Ứng phó với dịch bệnh trên heo

11/03/2019 - 06:51

BDK - Đến thời điểm này, bệnh lở mồm long móng đã “giảm nhiệt”, chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, cơ quan chức năng, địa phương và người chăn nuôi khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Phun sát trùng phương tiện rỗng vào tỉnh vận chuyển gia súc.

Phun sát trùng phương tiện rỗng vào tỉnh vận chuyển gia súc.

Tình hình dịch bệnh trên heo

Đối với 6 ổ dịch lở mồm long móng, ngoài xã Thuận Điền (Giồng Trôm), xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc) đã báo cáo kết thúc, đủ điều kiện kết thúc ổ dịch. Đến ngày 6-3-2019, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam cho biết, việc tiêu độc sát trùng, tiêm phòng vắc-xin cho toàn đàn heo trong ấp và các biện pháp khác được 3 xã Thành Thới B, Cẩm Sơn, Thành Thới A khẩn trương thực hiện, 3 xã này hiện đã đủ điều kiện kết thúc ổ dịch. Riêng xã Hưng Khánh Trung A (Mỏ Cày Bắc) chưa có thông tin.

Cũng trong thời gian này, tại xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam phát hiện bệnh tai xanh, đã tiêu hủy 108 con heo mắc bệnh. Ngoài ổ dịch này, huyện chưa phát hiện thêm trường hợp bệnh nào phát sinh trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra cảnh báo về nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh trong thời gian tới là rất cao, nhất là hiện nay xuất hiện tình trạng thương lái mua heo từ một số tỉnh khác nhập về Bến Tre rồi tiếp tục vận chuyển sang tỉnh khác để tiêu thụ.

Siết chặt kiểm tra động vật vào tỉnh được xác định là khâu then chốt nhằm chống dịch bệnh xâm nhiễm vào tỉnh. Tỉnh đã thành lập 6 chốt kiểm dịch động vật tạm thời ở 3 cửa ngõ chính ra vào tỉnh. Ngành chức năng còn tiến hành khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch, kể cả phương tiện rỗng vào tỉnh để vận chuyển heo. Các chốt này làm việc cả ngày lẫn đêm. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tỉnh hiện từ chối việc vận chuyển heo từ tỉnh khác về rồi xin giấy từ Bến Tre cho đi tiếp. Heo vận chuyển về tỉnh thì phải được giết mổ, nếu là heo đi ngang qua tỉnh thì phải có giấy tờ đầy đủ. 

Ngành chức năng cũng tiến hành tổ chức nhiều buổi nói chuyện ở khu dân cư, xóm, ấp theo nhu cầu đăng ký của các địa phương gửi về UBND huyện. Những người có trách nhiệm từ phía tỉnh, huyện sẽ đến và nói chuyện về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch bệnh này.

Kinh nghiệm bảo vệ đàn heo

Là một chủ trang trại chăn nuôi có khoảng 2 ngàn con heo, anh H.V.T, ngụ xã Thành Thới B (Mỏ Cày Nam) vận dụng hết những hiểu biết của mình để bảo vệ đàn heo được khỏe mạnh. Bên cạnh việc thực hiện theo đúng quy tắc chăn nuôi an toàn ở trại, anh H.V.T còn tiến hành tẩy ruồi (đặt ở mỗi chuồng một xô chứa đầu tép, cá cho ruồi bu lại rồi đậy nắp đem đi diệt); ngăn các loại ve thân mềm (che chắn chuồng trại kín đáo, không để chó mèo vào trại, diệt chuột, gián…); diệt trùng (sử dụng đèn khò để khò lửa vào các khe, vách chuồng, những nơi vi khuẩn có thể ẩn trú). Nhờ vậy, sức đề kháng đàn heo của anh khá ổn.

Tiêm phòng nghiêm ngặt và đầy đủ giúp đàn heo chống chọi tốt với dịch bệnh.

Tiêm phòng nghiêm ngặt và đầy đủ giúp đàn heo chống chọi tốt với dịch bệnh. 

Lợi ích của việc không giấu dịch là rất lớn. Ông Phan Trung Nghĩa - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nói: “Khi phát hiện heo bệnh mà báo sớm thì người chăn nuôi được ngành chức năng hỗ trợ, nếu phải tiêu hủy thì được chính sách hỗ trợ tiền trên mỗi ký heo hơi. Dịch bệnh sẽ được khống chế khi còn ở diện hẹp. Việc khai báo sớm với chính quyền địa phương nhằm nhanh chóng khống chế dịch, bảo vệ đàn heo còn lại, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất”.

Cũng theo ông Phan Trung Nghĩa, việc người dân ngăn chặn các tác nhân bên ngoài phòng bệnh xâm nhập cho đàn heo thì tác nhân con người là quan trọng nhất. Do đó, cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khu vực chăn nuôi phải kín đáo, không để người không có trách nhiệm ra vào tùy tiện, kế đó là chó, mèo, gà bay vô, tiếp nữa mới là côn trùng. Việc sát trùng tốt nhất tiến hành 2 lần/tuần, hóa chất phun xịt chuồng trại có chất i-ốt thì tốt hơn. Bên cạnh đó, cần nâng sức đề kháng cho heo bằng Vitamin C, glucose. Sử dụng đèn khò để sát trùng thì rất tốt, đối với trại có biogas thì người dân nên tận dụng khí gas cho việc khò.

Phía người dân cũng góp ý, ngành chức năng cần có “test nhanh để xác định bệnh dịch tả lợn châu Phi, tiến hành công bố nhanh, không đợi gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm thì quá lâu, tránh trường hợp người chăn nuôi bán tháo hoặc thủ heo bệnh mà không biết”.

Ông Trần Quang Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Hiện ở những tập đoàn chăn nuôi lớn, như C.P của Thái Lan có test nhanh để xác định ban đầu với bệnh dịch tả lợn châu Phi, giá mỗi test là 210 ngàn đồng. Chúng tôi cũng thấy cần có test nhanh trước, sau đó vẫn phải lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Việc test cũng cần phải đúng quy trình do người có chuyên môn thực hiện. Tuy nhiên, việc test nhanh tới nay vẫn chưa có pháp nhân, pháp lý thực hiện, test chỉ mang tính chất tham khảo chứ chưa có căn cứ khoa học (từ cơ quan quản lý của Việt Nam) công nhận. Phía Chi cục từng đề nghị UBND tỉnh cho sử dụng, nhưng vấn đề này cần đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc”.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN