Ưu điểm phương án tuyển sinh lớp 10 THPT không chuyên
02/05/2016 - 06:58
Kể từ năm học 2016-2017, ngành Giáo dục tỉnh đã chính thức điều chỉnh phương án tuyển sinh lớp 10 THPT không chuyên. Phương án này không chỉ góp phần giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh mà còn giúp học sinh cũng như giáo viên có sự điều chỉnh trong cách học, cách dạy.
Phương án tuyển sinh lớp 10 THPT không chuyên từ năm học
2016-2017 là thi tuyển 2 môn Ngữ văn và Toán, tính hệ số 2, kết hợp với xét tuyển
kết quả học tập và rèn luyện ở cấp THCS của học sinh. Điểm xét tuyển vào lớp
10: Tổng điểm thi 2 môn Ngữ văn và Toán (đã nhân hệ số 2) cộng với điểm ưu tiên
khuyến khích (nếu có) và điểm bình quân các năm học lớp 6, 7, 8, 9. Điểm bình
quân các năm học là tổng điểm bình quân học lực cuối năm và điểm bình quân rèn
luyện các năm học lớp 6, 7, 8, 9. Điểm trúng tuyển được lấy từ cao xuống thấp
cho đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Giảm áp lực cho cả phụ huynh lẫn học sinh
Anh Võ Đồng Thanh có con đang học lớp 9 Trường THCS Vĩnh Phúc
bày tỏ: Việc thi 2 môn kết hợp xét tuyển sẽ giảm áp lực cho cả phụ huynh cũng
như học sinh. Thi ít môn các em sẽ bớt học thêm, có thời gian tự học, tự rèn tại
nhà, như vậy kiến thức sẽ vững hơn, có chiều sâu hơn. “Đổi mới trong tuyển sinh
lớp 10 như hiện nay thì chúng tôi phải có động thái chuẩn bị và đầu tư cho con
em mình không chỉ khi vào THCS mà là ngay ở những năm tiểu học mới có thể đảm bảo
đủ năng lực vào học bậc THPT”, anh Thanh nói.
Thi tuyển 2 môn kết hợp xét tuyển thì liệu rằng học sinh có học
lệch hay không? Lý giải về vấn đề này, Thầy Bùi Văn Khỏe - Hiệu trưởng Trường
THCS Vĩnh Phúc cho biết: Phương án tuyển sinh lớp 10 năm nay đã được ngành Giáo
dục lấy ý kiến của giáo viên, phụ huynh học sinh cách đây 2 năm trước khi trình
UBND tỉnh phê duyệt. Điều này cho thấy, ngành đã tính đến những ưu, khuyết điểm
của phương án này. Với góc độ của nhà quản lý chuyên môn, thầy Khỏe cho rằng:
“Việc thi 2 môn Ngữ văn và Toán được thực hiện cách đây khá lâu, trên dưới 20
năm, điều này sẽ có nhiều ưu điểm, bởi đây là 2 môn năng khiếu, là chìa khóa để
phát hiện năng khiếu tư duy ngôn ngữ và tư duy toán học của học sinh”.
Mặt khác, theo quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì
đánh giá học sinh là đánh giá cả một quá trình, vì vậy trong phương án mới có
thi tuyển và xét tuyển. Như vậy, nếu học sinh muốn đạt kết quả tốt trong kỳ thi
tuyển lớp 10 không chuyên thì ngay từ những năm đầu cấp, các em phải tập trung
rèn luyện cả về hạnh kiểm cũng như văn hóa; phải học đều các môn, đừng mang tâm
lý học lệch, học sao cũng được. Có như vậy, các em mới trang bị đầy đủ kiến thức
về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, về kỹ thuật, công nghệ và các kỹ năng cơ
bản khác.
Hướng đến phát triển toàn diện năng lực học sinh
Em Lê Gia Bảo - học sinh lớp 9 Trường THCS An Định (Mỏ Cày Nam)
hăm hở: “Năm nay thi 2 môn Ngữ văn, Toán, em thấy nhẹ nhàng, giảm áp lực hơn. Mặc
dù năm nay không thi ngoại ngữ nhưng em vẫn phải tập trung đầu tư cho môn học
này. Bởi hiện nay, ngoại ngữ là môn “công cụ”, nếu học giỏi môn này sẽ có hướng
phát triển lâu dài. Mặt khác, điểm xét tuyển vào lớp 10 không chỉ phụ thuộc vào
điểm thi mà còn xét tuyển kết quả 4 năm THCS, vì vậy, em cần phải học đều các
môn, không quan trọng môn này, bỏ môn kia, sẽ ảnh hưởng đến con đường bước vào
giảng đường đại học sau này”.
Lý giải về cơ sở thực tiễn
của phương án tuyển sinh lớp 10 THPT không chuyên từ năm học 2016-2017, thầy
Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc tổ chức
tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên bằng phương thức thi tuyển có ưu điểm
là giúp giáo viên nắm được thông tin phản hồi từ phía học sinh, trên cơ sở đó sẽ
điều chỉnh phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, khi tổ chức thi tuyển sẽ góp phần
thực hiện việc phân luồng học sinh sau THCS. Những học sinh có năng lực tốt sẽ
được tuyển vào lớp 10 THPT. Các em có năng lực yếu hơn sẽ được phân luồng sang
hệ vừa làm vừa học của giáo dục thường xuyên hay học trung cấp chuyên nghiệp hoặc
học nghề. Phương thức xét tuyển có được kết quả đánh giá cả quá trình học tập và
rèn luyện của học sinh. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ sử dụng phương thức xét tuyển
thì sẽ không chính xác. Thầy Huấn lý giải: Do cách quản lý hiện nay còn lỏng lẻo,
đánh giá học sinh giữa các trường chưa đều tay, vì vậy, ngành áp dụng phương thức
thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Để đảm bảo kết quả tuyển sinh được chính xác,
thực chất, ngành sẽ chú trọng đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm
tra về công tác chuyên môn, theo dõi sâu sát quá trình dạy học, kiểm tra, đánh
giá của giáo viên.
Như vậy, thi theo phương án nào ngành Giáo dục đều muốn đạt đến
mục tiêu là giáo dục toàn diện nhân cách, năng lực của người học. Vì vậy, đổi mới
cơ chế quản lý, khắc phục bệnh thành tích, thể hiện hết lương tâm nghề nghiệp
trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh là những giải pháp mà ngành đang tập
trung thực hiện.