Vài nét về họa sĩ Nguyễn Hoàng

27/10/2011 - 16:16

Họa sĩ Nguyễn Hoàng tên thật là Nguyễn Văn Hoàng, sinh năm 1943, tại xã Tân Thạch (Châu Thành - Bến Tre).

Ông tập kết ra miền Bắc lúc mới 11 tuổi, học văn hóa và năm 27 tuổi, ông tốt nghiệp chuyên môn Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Ông về chiến trường miền Nam năm 28 tuổi và đi thực tế tại Bến Tre từ năm 1972 đến năm 1975 - ngày thị xã Bến Tre hoàn toàn giải phóng.

Họa sĩ Nguyễn Hoàng (phải) tại  triển lãm tranh hội họa của mình đã được khai mạc ngày 27-10-2011, tại số 5 Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh
(TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: ĐHMT

 

So với một số họa sĩ cùng thời đi thực tế tại Bến Tre, trường hợp của họa sĩ Nguyễn Hoàng được xem như chuyến hồi hương sau 18 năm tập kết ra miền Bắc. Hành trang mà Nguyễn Hoàng mang theo về miền Nam - đặc biệt quê hương xứ dừa, là sức trẻ và trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Và cao hơn nữa là tình cảm,  nghị lực luôn hừng hực cháy trong tâm hồn họa sĩ - như muốn bù đắp những cống hiến cho ngần ấy năm xa cách quê hương. Vì vậy, điểm đến công tác và chiến đấu của Nguyễn Hoàng vẫn là lực lượng vũ trang tỉnh, đầu tiên là Bộ Chỉ huy Tỉnh Đội rồi Trung đoàn Đồng Khởi và cuối cùng là Đội Nữ pháo binh Bến Tre. Chính nhờ ở đây mà họa sĩ đã vẽ được ảnh thật, “Bắt sống giặc Mỹ trên sông” của Đội Nữ pháo binh Bến Tre.

Xem tranh của họa sĩ Nguyễn Hoàng, người ta dễ bắt gặp những con người thật, việc thật, những chiến sĩ còn rất trẻ trên mỗi chặng đường hành quân, sinh hoạt và chiến đấu của lực lượng vũ trang Bến Tre nói chung được họa sĩ ghi chép rất cần thận và rất chính xác. Nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Hoàng rất trẻ trung, sống động và lối vẽ chân phương, hình họa đúng, luôn có góc nhìn đẹp - nhất là tả được nét đẹp đặc trưng của nữ chiến sĩ pháo binh xứ dừa.

Với thời gian 5 năm sống, chiến đấu và vẽ trên khắp chiến trường Bến Tre, Nguyễn Hoàng đã vẽ rất nhiều. Người ta không đếm được bao nhiêu tranh ký họa thực tế, tranh bìa, minh họa cho báo “Chiến Sĩ”, nhưng ấn tượng nhất là 3 tranh vẽ chân dung Bác Hồ (khổ 3m x 4m) được đặt tại trung tâm Thị xã ngay ngày Bến Tre hoàn toàn giải phóng, mà thời này họa sĩ ở Bến Tre chưa đủ khả năng thể hiện chân dung Bác Hồ kính yêu.

Ngày nay, mỗi lần giở lại hồi ký qua nhiều tranh ký họa của Nguyễn Hoàng, người ta thấy có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Có nhiều tác phẩm được lưu giữ ở các bảo tàng có tầm cỡ quốc gia, trong đó có bức “Sau trận đánh” (bắt sống tù binh Mỹ trên sông), bằng chất liệu sơn mài, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Bến Tre. Tên tuổi của họa sĩ được biết đến như là họa sĩ chiến trường của quê hương Đồng Khởi, mà họa sĩ là một trong những người con đã điểm tô cho quê hương xứ dừa thêm tươi đẹp bằng nét vẽ của chính mình.

 

Họa sĩ Nguyễn Hoàng tham gia cách mạng từ năm 1971. Ông về công tác giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 1975 và là Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1992 đến năm 2004. Ông được Nhà nước khen thưởng, phong tặng:

- Huy chương chống Mỹ cứu nước hạng nhì.

- Huân chương Lao động hạng hai.

- Huân chương Cựu chiến binh Việt Nam.

- Nhà giáo ưu tú.

- Thạc sĩ nghệ thuật.

Ông có nhiều sáng tác nghệ thuật giá trị, được tuyển chọn tham dự các cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976, 1985, 1990, 1995, 2000 và 2005. Các tác phẩm của ông được lưu giữ tại các Bảo tàng:

- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - Hà Nội (3 tác phẩm).

- Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (3 tác phẩm).

- Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (3 tác phẩm).

- Bảo tàng tỉnh Bến Tre (1 tác phẩm).

Họa sĩ Trường Chăm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN