Ưu thế từ hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ

30/10/2015 - 07:36

Đào tạo theo học chế tín chỉ, sinh viên được chọn giảng viên theo ý thích.

Đào tạo theo học chế tín chỉ là hình thức đào tạo tiên tiến với tôn chỉ lấy người học làm trung tâm. Loại hình đào tạo này sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho người học. Nếu biết sắp xếp thời gian học hợp lý giữa các tín chỉ thì người học cùng lúc có thể nhận 2 văn bằng đại học khác nhau. 

Phát huy được năng lực người học

Trước hết, đào tạo theo học chế tín chỉ không phải là cách chuyển đổi mục đích hay cách thức giáo dục mà chỉ là chuyển từ hình thức đào tạo cũ sang hình thức đào tạo mới có tính ưu việt hơn. Thầy Võ Thành Phước - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bến Tre cho biết: Ưu thế đầu tiên trong đào tạo theo tín chỉ là giảm đi các học phần bắt buộc và tăng các học phần tự chọn, nhằm tạo điều kiện phân hóa người học rõ nét. Nếu người học có trình độ khá giỏi thì sẽ rút ngắn được thời gian học; ngược lại, nếu sức học yếu hay trong quá trình học cần gián đoạn thì vẫn có thể kéo dài thời gian học và như vậy người học được quyết định thời gian học theo năng lực và khả năng của bản thân.

Như vậy, nếu dạy theo học chế tín chỉ sẽ đặt ra nhiều yêu cầu khác nhau đối với người dạy và người học. Sinh viên Nguyễn Thị Cẩm Tú, lớp 15 Cao đẳng mầm non 2, chia sẻ: Khi học theo niên chế, sinh viên thường thụ động trong việc học. Khi lên lớp, sinh viên ngại phát biểu ý kiến, chỉ ghi chép theo những gì được giảng dạy. Học theo học chế tín chỉ đòi hỏi người học phải tự nghiên cứu, tìm tòi, làm việc theo nhóm, thảo luận và tích cực đặt câu hỏi, trao đổi trực tiếp với giảng viên. Người học phải xác định rõ mục tiêu, trên cơ sở đó, lập kế hoạch học tập theo từng môn học, từng học kỳ, từng năm học. Điều này tạo cho sinh viên thói quen năng động, chăm chỉ tìm tòi, học hỏi những điều mới. Còn Phạm Thị Diễm Phúc, sinh viên lớp 13 Cao đẳng chế biến bày tỏ: Đào tạo theo học chế tín chỉ, người học có thể chủ động học theo điều kiện và năng lực của mình, có thể chuyển đổi chuyên ngành học một cách dễ dàng, không phải học lại từ đầu. Nếu biết sắp xếp thời gian học hợp lý các tín chỉ giữa 2 chuyên ngành học, người học dễ dàng lấy cùng lúc 2 văn bằng ở 2 chuyên ngành khác nhau.

Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng chú trọng người học, Trường Cao đẳng Bến Tre bắt đầu chuyển từ đào tạo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ từ năm học 2012-2013. Đến nay, niên khóa đầu tiên đã được xét tốt nghiệp, trong đó số sinh viên ra trường chiếm 97,28%. Thầy Võ Thành Phước nhận định: Đào tạo theo học chế tín chỉ, người học phải thực hiện quá trình tự học, tự nghiên cứu một cách nghiêm túc theo nội dung môn học để hoàn thành kế hoạch đề ra; Tuy số giờ lên lớp không nhiều nhưng lại đòi hỏi chất lượng, do đó giờ tự học của sinh viên là rất quan trọng, vì một tín chỉ tương đương 15 giờ lý thuyết trên lớp cùng với 15 giờ sinh viên chuẩn bị ở nhà. Ngoài ra, người học còn phải biết rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng liên hệ thực tế, nắm được quy chế đào tạo theo tín chỉ và được tư vấn đầy đủ về kế hoạch học tập.

Kinh nghiệm đã làm

Đào tạo theo học chế tín chỉ thì phương pháp của người thầy cũng như việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Theo đó, người thầy phải chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới công tác quản lý, cách đánh giá trong quá trình học. Khi dạy theo niên chế, người dạy chú trọng truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho người học thụ động một chiều thì nay người thầy sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn về phương pháp tư duy, phương pháp tự học, cách sáng tạo. Hệ thống giáo án và kế hoạch giảng dạy của thầy được bố trí rõ ràng, tách bạch giữa phần cung cấp kiến thức nền tảng, lý thuyết với phần tự học, thực hành và thảo luận của sinh viên. Điều này cho thấy, đào tạo theo học chế tín chỉ đòi hỏi người dạy phải luôn có sự sáng tạo, tìm tòi, tư duy, nghiên cứu liên tục để cập nhật kiến thức mới. Phương pháp đánh giá theo đào tạo tín chỉ cũng khác biệt so với đào tạo theo niên chế.

Nếu đào tạo theo niên chế coi điểm đạt được cuối học phần là quan trọng thì đào tạo theo học chế tín chỉ lại coi trọng điểm kiểm tra, bài tập giữa học phần. Điều này có thể tạo ra sự đánh giá chất lượng công bằng, dàn trải suốt quá trình học. Vì vậy, người học phải luôn cố gắng, phấn đấu trong suốt quá trình học, không thể trông chờ vào sự rủi may khi thi. Tránh tình trạng “không học” nhưng vẫn qua của phương pháp đào tạo theo niên chế. Bên cạnh đó, đào tạo theo học chế tín chỉ đòi hỏi công tác quản lý phải mềm dẻo, linh hoạt. Các học phần được cấu trúc lại theo những modul, nên lịch giảng dạy không được thay đổi. Giáo viên lên lớp không được bỏ giờ, mỗi giảng viên và sinh viên phải có thời khóa biểu riêng. Các khoa, các ngành học phải thành lập đội ngũ cố vấn cho người học.   

Theo thầy Võ Thành Phước, để việc đào tạo theo học chế tín chỉ được hoàn thiện, nhà trường sẽ chú trọng và tăng cường tổ chức cho học sinh tự học. Giáo viên bộ môn và giáo viên cố vấn học tập quan tâm hướng dẫn sinh viên phương pháp học tập, phương pháp tự học, nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên; mở lớp bồi dưỡng cho các giáo viên làm nhiệm vụ cố vấn học tập, chú ý phân công giáo viên trẻ, nhiệt tình trong công tác này. Nhà trường quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, giáo trình, tài liệu tham khảo, trang bị các phòng thực hành cho sinh viên.

Như vậy, dạy theo học chế tín chỉ sẽ có nhiều ưu điểm tạo cơ hội để người học phát huy năng lực của bản thân. Việc thay đổi này phụ thuộc phần nhiều vào quá trình quản lý linh hoạt của lãnh đạo nhà trường. Phương pháp giảng dạy sẽ là phương pháp của từng giảng viên theo từng ngành học cũng như đối tượng khác nhau.

Bài, ảnh: P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN