Lần đầu tiên Bến Tre xuất khẩu bưởi da xanh

Vai trò của nhà quản trị

08/12/2022 - 11:58

BDK.VN - Chia sẻ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo với bạn đọc trên báo Đồng Khởi mới đây dưới tựa đề “Xuất khẩu trái bưởi - Những tín hiệu lạc quan”. Ông đã nhắc tới vai trò của “nhà quản trị” (NQT).

Chuyển giao kỹ thuật “Vi ghép” BDX cho bà con nông dân.

Chuyển giao kỹ thuật “Vi ghép” BDX cho bà con nông dân.

Hành trình 6 năm để trái bưởi da xanh (BDX) Bến Tre chính thức “bước vào” thị trường Hoa Kỳ, cho thấy, vai trò của NQT đặc biệt quan trọng. Hành trình ấy là cả một quá trình dài, một sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của tất cả các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự kết nối của doanh nghiệp (DN) với tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và sự “nỗ lực, miệt mài, sáng tạo của người nông dân trồng bưởi tỉnh nhà”. Như lời của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nhấn mạnh tại buổi Lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ. Để có được “kỳ tích này”, NQT đã có những “bước đi” từ rất sớm và đúng đắn…

Từ chỉ dẫn địa lý BDX Bến Tre

Đây là tiền đề rất quan trọng để trái BDX Bến Tre lập nên “kỳ tích”. Từ trước đó và đến năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có công tác chuẩn bị, phối hợp xây dựng thành công chỉ dẫn này.

Trưởng phòng Quản lý khoa học thuộc Sở KH&CN tỉnh Nguyễn Văn Vũ cho biết: Đến nay, đơn vị đã hoàn chỉnh 6 chỉ dẫn địa lý trên cây, con chủ lực của tỉnh gắn với sản phẩm OCOP của các địa phương như: Sầu riêng, xoài tứ quý, BDX, dừa xiêm xanh, tôm càng xanh và cua biển. Đồng thời, chuyển giao nhiều đề tài, sáng kiến khoa học, kỹ thuật tiên tiến về cấy, ghép cây giống, hoa kiểng cho bà con nông dân. Phần này, chúng tôi sẽ nói rõ hơn về kỹ thuật “Vi ghép” của ngành đã và đang triển khai cho việc chuẩn và chỉnh nguồn cây giống, hoa kiểng tại huyện Chợ Lách mang tầm quốc gia.

Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định thương mại với các nước trên thế giới, trong đó, có Hoa Kỳ. Với vai trò, chức năng và nhiệm vụ của ngành công thương là cập nhật thường xuyên, cung cấp thông tin về điều kiện xuất khẩu, việc thông quan tại các cửa khẩu (chủ yếu ở các nước lân cận), hoạt động xúc tiến thương mại… Là cầu nối giữa DN với các đối tác thương mại ở nước ngoài. Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga: Hiện nay, ngành đã và đang rất tập trung phối hợp với Bộ Công Thương hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp mã “CO” cho tỉnh. Đây là mã hết sức quan trọng cho các DN xuất khẩu tỉnh nhà. Vì bởi hiện nay, để có mã này, DN trong tỉnh phải qua tận tỉnh Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh xin phép.

Mã “CO” là chứng nhận xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu. Nếu tại tỉnh cấp được mã này sẽ góp phần thuận lợi cho công tác xuất khẩu hàng hóa nhanh chống hơn, giảm chi phí và thời gian cho DN của tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, nếu như việc BDX của Bến Tre được người tiêu dùng tại Hoa Kỳ tiêu thụ nhanh thì vấn đề đặt ra là việc cung ứng với số lượng lớn cho thị trường này sẽ như thế nào và mã “CO” có càng sớm là điều kiện thuận lợi cho DN tỉnh.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Huỳnh Quang Đức cho biết: Về tiêu chuẩn sản xuất hàng nông sản của tỉnh hiện nay, ngành đã áp dụng hai tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap. Tiêu chuẩn GlobalGap có nhiều yêu cầu cao nhất về kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu “khắc khe” của thị trường các nước Châu Âu và Hoa Kỳ. Riêng về tiêu chuẩn VietGap, đã có nhiều ý kiến cho rằng, sự cần thiết nên chăng phải nâng lên một bước với những tiêu chí cao hơn, khắc khe hơn.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi của chúng tôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy cho rằng, tiêu chuẩn VietGap cũng rất phù hợp với yêu cầu của nhiều thị trường các nước. Tổng giám đốc Ngô Tường Vy cho biết: Có một kỹ thuật hiện nay mà người trồng BDX của tỉnh gần như quên lãng, đó là kỹ thuận bao trái. Tại sao, vú sữa, xoài áp dụng kỹ thuật này đã cho ra sản phẩm rất tốt. BDX rất cần thiết sử dụng kỹ thuật này trong canh tác theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn và bền vững.

