Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thư viện

13/03/2019 - 13:33

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện.

Sáng ngày 13-3-2019, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thư viện. Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận.

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Thư viện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28-12-2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân. Sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập: chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp.

Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần hoàn thiện và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế; khẳng định vai trò của thư viện đối với sự phát triển văn hóa, con người, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam; mở rộng chức năng và hoạt động để tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ công song hành với tăng cường tính tự chủ của thư viện; thúc đẩy việc đa dạng hóa các loại hình thư viện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện, đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy các nguồn lực trong xã hội, tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức phục vụ nhu cầu học tập suốt đời.

Dự thảo Luật Thư viện có 7 Chương, 51 Điều, sửa đổi bổ sung 19 điều, quy định mới 32 điều so với Pháp lệnh và các quy định hiện hành; quy định về thành lập thư viện; hoạt động thư viện; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, về tổng thể, dự thảo Luật đã kế thừa những nội dung cơ bản của Pháp lệnh Thư viện, tiếp cận xu hướng phát triển của thư viện nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với Hiến pháp và các đạo luật liên quan. Điểm mới của dự thảo Luật so với Pháp lệnh là bổ sung 2 chương về hoạt động thư viện, xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện; mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung đối tượng áp dụng, thư viện số, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thư viện.

Tuy nhiên, so với mục tiêu xây dựng Luật, Ủy ban thẩm tra nhận thấy, tổng thể cấu trúc còn chưa hợp lý, thiếu những quy định khái quát để tạo hành lang pháp lý cho phát triển các loại hình thư viện, phát triển văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Về chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, dự thảo Luật có một điều quy định một số chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện. Tuy nhiên, các chính sách còn dàn trải, chưa xác định rõ về ưu tiên trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động thư viện, chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy văn hóa đọc trong nhân dân.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng phát triển sự nghiệp thư viện là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước. Trong điều kiện ngân sách có hạn, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, hiện đại hóa, số hóa các thư viện công lập trọng điểm, đẩy mạnh hoạt động liên thông từ các thư viện công lập trọng điểm và thư viện khác đến những nơi có nhu cầu; phát triển văn hóa đọc nhất là đối với thanh niên, học sinh, sinh viên; cung cấp dịch vụ thư viện cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, đồng bào dân tộc, người khuyết tật và đồng bào ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Các nội dung hoạt động khác như: sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị các tài liệu quý hiếm nên được phối hợp với công tác lưu trữ, bảo tàng; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động thư viện nên được phối hợp với công tác giáo dục, đào tạo. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện và dịch vụ phục vụ hoạt động thư viện.

Về mạng lưới thư viện, các thư viện có quan hệ hữu cơ, tác động tương hỗ lẫn nhau vì có nhiệm vụ chia sẻ thông tin, phát huy giá trị vốn tài liệu, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của nhân dân. Do đó, mạng lưới thư viện là nội dung cần được làm rõ để làm cơ sở xác định thư viện trọng điểm, vị trí của các thư viện khác trong mạng lưới, từ đó đề ra các chính sách phát triển sự nghiệp thư viện, quy định việc thành lập thư viện, quyền, trách nhiệm của thư viện và Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, nội dung này chưa rõ, khó xác định được mối quan hệ, sự ảnh hưởng, tác động, hỗ trợ lẫn nhau giữa các loại hình thư viện, giữa các thư viện trong cùng loại hình.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cho phù hợp, trong đó đặc biệt quan tâm việc xác định rõ trách nhiệm của thư viện trọng điểm và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị và các bộ, ngành đối với xây dựng thư viện.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Ban Soạn thảo cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho dự án Luật này. Các đại biểu hi vọng sau khi Luật này ra đời, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ do các thư viện cung cấp sẽ tăng lên; thúc đẩy văn hóa đọc đang dần suy giảm, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với thông tin, tri thức ngày một nhiều hơn.

Có ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần rà soát lại đảm bảo không chồng chéo về các quy định pháp luật và để thống nhất với các luật có liên quan; dự án Luật viết theo hướng tập trung để quản lý nhưng lại không thấy nhiều hành lang pháp lý, chưa huy động được các nguồn lực xã hội; Luật chỉ lấy thư viện là trung tâm mà chưa lấy người đọc là đối tượng phục vụ làm trung tâm trong hoạt động thư viện; khái niệm thư viện truyền thống, thư viện điện tử, thư viện số đã có nhưng chưa rõ thư viện điện tử được thành lập như thế nào... Luật cần quy định rõ vấn đề này.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh sửa dự án Luật để trình phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.

Nguồn: quochoi.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN