Sáng 19/5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6 thảo luận đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.
Đa số các đại biểu đều tán thành các nội dung của đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trong đó, hoạt động giám sát, đặc biệt là việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, được thảo luận và góp ý nhiều nhất.
Ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội băn khoăn và cho rằng, cần cân nhắc nội dung “hằng năm tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kết quả bỏ phiếu được công khai”, vì trong điều 13 của Luật Hoạt động giám sát Quốc hội đã quy định.
Nhiều đại biểu khác cũng khẳng định cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề, dành toàn bộ thời gian tại hội trường cho việc hỏi và trả lời câu hỏi trực tiếp. Bởi thực chất của hoạt động chất vấn là xem xét trách nhiệm của người được Quốc hội bầu, phê chuẩn giữ những trọng trách trong bộ máy Nhà nước ta về một lĩnh vực nào đó.
Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động chất vấn, giải trình; có thể tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để đại biểu tham gia, nhân dân theo dõi.
Về hoạt động tiếp xúc cử tri, các đại biểu đều tán thành với việc tổ chức nhiều hình thức tiếp xúc; thông báo công khai nội dung, chương trình, lịch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, cũng như tăng cường tiếp xúc trực tiếp. Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu luật pháp, thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng làm được như vậy sẽ nhận được nhiều đóng góp, xây dựng có chất lượng cao của cử tri.
“Mặc dù Quốc hội chưa thông qua, nhưng tôi thấy đã phát huy trong cuộc sống. Như vấn đề tiếp xúc cử tri, ở Hà Nội thông báo công khai tại tất cả các điểm và đủ mọi thành phần tiếp xúc. Với cử tri trí thức, các nhà khoa học, họ phát biểu rất hay, tầm cao, vĩ mô trong xây dựng, góp ý cho Chính phủ về hoạt định chính sách hiện nay”, ông Thảo nói.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, đề án này chủ yếu tập trung vào đổi mới cách thức, phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà chưa tập trung vào đổi mới tổ chức, nội dung hay vấn đề quan trọng của đất nước mà Quốc hội có thể quyết định.
Đề án cũng mới chỉ bàn về việc giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, mà vẫn đảm bảo chất lượng, khối lượng công việc của Quốc hội./.