Đến chuẩn nguồn cây giống với kỹ thuật “Vi ghép”…

Chất lượng BDX được thị trường “khắt khe” Hoa Kỳ chấp nhận cũng là một yếu tố cho chúng ta yên tâm. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay đối với NQT của tỉnh là phải tiến xa hơn một bước về sự cần thiết phải chỉnh và chuẩn hóa nguồn giống BDX của tỉnh. Ngày 12-7-2022, UBND tỉnh chính thức ban hành Quyết định số 1519 về Đề án Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia, Đề án phù hợp với chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ và đáp ứng kịp thời yêu cầu theo Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Huỳnh Quang Đức cho biết: Bến Tre là nơi sản xuất giống cây trồng lớn nhất cả nước với diện tích 1.538ha, có trên 8.000 hộ sản xuất, cung cấp hàng năm khoảng từ 17-20 triệu cây giống các loại. Đây là ngành nghề truyền thống có từ lâu đời đã góp phần đáng kể cho việc phát triển diện tích cây ăn quả của tỉnh và cả nước.

Nhìn chung, lĩnh vực sản xuất kinh doanh cây giống đã gó́p phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây giống trong khu vực và cả nước. Cùng với kinh nghiệm sản xuất qua nhiều thế hệ kết hợp với khoa học, kỹ thuật (KHKT) tiên tiến, nghề sản xuất cây giống trong tỉnh ngày càng phát triển mạnh.

Tuy nhiên, việc sản xuất cây giống chưa phát huy và khai thác đúng mức do chất lượng sản phẩm chưa cao, sản lượng không ổn định, chủng loại cây không đồng đều, sản xuất vẫn còn manh mún, thiếu đồng bộ và thông tin nguồn gốc chưa rõ ràng. Đa số chưa tuân thủ quy định về sản xuất giống cây trồng và chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận với cơ sở pháp lý cũng như chưa có mối liên kết vùng trong sản xuất, giao thương với các tỉnh, thành trong khu vực như: Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang…

Bên cạnh đó, công tác sưu tập, chọn lọc, nhập nội, lai tạo giống mới chưa được ngành chức năng thực hiện thường xuyên để đánh giá, khảo nghiệm và đưa vào sản xuất. Chủ yếu là người dân tự nhập giống để trồng, với quan điểm là chọn lọc giống nào tốt thì giữ lại và tiếp tục phát triển. Mặc khác, việc tổ chức sản xuất chưa thật sự chặt chẽ, thiếu sự liên kết giữa những người sản xuất với nhau, giữa người sản xuất với DN và việc gắn kết với các tỉnh bạn trong khu vực.

Trong bối cảnh thị trường phát triển theo xu hướng hiện nay thì chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm được ưu tiên đặt lên hàng đầu, do đó đòi hỏi sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Trước những thách thức trên thì việc sản xuất cây giống của huyện Chợ Lách nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Riêng đối với hoa kiểng là nghề truyền thống của người địa phương, trong những năm gần đây, nghề này phát triển rất mạnh.

Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh hoa kiểng cũng gặp nhiều khó khăn do sự phát triển còn manh mún, thiếu sự liên kết giữa hộ kinh doanh và sự liên kết vùng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật gặp nhiều hạn chế, sản lượng hoa kiểng được bán tập trung chủ yếu vào dịp lễ, Tết Nguyên đán. Trước những thực trạng trên Đề án “Phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm Quốc gia” được xây dựng nhằm tạo một sức bật mạnh mẽ về định hướng đầu tư và sản xuất cho nghề sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, hoa kiểng của tỉnh.

Xoay quanh vấn đề này, nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức KHKT tỉnh Nguyễn Quốc Bảo cho rằng: Trên thực tế, NQT chưa thật sự quan tâm sâu sát vấn đề này. Đã có nhiều câu chuyện xảy ra về vấn đề cây giống gây tranh cãi mà phần thiệt thòi là bà con nông dân. Chẳng hạn, khi mua cây giống về trồng cả chục năm trời, cây sinh trưởng tốt mà không cho trái, hoặc chất lượng trái không như ý muốn. Thực tế cũng cho thấy, có một cây nhưng có tới hai loại trái, ở trên là bưởi, ở dưới là chanh. Vấn đề này là do kỹ thuật ghép cây giống mà ra. Gốc là gốc chanh, bo thì là BDX.

Trong cuộc làm việc với Liên hiệp các tổ chức KHKT tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ có nhắc đến việc cần thiết phải xây dựng mã số vùng sản xuất, trong đó, có truy xuất nguồn gốc giống, quy trình hướng dẫn canh tác rất cụ thể cho người mua.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức KHKT tỉnh Nguyễn Quốc Bảo rất tán đồng với vấn đề này, rõ ràng trong thực tế, tùy vào những vùng đất khác nhau mà có một quy trình canh tác khác nhau. Không thể nào đem cây BDX lên vùng đất Tây Nguyên mà hướng dẫn người dân phải đắp mô để trồng được. Quan điểm xưa nay là chúng ta sợ cung cấp giống BDX cho các tỉnh, thành sẽ dẫn đến việc cạnh tranh với BDX của Bến Tre, điều này thật không nên. Thổ nhưỡng và quy trình canh tác là yếu tố quyết định đến chất lượng của trái bưởi. Có thể, cũng là BDX nhưng không phải được trồng ở Bến Tre. Vấn đề này, bà con trồng cần quan tâm bởi tỉnh ta đã xây dựng hoàn chỉnh Chỉ dẫn địa lý BDX Bến Tre và có “truy xuất nguồn gốc” rõ ràng.

Trong quá trình tìm tư liệu, thông tin viết chuỗi bài viết này, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết xoay quanh sự kiện lần đầu tiên Bến Tre đại diện cho cả nước xuất khẩu lô BDX sang thị trường Hoa Kỳ. Băn khoăn về việc tuân thủ nghiêm quy trình canh tác theo tiêu chuẩn mà phía đối tác Hoa Kỳ đặt ra, ở một tiêu chí nhỏ thôi là việc không chấp nhận cho bà con trong bưởi thả nuôi gia súc, gia cầm. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng, vấn đề này cũng đặt ra cho chúng ta phải giải quyết bài toán này. Làm thế nào đó để bà con trồng bưởi da xanh hài hòa lợi ích, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Huỳnh Quang Đức: Hiện nay tỉnh đã chọn được 110 cây đầu dòng và hơn 400 vườn cây đầu dòng, lớn nhất cả nước, để phục vụ cho việc ươm và ghép cây giống bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn.

Theo Thạc sĩ Võ Minh Khoa - chuyên viên Phòng Quản lý khoa học thuộc Sở KHCN tỉnh cho biết, kỹ thuật “Vi ghép” được Viện Cây ăn quả miền Nam chuyển giao cho Trung tâm Giống cây trồng tỉnh. Kỹ thuật này đòi hỏi quy trình và kỹ thuật sản xuất giống rất nghiêm ngặt, từ phôi giống và bo ghép sẽ được ươm trong ống nghiệm, nuôi trong vô trùng… Đặc điểm nổi bật của kỹ thuật này sẽ cho ra cây giống thuần chủng, sạch bệnh. Nhất là bệnh vàng lá gân xanh trên cây trồng có múi mà người nông dân rất e ngại.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN