Tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thạnh Phú.
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
Trong vài năm gần đây, việc đầu tư cho nghề nuôi tôm nước lợ của người dân từng lúc được nâng cao, không ngừng tìm kiếm, tư duy sáng tạo, đổi mới ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất giá trị con tôm nước lợ. Nhiều mô hình nuôi tôm mới được áp dụng như: Nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, nuôi tôm trong ao lót bạt, nuôi có lưới che, nuôi trong nhà kính…; đặc biệt là mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC được đánh giá mang lại hiệu quả trong thời gian qua.
Theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh sẽ phát triển 4.000ha nuôi tôm CNC đến năm 2025. Qua triển khai, mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đạt 3.110ha (Ba Tri 380ha, Bình Đại 1.551ha, Thạnh Phú 1.179ha), năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản lượng nuôi tôm CNC đạt 49.072 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh.
Ưu điểm của mô hình nuôi tôm CNC là cách ly được dịch bệnh giai đoạn đầu, quản lý chặt chẽ yếu tố thủy lý, thủy hóa, nuôi mật độ cao, quản lý tốt được thức ăn và môi trường, nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi.
Về tiêu chuẩn chất lượng, tỉnh đã hỗ trợ chứng nhận BAP, ASC với diện tích 136ha đối với nuôi tôm thâm canh, ứng dụng CNC và kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu (chuỗi cung ứng thủy sản Minh Phú và Công ty TNHH Chế biến thủy sản Việt Hải).
Về nguồn vốn vay để phát triển nuôi tôm CNC, các ngân hàng đã chủ động tiếp cận và cho vay một số khách hàng, cá nhân đầu tư nuôi tôm CNC tại các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, tổng doanh số cho vay trong năm đạt 146 tỷ đồng.
Năm 2024 phát triển thêm 500ha
Thực hiện Kế hoạch số 3004/KH-UBND tỉnh về phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC đến năm 2025, trong năm 2024, Chi cục Thủy sản sẽ chủ trì phối hợp với các địa phương tuyên truyền DN và người dân đầu tư phát triển thêm 500ha nuôi tôm CNC trên địa bàn 3 huyện biển.
Bàn về giải pháp phát triển bền vững ngành tôm nước lợ nói riêng và tôm CNC, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Phú Lê Văn Tiến cho biết sẽ quan tâm xây dựng và phát huy chứng nhận sản phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế BAP, ASC. Đồng thời, khuyến khích hộ nuôi liên kết tạo quy mô về diện tích và sản lượng. Cũng theo ông Lê Văn Tiến, huyện Thạnh Phú đề xuất cần được sự quan tâm hỗ trợ phân bổ nguồn vốn đầu tư hạ tầng đồng bộ vùng nuôi trên địa bàn huyện.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Đại Võ Trịnh Quốc Toàn kiến nghị các sở, ngành tỉnh có liên quan mời gọi DN đầu tư nhà máy chế biến tôm; DN tham gia xây dựng vùng sản xuất tập trung của huyện; tăng cường quản lý chất lượng tôm giống trong và ngoài tỉnh. Các ngân hàng hỗ trợ hộ nuôi tiếp cận vốn thông qua các chuỗi liên kết trong sản xuất.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024, do Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Thạnh Phú tổ chức ngày 14-3-2024, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Buội nhận định: Mặc dù ngành thủy sản tỉnh có bước phát triển khá, đặc biệt là ngành tôm nước lợ luôn có những đóng góp lớn, tích cực thúc đẩy khu vực nông lâm thủy sản phát triển qua từng năm nhưng vẫn còn gặp không ít khó khăn thách thức, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài như hiện nay, đây là một trong những hạn chế đã kiềm hãm sự phát triển ngành tôm nước lợ của tỉnh.
Trong khó khăn đó, nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển đổi phương thức sản xuất và Bến Tre trong những năm qua cũng từng bước áp dụng và phát huy hiệu quả rõ rệt, đó là mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ Biofloc ít thay nước, mô hình nuôi tôm trong nhà lưới, nuôi 2, 3 và 4 giai đoạn và đặc biệt là nuôi ứng dụng CNC.
“Các sở, ngành cùng đồng hành với Sở NN&PTNT quan tâm, tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp và UBND các huyện để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thủy sản. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và thực hiện của người dân, DN trong phát triển ngành tôm nước lợ như: chính sách về vay vốn; thu hút DN về đầu tư hoặc hỗ trợ các DN trong tỉnh đầu tư nhà máy chế biến tôm trên địa bàn tỉnh; thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật phát triển ngành nuôi tôm nước lợ của tỉnh…”.
(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội)
|
Bài, ảnh: Cẩm Trúc