Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra.
Trình bày sự cần thiết xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước ở thời điểm hiện tại, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước; đồng thời, sau hơn 3 năm thi hành Luật Kiểm toán nhà nước 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, Luật Kiểm toán nhà nước được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước, của Tổng Kiểm toán nhà nước; làm rõ và đầy đủ phạm vi, đơn vị được kiểm toán phù hợp với đối tượng kiểm toán theo quy định của Hiến pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước, bảo đảm sự đồng bộ với các luật khác có liên quan; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Việc xây dựng Luật bảo đảm thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển Kiểm toán nhà nước; phát triển Kiểm toán nhà nước thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của các địa phương. Bảo đảm tính độc lập cao đối với hoạt động Kiểm toán nhà nước; hoàn thiện địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước bảo đảm tương xứng vị trí, vai trò của Kiểm toán nhà nước với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công cao nhất của Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Phân định rõ vị trí, chức năng của Kiểm toán nhà nước với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của Nhà nước, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành; bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh hay quy định chưa rõ hoặc thiếu thống nhất, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tế hoạt động của Kiểm toán nhà nước; bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật Kiểm toán nhà nước và các luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật của Nhà nước như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tố cáo; Luật Giám định tư pháp... Làm rõ phạm vi, đối tượng kiểm toán; quy định đầy đủ đơn vị được kiểm toán bảo đảm mọi nguồn lực tài chính công và tài sản công theo quy định của Hiến pháp đều được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán. Tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Trong thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc thi hành và nghiên cứu, rà soát các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 và các quy định pháp luật liên quan; đề xuất các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 phù hợp với các quy định về Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán nhà nước, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình soạn thảo, Kiểm toán nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, làm việc trực tiếp và xin tư vấn các đại diện bộ, ngành và đơn vị liên quan, các hiệp hội, tổ chức tọa đàm với một số Đại biểu Quốc hội, đại biểu các bộ, ngành, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các Tổng công ty, tập đoàn lớn để góp ý, hoàn thiện Dự thảo.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Kiểm toán nhà nước năm 2015 bao gồm 3 điều, cụ thể: Điều 1 quy định về các nội dung sửa đổi, bổ sung, các khoản quy định nội dung sửa đổi, bổ sung được sắp xếp theo thứ tự tương ứng với trật tự các điều, khoản, điểm của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015. Điều 2 quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản. Điều 3 quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Thẩm tra dự thảo Luật này, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 mới ban hành được 3 năm, mặc dù có bộc lộ một số bất cập nhưng về cơ bản các quy định của Luật vẫn còn phù hợp với thực tiễn, phần lớn các vướng mắc không thực sự đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, trong 18 nội dung mà Kiểm toán nhà nước đưa ra thì chỉ có 5 nội dung Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách đồng tình với dự thảo Luật; 2 nội dung đề nghị chỉnh sửa lại; 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến tromg Thường trực Ủy ban không đồng tình vì chưa thực sự cần thiết và không đảm bảo công bằng và đề nghị giữ như Luật hiện hành. Hơn nữa nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung chưa nhận được sự đồng tình của các bộ ngành liên quan. Do vậy, đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh lại dự thảo Luật theo hướng chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết; nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động để tránh chồng chéo với cơ quan thanh tra theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đối với những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật chuyên ngành nếu phát sinh vướng mắc thì đề xuất sửa đổi, bổ sung luật có liên quan, không thể hiện các nội dung này trong Luật Kiểm toán nhà nước để tránh chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Về hồ sơ trình dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, hồ sơ và thời gian gửi hồ sơ để thẩm tra còn chậm so với quy định. Bên cạnh đó, hồ sơ của dự án Luật này cũng chưa có ý kiến của Chính phủ; báo cáo giải trình ý kiến góp ý chưa có ý kiến của Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Do vậy, đề nghị Kiểm toán nhà nước bổ sung tài liệu đầy đủ theo đúng quy định.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhận định, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Giám định tư pháp, Luật xử phạt vi phạm hành chính… sẽ không tạo ra sự thống nhất với dự thảo luật này. Vì vậy, đề nghị Kiểm toán nhà nước nghiên cứu bổ sung điều, khoản chuyển tiếp thể hiện rõ nội dung sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan theo quy định tại Điều 13 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính nhất quán theo hệ thống pháp luật.
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước đã bổ sung các nội dung nhằm hướng tới mục tiêu khắc phục chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước, tuy nhiên các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung mà Kiểm toán nhà nước trình lần này lại chưa có sự đồng thuận cao giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo. Do vậy Kiểm toán nhà nước cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ lưỡng đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật này.
Bày tỏ quan điểm tại phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, để góp phần hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán giữa cơ quan thanh tra hiện nay theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW thì việc ban hành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước là cần thiết.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Kiểm toán nhà nước là chế định độc lập, do Quốc hội bầu và đã được quy định trong Hiến pháp. Thời gian qua Kiểm toán nhà nước đã cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nếu chúng ta muốn hoạt động của Kiểm toán nhà nước lớn mạnh, hoạt động có hiệu quả, đúng tính chất là một chế định độc lập thì khi sửa đổi nên cân nhắc trên góc độ của chế định độc lập để quy định. Nếu quy định của dự thảo Luật đi từ gốc Kiểm toán nhà nước là một chế định độc lập sẽ mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kỹ thuật, lập luận và phân tích trong hồ sơ dự án Luật chưa thật thuyết phục, nhiều nội dung đưa ra còn chung chung nên cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, đưa ra các lập luận có tính thuyết phục cao hơn. Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu để chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, việc ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực kiểm toán cũng như việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là rất cần thiết. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Kiểm toán nhà nước cần nghiên cứu, rà soát lại các nội dung đề xuất sửa đổi bám sát Nghị quyết 18-NQ/TW, cũng như thực tiễn 3 năm thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015; tránh tối đa sự trùng lắp, đảm bảo không phá vỡ sự thống nhất của hệ thống pháp luật và nghiên cứu thật kỹ để chỉ sửa đổi, bổ sung vào những nội dung thực sự cần thiết. Ngoài ra, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Kiểm toán nhà nước tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có báo cáo giải trình tiếp thu ngay sau phiên họp và hoàn thiện tài liệu của hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định.
Nguồn: quochoi.vn