan trọng của bản Thông cáo Cải cách trợ giá nhiên liệu hoá thạch.

Hai Thủ tướng cùng lên án các vụ tấn công xảy ra gần đây tại Pa-ri và gửi lời chia buồn tới nhân dân Pháp.

 Dựa trên những sáng kiến đề ra trong Tuyên bố chung vào tháng 3/2015 nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước, và để hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược trong thời gian tới, Lãnh đạo hai nước đã nhất trí thông qua những sáng kiến sau:

- Tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, đặc biệt sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 của Việt Nam và Việt Nam có Chính phủ mới trong năm 2016;

- Triển khai hiệu quả Kế hoạch chiến lược về hợp tác giáo dục, trong đó tập trung vào tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục hai nước và tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tham gia các chương trình giáo dục chất lượng cao tại Niu Di-lân;

- Kiểm điểm việc thực hiện chương trình Lao động kỳ nghỉ (ký năm 2012) nhằm thực hiện tối đa chỉ tiêu 100 vị trí việc làm cho mỗi bên;

- Tăng cường hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm thúc đẩy kết nối thương mại, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận kỹ năng, công nghệ và kinh nghiệm tiếp thị nhằm nâng cao chất lượng hàng nông sản Việt Nam;

- Kiểm điểm việc thực hiện Hiệp định Dịch vụ hàng không trong năm 2016;

- Hoan nghênh hãng Hàng không Niu Di-lân tuyên bố mở đường bay thẳng từ thành phố Óc-len tới thành phố Hồ Chí Minh (vận hành theo mùa) từ tháng 6/2016 và tạo điều kiện cho các thủ tục liên quan; đồng thời thúc đẩy các sáng kiến tăng cường kết nối nhân dân hai nước nhằm tận dụng lợi thế đường bay thẳng.

 Thủ tướng Giôn Ki cảm ơn sự đón tiếp trọng thị mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Đoàn trong thời gian ở thăm và trân trọng mời các Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm Niu Di-lân vào thời gian thuận tiện./.

Theo ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN